Cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội

Cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội

(GD&TĐ) - "Tái hoà nhập với cộng đồng của những người nghiện ma tuý là một tiến trình từ hai chiều. Phía người nghiện phải thực sự phấn đấu để trở thành người tốt và có ích. Phía cộng đồng xã hội phải mở rộng cánh cửa đón nhận người nghiện trở về cuộc sống đời thường. Do đó, người thân, gia đình và toàn thể xã hội có vai trò quan trọng để người nghiện đoạn tuyệt được với ma tuý". Đó là ý kiến của ông Phí Anh Hoàng - Phó giám đôc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06 thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội.

H
Những học viên của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06 nói riêng và người nghiện ma túy nói chung, ngoài việc nỗ lực của bản thân rất cần cộng đồng xã hội giúp đỡ để đoạn tyệt với ma túy

Có lẽ ai cũng hiểu sự nguy hiểm của ma tuý đối với cộng đồng xã hội như thế nào?! Có rất nhiều con đường dẫn đến nghiện ma tuý. Và người nghiện thường bị xã hội xem là “nạn nhân” nhiều hơn là “bệnh nhân”. Do đó, con đường trở về với cuộc sống lương thiện của những người nghiện ma tuý gặp vô vàn khó khăn từ phía cộng đồng xã hội. Sự kỳ thị sâu sắc của xã hội vô tình đã đẩy những con người này đến bế tắc, thậm chí là bi kịch. Nguy cơ tái nghiện là điều khó tránh khỏi.

Anh Nguyễn Tùng H – Tỉnh Thái Nguyên  một người nghiện ma tuý đã hoàn thành chương trình cai nghiện cách đây không lâu, song anh lại là nạn nhân của cái gọi là kỳ thị ấy. Trong lúc mềm yếu nhất, dễ mặc cảm với bản thân nhất và cần được thông cảm, che chở  từ phía xã hội thì anh lại được mọi người đón nhận bằng một thái độ lạnh lùng, xa lánh và coi anh vẫn là một thằng nghiện không hơn không kém. Chán nản và không làm chủ được bản thân, anh lại trở về con đường nghiện hút. Điều mà anh mong muốn lúc này là bạn bè, người thân, gia đình và xã hội hãy tha thứ và cho anh một cơ hội để làm tại từ đầu.

p
Anh Nguyễn Hà Phong (người thứ hai từ phải qua) đang cùng với cán bộ học viên của Trung tâm GDLĐXH số 06 nghiên cứu về luật phòng chống ma túy chuẩn bị cho cuộc thi nhân ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6/2012

Cũng giống như anh Nguyễn Tùng H, hoàn cảnh của anh Nguyễn Hà Phong – Quận Thanh Xuân, Hà Nội không có gì khá hơn. Hiện anh đang được giáo dục cải tạo tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06. Anh cho biết: Đây là lần thứ hai anh vào trại cai nghiện. Sau khi lần đầu ra trại, những tưởng sẽ được trở về với cuộc sống thường nhật hàng ngày, sẽ được tham gia lao động sản xuất, học tập vui chơi giải trí v.v…Song anh đã thực sự thất vọng ngay sau khi ra trại được vài ngày. Anh hoàn toàn bị cô lập giữa cộng đồng xã hội, sự xã lánh và kỳ thị của mọi người đã khiến anh trở thành người thừa. Điều đó giải thích phần nào vì sao anh lại tái nghiện như hiện nay. Song lúc nào anh cũng mong muốn được xã hội khoan dung, đón nhận anh trở về như những người con lầm đường lạc lối, nay đã biết ăn năn hối cải. Anh rất cần có một cách nhìn mới từ phía xã hội đối với những người như anh. Và điều quan trọng là anh muốn có một công việc để làm như những người bình thường.

Theo ông Phí Anh Hoàng – Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06, hàng năm, Trung tâm tiếp nhận từ 700 đến trên dưới 1.000 học viên đến điều trị cai nghiện ở đây, trong số đó có hàng trăm học viên thực hiện điều trị cai nghiện lần thứ 2, thứ 3. Qua trao đổi tâm sự với nhiều học viên và khảo sát thực tế chúng tôi thấy, đâu đó, ở nơi này, nơi kia vẫn còn có những định kiến sâu sắc về người nghiện. Vì vậy, cánh cửa để những người sau cai nghiện trở về hoà nhập với cộng đồng vẫn còn vô vàn khó khăn và thử thách. Chính vì lẽ đó, ngoài nỗ lực của tập thể cán bộ Trung tâm và sự quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy của chính bản thân người nghiện, rất cần, một cách nhìn thân thiện và đón nhận họ trở về với cuộc sống đời thường bằng một tấm lòng bao dung và độ lượng. Nói rộng ra, để người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng và hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tái nghiện rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

h
 Ông Phí Anh Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 06: Phòng chống ma túy rất cần sự chung tay của toàn xã hội

Ai cũng biết, trong cuộc sống thường nhặt, để có được niềm vui, mỗi chúng ta phải biết chia sẻ và hạnh phúc sinh ra từ hai điều đó. Đối với những người sau cai nghiện ma tuý cũng vậy, họ cần  lắm ở mỗi chúng ta một sự sẻ chia thông cảm để họ có cơ hội làm lại từ đầu. Bởi trên thực tế giữa xã hội và họ đã và đang tồn tại một khoảng cách chưa được gắn kết. Sự kỳ tại đôi khi đã làm lụi tắt những hy vọng về một cuộc sống đời thường của những con người lầm đường lạc lối. Và…. vô hình chung, chính cách nhìn nhận của xã hội đã đẩy họ đến những tấn bi kịch, mà ở đó sự giằng xé giữa nhận và không, đôi khi đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một câu danh ngôn để mọi người cùng suy ngẫm “ Bằng một hành động đơn giản, chúng ta có thể mang niềm vui đến cho một con người đang tuyệt vọng. Điều đó còn tốt hơn ngàn lần việc chúng ta cúi xuống để cầu nguyện cho họ”.

Sỹ Điền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...