Đa dạng hình thức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cũng được các trường THPT, giáo viên áp dụng linh hoạt, đa dạng.

Một buổi học của lớp phụ đạo vào buổi tối của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ do thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tập trực tiếp giảng dạy.
Một buổi học của lớp phụ đạo vào buổi tối của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ do thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tập trực tiếp giảng dạy.

Lớp học miễn phí

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ, học sinh chỉ cần học chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 là có thể đạt 75% điểm số của bài thi. Thí sinh cần bám sát đề thi minh họa được Bộ GD&ĐT đã công bố để có định hướng ôn tập.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, 25% nội dung đề thi ở mức vận dụng, vận dụng cao có tính phân hóa là căn cứ để các cơ sở đào tạo sử dụng làm một trong các phương thức xét tuyển.

Với hơn100 học sinh lớp 12, thầy Nguyễn Văn Tập – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ (Điện Biên) – cho biết: Nhà trường đang tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT để các em “về đích” thành công.

Theo đó, ngoài các lớp ôn tập trực tiếp ở trường theo thời khóa biểu, nhà trường tổ các lớp phụ đạo vào buổi tối. Cụ thể, nhà trường sẽ bố trí giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ các em trong quá trình tự học. “Các lớp học này hoàn toàn miễn phí. Thậm chí Ban giám hiệu cũng đứng lớp, hướng dẫn học sinh” – thầy Tập chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà trường dẫn giáo viên thành lập các Group theo từng bộ môn và từng lớp học, nhằm hỗ trợ kịp thời cho học sinh.

Việc thành lập các nhóm cũng là kênh tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình học tập. Trên cơ sở đó, học sinh có thể trao đổi với thầy/cô về nội dung kiến thức bài học hoặc nhờ thầy cô tư vấn về các trang tự học trên mạng, kênh Youtube….

“Chúng tôi hỗ trợ tối đa cho học sinh, chỉ mong các em chăm chỉ ôn tập để có kiến thức vững vàng, tự tin bước vào kỳ tốt nghiệp THPT 2023 và đạt kết quả cao” - thầy Tập khẳng định.

Thầy Nguyễn Văn Tập cho hay: Nhà trường chia thành 3 giai đoạn để tổ chức, hướng dẫn học sinh ôn tập. Theo đó, giai đoạn 1 là: Học đâu chắc đó. Tức là, hướng dẫn học sinh những kiến thức đã học và học bài nào, chắc bài đó.

Giai đoạn 2, hướng dẫn học sinh ôn tập theo định hướng của đề thi minh hoạ do Bộ GD&ĐT công bố.

Giai đoạn 3 – “nước rút”, ngoài việc hệ thống hoá toàn bộ kiến thức trọng tâm, nhà trường sẽ cho học sinh luyện tập theo các dạng đề tổng hợp. Việc này vừa tổng hợp kiến thức vừa giúp các em rèn kỹ năng làm bài thi. Nhà trường cũng tổ tổ chức thi thử cho các em trước khi bước vào kỳ chính thức.

Một lớp học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).

Một lớp học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).

Lớp học cấp tốc

Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức ôn tập cho học sinh theo hình thức “lớp học cấp tốc” miễn phí. Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền cho hay, hình thức này được nhà trường áp dụng trong nhiều năm qua.

Nhờ đó mà nhiều năm liên tiếp, kết quả học sinh đỗ tốt nghiệp của trường luôn đạt 100%. Song, quan trọng là không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

“Năm nay, “lớp học cấp tốc” tiếp tục vận hành” – cô Huyền thông tin. Hình thức này giúp học sinh có động lực trong học tập và đặt mục tiêu, trách nhiệm cao hơn.

Đồng quan điểm, ThS Lê Thị Mười – Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) – nhìn nhận, việc đa dạng hoá hình thức ôn tập cho học sinh nhằm tăng hứng thú học tập cho các em.

Sau khi ôn lại lý thuyết, cô thường hướng dẫn học sinh làm câu hỏi trắc nghiệm theo chủ đề. Ngoài ra, cô thiết kế một số trò chơi cho học sinh để các em ôn tập theo nhóm.

"Riêng môn Lịch sử, học sinh cần hệ thống hoá các kiến thức từ lịch sử Việt Nam đến thế giới; từ kiến thức cơ bản đến kiến thức nâng cao. Tuyệt đối không học tủ, học vẹt” - ThS Lê Thị Mười khuyến cáo.

Ngoài ra, học sinh cần có kế hoạch tự học và tự ôn bài, luyện các đề ôn tập cho thích hợp, có hiệu quả. "Khi giải các đề ôn tập, các em phải tạo cho mình thói quen dùng các kiến thức đã học để chọn đáp án cho chính xác và lý giải một cách khoa học tại sao lại chọn đáp án đó, tránh việc chọn theo kiểu cầu may" - ThS Lê Thị Mười nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó: Ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi. Tổ chức coi thi vào 2 ngày 28, 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng. Dự kiến từ ngày 17–19/7 sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT để có thời gian thuận lợi nhất cho công tác tuyển sinh. Đây là thời gian hợp lý và thuận lợi nhất để học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2023 và hướng nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ