Theo đó, 10 trường học trên địa bàn tỉnh sẽ được lựa chọn thí điểm trong dự án này.
Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Sở GD&ĐT Thanh Hóa về chủ trương đầu tư dự án xây dựng thí điểm trường học thông minh ngành GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao đơn vị này tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo đề án và các cá nhân liên quan để hoàn chỉnh đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Để dự án đầu tư xây dựng thí điểm trường học thông minh ngành GD&ĐT phát huy được hiệu quả, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển ngành, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD&ĐT và các chuyên gia về công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, ngành GD&ĐT giữ vai trò quan trọng, quyết định chất lượng của dự án.
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD&ĐT tập trung huy động tối đa lực lượng, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực GD&ĐT để tham gia vào dự án, nhất là việc xác định nhu cầu của giáo viên, học sinh, quy trình, nội dung giảng dạy, công tác quản lý GD&ĐT... Đồng thời, phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tính khả thi, hiệu quả của dự án này.
Đồng thời, khẩn trương điều tra, khảo sát, bổ sung đánh giá hiện trạng các phần mềm ứng dụng trong ngành GD&ĐT đang được áp dụng tại các trường học trên địa bàn; đánh giá thực trạng nguồn nhân lực phụ trách lĩnh vực CNTT, Tin học trong các trường học, trong đó nêu rõ số lượng, trình độ, cơ cấu, độ tuổi...; bổ sung, đánh giá thực trạng, quy trình giảng dạy, đào tạo, công tác quản lý tại các trường học và dự báo trong tương lai. Từ đó, xác định rõ nhu cầu công tác đào tạo, giảng dạy, học tập, quản lý của các trường cần ứng dụng CNTT, làm cơ sở đề ra các giải pháp về CNTT cho phù hợp.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thống nhất mục tiêu với các đơn vị được lựa chọn thí điểm trong dự án này là 10 trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, cần làm rõ nội hàm trường học thông minh mà tỉnh Thanh Hóa đang hướng tới; xác định rõ các tiêu chí trường học thông minh, đảm bảo phù hợp với hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực, môi trường mạng... tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Để triển khai đề án nêu trên, việc đầu tư hạ tầng CNTT phải phân tích, đánh giá, làm rõ sự cần thiết phải đầu tư xây dựng phòng thư viện điện tử, phòng học Ngoại ngữ, Tin học và thi trắc nghiệm tại các trường học.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, có ý kiến cụ thể về sự cần thiết phải đầu tư các nội dung nêu trên trong báo cáo thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư dự án, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các ngành, đơn vị liên quan, nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa trong dự án, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong đó, cơ sở dữ liệu, phần mềm phải xác định danh mục các phần mềm, cơ sở dữ liệu trong dự án này, như: Giáo án, bài giảng (tiếng Việt, tiếng Anh), bài tập, học trực tuyến, phần mềm đánh giá thi cử, học bạ; trong đó, cần chỉ rõ các phần mềm, cơ sở dữ liệu đã có sẵn; các phần mềm, cơ sở dữ liệu cần phải mua hoặc xây dựng mới, đảm bảo đến năm mới 2018 - 2019 phải hoàn thành để khai thác, vận hành dự án này.
Đối với việc đào tạo nhân lực phải xác định rõ nội dung, chương trình, số lượng, thời gian đào tạo giáo viên, học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm, thiết bị CNTT của dự án này; đồng thời, tính toán cụ thể kinh phí thực hiện công tác đào tạo trong dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở GD&ĐT nghiên cứu, bổ sung vào đề xuất chủ trương đầu tư dự án, các quy định thể chế quản lý, vận hành dự án này, trong đó xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác quản lý toàn ngành GD&ĐT; công tác quản lý, vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng đối với các trang thiết bị, phần mềm thuộc dự án tại các trường học.
Đươc biết, dự án xây dựng thí điểm trường học thông minh ngành GD&ĐT là mục tiêu nằm trong đề án triển khai mô hình xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh thông minh giai đoạn 2017 - 2020.