Sự cố tai nạn trong trường học: SOS
Ngày 13/10/2017 tại Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), một mảng vữa to rơi xuống trong một lớp học, ngay bục giảng, chỗ giáo viên hay đứng giảng bài. May mắn mảng tường rơi đúng ngày nhà trường tổ chức hội nghị công nhân viên chức (hôm đó giáo viên không đứng lớp) nên không có tai nạn xảy ra.
Lần về trước nữa, là những sự cố: Một số em học sinh Trường THCS&THPT Đống Đa, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trong khi đang vui chơi, học tập thì bị rơi xuống tầng dưới (độ cao 5 mét) do sàn phòng học bất ngờ bị sập khiến vài em phải nhập viện vì đa chấn thương.
Tại Trường TH Thạnh Quới A (Vĩnh Long), trong lúc học sinh đang ngồi học, một cơn gió mạnh thổi qua khiến cho la-phông của 5 phòng học (khối lớp 3 và lớp 4) rơi xuống làm khoảng 20 em bị thương.
Gần đây nhất là sự việc một nam sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM tử vong do một mảng bê tông rớt trúng đầu, được nhiều người ví như “giọt nước tràn ly” về công tác duy tu, bảo trì cơ sở vật chất trường học vốn dĩ đã có quá nhiều bất cập lâu nay.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các sự cố tai nạn hy hữu đến với học sinh ngay trong trường lớp - vốn dĩ được xem là nơi an toàn nhất, khiến vấn đề về công tác sửa chữa, bảo trì công trình trường học trở nên bức thiết hơn lúc nào hết.
Thực tế, tất cả các vụ tai nạn xảy đến với học sinh, hầu hết đều là do tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất trường học, điều đã được mọi người nhìn thấy nhưng chưa hoặc không kịp khắc phục.
Đánh giá về các sự cố tai nạn liên tiếp xảy ra trong nhà trường thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Chất lượng công trình không đảm bảo đúng thiết kế (với công trình mới), hoặc công trình đã quá niên hạn (công trình cũ) nhưng vẫn được các trường tận dụng sử dụng (thông qua cải tạo, sửa chữa nhiều lần) là nguyên nhân chính khiến các vụ tai nạn xảy ra.
“Việc bảo đảm độ an toàn chịu lực của các công trình được căn cứ trên các bản vẽ thiết kế, hồ sơ kỹ thuật thi công hay công tác kiểm định độ lún, độ lệch, độ võng và thí nghiệm xác suất một số cấu kiện sau hoàn công.
Nếu đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định công trình làm không kỹ, thiếu các thí nghiệm xác suất thì rất khó để người ngoài ngành biết được công trình xây dựng đó có đạt tiêu chuẩn, xây dựng theo đúng thiết kế, bản vẽ hay không”- ông Đực cho biết.
Cô Hồ Thị Hiệp - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 2 (quận 12, TPHCM) nhìn nhận:
Dù có nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra với học sinh, nhưng trong nhiều trường học vẫn tồn tại không ít những công trình, thiết bị, đồ dùng hao mòn, hư cũ tiềm ẩn rủi ro được sử dụng như: ghế đá, lan can, cầu trượt, xích đu, máy chiếu, quạt sưởi, điều hòa, tủ đựng đồ… không được kiểm tra về độ an toàn.
Ngoài ra, có không ít hạng mục đã bị xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, thay thế kịp thời. Chính những điều đó luôn có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh.
Cần sự “liên thông” trong công tác kiểm tra và bảo trì
Ông N.H.L- hiệu trưởng một trường TH tại quận Gò Vấp (TPHCM) cho rằng, chất lượng của các công trình trường học (cả mới lẫn cũ) phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị thi công và giám sát. Tuy nhiên, theo ông, nhiều nơi công tác thẩm định, giám sát, thậm chí là bảo trì đang bị bỏ ngỏ một cách đáng lo ngại.
Không chỉ bị đội giá trong thiết kế, thi công mà việc thẩm định kết cấu, độ an toàn và chất lượng công trình xây dựng trường học cũng được làm một cách hết sức qua loa.
Có nhiều sự phi lý trong đấu thầu, chi phí sửa chữa, xây dựng mới một công trình trong trường học…, nhưng tất cả những điều đó trong thực tế đều chưa được “mổ xẻ”, xử lý một cách nghiêm túc, triệt để.
“Đơn vị chịu trách nhiệm bảo trì thì sửa chữa qua loa cho những hạng mục xuống cấp (lún sụt, nứt tường, thấm dột…) khi trường báo lên. Nhân viên phụ trách cơ sở vật chất của phòng giáo dục thì ghi nhận và thẩm định sơ sài.
Công tác phê duyệt tài chính hàng năm cho sửa chữa, cải tạo công trình cũ, phòng học… thì phụ thuộc phần lớn vào sự “biết điều” của người hiệu trưởng… Tất cả những bất cập trong công tác bảo trì, cấp kinh phí sửa chữa hàng năm, bên cạnh trách nhiệm của người phụ trách cơ sở vật chất… đã khiến không ít công trình trường học luôn tồn tại nguy cơ tai nạn tiềm ẩn cho thầy cô giáo và học sinh”- ông L thẳng thắn nhận xét.
TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn (TPHCM) cho biết: Hiện nay các trường ĐH-CĐ đa phần đều có Phòng cơ sở vật chất, hoặc người phụ trách lĩnh vực này.
Tuy nhiên, hầu hết hoạt động của phòng này chưa hiệu quả; công tác kiểm tra, thẩm định các công trình sau khi xây mới và đưa vào sử dụng vẫn còn sơ sài, chủ quan.
Hệ quả là cơ sở vật chất của nhiều trường nhanh chóng xuống cấp, dễ xảy ra sự cố.
Theo TS Lê Lâm, thực tế, với các trường ĐH-CĐ tư thục, công tác kiểm tra, sửa chữa các công trình xây dựng, phòng học bị xuống cấp tỏ ra có sự chủ động và nhanh nhạy hơn các trường công lập.
Bởi với các trường công, để xây mới, sửa chữa hay duy tu một công trình nào đó - đặc biệt là công trình lớn, thì cần phải có hồ sơ thẩm định hiện trạng, kết cấu, phương án tài chính, phương án sửa chữa, đơn vị thi công, v.v… để nộp lên cơ quan chủ quản và chờ phê duyệt.
“Sự ách tắc trong quá trình chờ đợi việc duyệt kinh phí là điều không hiếm. Càng chờ lâu, nguy cơ đối mặt với rủi ro, tai nạn càng cao.
Do đó, theo tôi, sau những sự cố gần đây, các trường cần nghiêm túc nhìn lại chức năng của Phòng cơ sở vật chất; chính phòng này phải “dự tránh” được các sự việc đáng tiếc xảy ra với trường mình.
Và để việc sửa chửa, bảo trì công trình được tốt, đảm bảo các quy chuẩn trong xây dựng công trình dân dụng, không cách nào khác, chính chủ đầu tư phải là người chủ động trong việc giám sát và lựa chọn đơn vị thi công phù hợp”- TS Lê Lâm nói.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường TH Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM) cho rằng, những tai nạn hy hữu xảy ra với học sinh sẽ giảm thiểu tối đa khi công tác duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất luôn được thực hiện trong sự chủ động của nhà trường.
Theo cô Hương, mỗi năm các trường đều có một nguồn kinh phí nhất định (thông qua báo cáo, tờ trình) cho công tác sửa chữa, khắc phục sự xuống cấp của cơ sở vật chất, phòng học.
Khi nhân viên phụ trách cơ sở vật chất nhà trường thường xuyên kiểm tra và quan sát sự xuống cấp của các hạng mục phục vụ việc dạy và học trong nhà trường, có sự để tâm và chủ động trong báo cáo về tình hình cơ sở vật chất thì việc duy tu, sửa chữa vật chất được thực hiện thường xuyên, cũng đồng nghĩa là việc đảm bảo an toàn cho học sinh cũng tốt hơn.
“Các trường học thực hiện hai buổi/ngày hiện nay đều đối diện với áp lực cơ sở vật chất, phòng học rất lớn. Nhiều trường phải cải tạo các phòng học chức năng thành phòng học cho học sinh. Trường tôi cũng vậy.
Tuy nhiên, khi thực hiện cải tạo, sửa chữa các công trình trong nhà trường, chúng tôi đều thuê hẳn một đơn vị xây dựng đến thẩm định, lên thiết kế và tư vấn xây dựng đàng hoàng.
Nếu cảm thấy khi cải tạo, chuyển đổi công năng phòng học hay một công trình phục vụ cho học sinh mà độ đảm bảo an toàn không cao, trường nhất quyết không đưa vào sử dụng”- cô Kim Hương chia sẻ.
Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TPHCM) góp ý: Đừng chỉ trông chờ sửa chữa, cải tạo khi công trình, thiết bị xuống cấp; không cách nào khác, nhà trường và học sinh cần có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.
“Để hạn chế những rủi ro ngoài ý muốn, nhà trường cần thường xuyên rà soát, kiểm tra các hạng mục phục vụ học sinh mỗi ngày như: phòng học, mảng xanh trong trường (sân chơi, cây xanh), phòng vệ sinh và các không gian, vật treo trên cao trong phạm vi hoạt động của học sinh.
Cần đưa ra cảnh báo học sinh không nên đến những khu vực nguy hiểm như: bể nước, các công trình đang xây dựng, các vật treo trên cao có nguy cơ rơi, trượt... để tránh tai nạn cho các em”- cô Hà nói.