Cần tạo cơ hội cho khán giả trẻ tiếp xúc nghệ thuật truyền thống

GD&TĐ - Cần tạo ra cơ hội cho khán giả trẻ tiếp xúc và tham gia vào nghệ thuật truyền thống để tạo cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống và khán giả trẻ.

MV 'See tình' của ca sĩ Hoàng Thùy Linh có âm hưởng, giai điệu truyền thống được nhiều người quan tâm. Ảnh chụp màn hình.
MV 'See tình' của ca sĩ Hoàng Thùy Linh có âm hưởng, giai điệu truyền thống được nhiều người quan tâm. Ảnh chụp màn hình.

>>> Kỳ 1: Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… 'hầu bao': Săn đón, chịu chi cho… 'đồ ngoại'

>>> Kỳ 2: Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… 'hầu bao': Từ chối, cả khi có cơ hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã dành cho Báo Giáo dục & Thời đại cuộc trò chuyện cởi mở và tâm huyết để cùng lý giải về câu chuyện văn hóa thần tượng trong giới trẻ hiện nay.

Màu sắc mới

- Sự kiện nhóm nhạc BlackPink được khán giả trẻ nồng nhiệt chào đón ở Hà Nội phải chăng tiếp tục là minh chứng sinh động về văn hóa thần tượng của giới trẻ Việt Nam trong hơn thập niên qua, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Sự kiện nhóm nhạc BlackPink biểu diễn ở Việt Nam và được giới trẻ hào hứng chào đón là một hiện tượng đã được tiên liệu từ lâu khi làn sóng Hàn Quốc đã quá phổ biến ở nước ta.

Sự kiện BlackPink cho thấy 3 điểm tích cực và 3 điểm hạn chế. Về tích cực: Giúp công chúng trẻ nói riêng, xã hội nói chung quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật và công nghiệp giải trí. Đồng thời, tạo ra sự kết nối với văn hóa quốc tế khi BlackPink là một nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu.

Giới trẻ Việt Nam đã rất năng động với nghệ thuật quốc tế, luôn mở rộng tầm nhìn và thể hiện sự kết nối với văn hóa nghệ thuật toàn thế giới, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước con người, góp phần đưa nền văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là sự lan tỏa thông điệp tích cực vì BlackPink được biết đến là nhóm nhạc truyền cảm hứng về phong cách thời trang, độc lập và tự tin…

Còn về hạn chế, đó là sự tập trung quá nhiều vào văn hóa thần tượng, khiến một số khán giả trẻ có thể lạc quan, đánh giá quá cao hoặc lệ thuộc quá mức vào những hình mẫu nghệ sĩ, có thể làm mất cân bằng trong quá trình phát triển cá nhân và sự đa dạng tư duy.

Thứ hai là thiếu sự đa dạng trong việc quan tâm nghệ thuật, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Thứ ba là những hệ lụy về kinh tế khi sự kiện yêu cầu chi phí cao để tổ chức và tham gia.

Điều này có thể tạo ra một khoảng cách kinh tế và phân biệt giữa các tầng lớp trong xã hội, khi một số khán giả trẻ không thể tham gia vào sự kiện do hạn chế tài chính, tạo ra bất bình đẳng không cần thiết trong hưởng thụ văn hóa trong xã hội, từ đó tạo ra những so bì, mâu thuẫn không cần thiết khác.

- Để tránh sự lệch lạc, cực đoan của việc xây dựng văn hóa thần tượng trong giới trẻ, việc định hướng cần được bắt đầu từ đâu và như thế nào, thưa ông?

Thần tượng một ai đó không phải là một vấn đề mới, nhưng ở bối cảnh hiện nay, hiện tượng này có những màu sắc mới.

Theo quan niệm trước đây, thần tượng (mẫu người lý tưởng) phải là người có tài năng xuất chúng, phông văn hóa lớn, nền tảng kiến thức sâu rộng; có đạo đức, tư cách tốt, sống chuẩn mực và có nhiều đóng góp cho cộng đồng…

Do đó, thường là các danh nhân, anh hùng nên để đánh giá ai đó là hình mẫu, thần tượng trong xã hội không dễ. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường hiện nay, thần tượng là cách gọi đối với những người nổi tiếng (diễn viên, ca sĩ, cầu thủ bóng đá…) được giới trẻ yêu thích, say mê, hâm mộ, thậm chí sùng bái.

Có 3 lý do hâm mộ thần tượng thái quá: Một là sức đề kháng của giới trẻ còn thấp, không đủ sức đối đầu hoặc thoát khỏi ảnh hưởng toàn diện của làn sóng văn hóa nước ngoài; hai là khi không có lý tưởng, điểm tựa chính đáng về tinh thần, họ vẫn phải sống cuộc sống của người khác, khiến lệ thuộc ngày càng nhiều vào thần tượng; ba là giới truyền thông góp phần không nhỏ vào việc thổi phồng thần tượng, ca ngợi lên mây, “sáng tạo” ra những ngôi sao ảo.

Vậy gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm gì trong việc này? Gia đình cần định hình giá trị và tiêu chuẩn đúng đắn, tạo ra môi trường an toàn, hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển tư duy, nhân cách, cũng như dành thêm thời gian để tạo cơ hội giao tiếp và thảo luận với con em mình về các vấn đề tư tưởng, nhân cách và lối sống.

Nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục tích cực và đa chiều; tạo các hoạt động giáo dục ngoại khóa nhằm phát triển tư duy, lối sống lành mạnh, cung cấp đầy đủ kiến thức, thông tin để học sinh có thể đánh giá, lựa chọn một cách cân nhắc về tư tưởng và lối sống.

Xã hội cần tạo ra môi trường khuyến khích sự đa dạng trong tư duy, nhân cách và lối sống tốt đẹp; có những hoạt động, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cộng đồng để giáo dục và tạo cơ hội cho giới trẻ phát triển, cũng như tạo ra môi trường đoàn kết chống lại các xu hướng tiêu cực, đồng thời góp phần xây dựng một văn hóa lành mạnh cho giới trẻ.

Và, giữa các bên có trách nhiệm chia sẻ, hợp tác, tương tác trong một quá trình thống nhất. Gia đình có trách nhiệm giáo dục con em về giá trị và tôn trọng văn hóa truyền thống.

Nhà trường cần giới thiệu các chương trình nghệ thuật truyền thống một cách hấp dẫn, tạo cơ hội cho học sinh tiếp xúc và hiểu biết về chúng. Xã hội cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: NVCC.

Trách nhiệm chung

- Nhiều bạn trẻ chia sẻ, họ sẵn sàng chi nhiều tiền để tham gia các sự kiện xuất hiện thần tượng nước ngoài nhưng với nghệ thuật truyền thống Việt Nam lại thờ ơ. Theo ông, vì sao lại có câu chuyện trái ngược này?

Câu chuyện trái ngược đó có nhiều yếu tố góp phần tạo nên. Đầu tiên là do ảnh hưởng của phương tiện truyền thông và xu hướng toàn cầu hóa. Ở đó, phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông mới, và xu hướng toàn cầu hóa đã đưa các nghệ sĩ nước ngoài và những nhóm nhạc thành công vào tầm ngắm, tạo ra sự hâm mộ và tò mò từ phía giới trẻ.

Tiếp đó, các sự kiện quốc tế và thần tượng nước ngoài thường mang đến sự mới lạ, khác biệt và hứa hẹn trải nghiệm độc đáo. Trong khi đó, nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống Việt Nam bị nhàm chán và thiếu hấp dẫn trong mắt một số người trẻ.

Cuối cùng, đó là vì nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống Việt Nam có thể chưa được quảng bá và truyền thông đúng mức, thiếu thông tin để thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

- Ông thấy sao khi có ý kiến cho rằng: Đáng chê trách thế hệ trẻ “vô tình” làm giàu cho các thần tượng nước ngoài mà lại thờ ơ khiến cho văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một, lãng quên?

Theo tôi đây là một quan điểm có phần đơn giản và chưa chính xác. Chúng ta thấy thời gian vừa qua, nhiều ca sĩ, bài hát Việt Nam có âm hưởng, giai điệu truyền thống cũng chiếm được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có giới trẻ như của Hoàng Thùy Linh với “Để Mỵ nói cho mà nghe”, “Tứ phủ”, “Bánh trôi nước”, “See tình”...

Hoặc trường hợp của ca sĩ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) chọn nghệ thuật hát xẩm dân tộc với mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ bằng “Xẩm Hà Nội”…

Vì thế, dù có những lo ngại, nhưng chúng ta cũng cần hiểu thực tế, nhận thức về sự đa dạng và tự do cá nhân của mỗi người trong việc lựa chọn sở thích và quan tâm nghệ thuật của mình. Thay vì chỉ chê trách giới trẻ, chúng ta cần tìm cách giáo dục nâng cao nhận thức và tạo cơ hội để giới trẻ hiểu và đánh giá giá trị của cả hai hình thức nghệ thuật.

- Để khán giả trẻ quan tâm và hâm mộ nghệ thuật truyền thống, theo ông cần có những giải pháp căn cơ gì từ Nhà nước đến các cơ quan liên quan?

Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần thực hiện sớm để xây dựng một nền nghệ thuật lành mạnh, hướng chân - thiện - mỹ cho giới trẻ Việt Nam nói riêng, công chúng nghệ thuật nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 23-NQ/TW.

Một số giải pháp cần đặt ra như: Nhà nước có thể tăng cường việc giáo dục về nghệ thuật truyền thống trong các chương trình học qua việc cung cấp kiến thức về văn hóa, lịch sử và giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nhất là ở các môn học về giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các hoạt động nghệ thuật truyền thống cũng có thể được tích hợp vào chương trình để học sinh có cơ hội trải nghiệm và hiểu biết sâu hơn. Thứ hai, các cơ quan, tổ chức trực tiếp phụ trách và các tổ chức nghệ thuật có thể đẩy mạnh quảng bá và truyền thông về nghệ thuật truyền thống.

Cần tạo ra các chiến dịch truyền thông sáng tạo, hấp dẫn và đa dạng qua các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội và kênh truyền thông phổ biến khác. Thứ ba là cần tạo ra cơ hội cho khán giả trẻ tiếp xúc và tham gia vào nghệ thuật truyền thống; tổ chức các buổi diễn, hội thảo, lớp học và hoạt động giao lưu để tạo cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống và khán giả trẻ.

Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho giới trẻ tham gia vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Thứ tư là có thể kết hợp và tạo mối liên kết giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật hiện đại để tạo sự gắn kết, tương tác giữa các thế hệ nghệ sĩ - khán giả. Sự kết hợp này có thể mang lại sự mới mẻ và hấp dẫn trong việc truyền tải nghệ thuật truyền thống cho khán giả trẻ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Sự tập trung thái quá vào một số nhóm nhạc nổi tiếng có thể làm mất đi sự đa dạng và tiềm năng của văn hóa nghệ thuật Việt Nam, dẫn đến việc lơ là những tài năng trong các lĩnh vực nghệ thuật khác và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các nghệ sĩ và nhóm nhạc khác.

Kỳ cuối: Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… 'hầu bao': Trách nhiệm của ai?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.