Cần sớm xử lý tiêu cực trong công tác tuyển dụng giáo viên

GD&TĐ - Có một thực tế đã và đang khá bức xúc xung quanh chuyện tuyển dụng viên chức làm giáo viên (GV). Mấy năm gần đây, mỗi năm có tới vài nghìn GV ngành GD&ĐT ở nhiều tỉnh, thành bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) - mà lỗi hoàn toàn không do GV gây ra. Họ kêu cứu quá nhiều…

Nữ giáo viên Trường THPT thực hành SP- thuộc Trường ĐH Đồng Nai ( Ảnh: Đ.L.Y)
Nữ giáo viên Trường THPT thực hành SP- thuộc Trường ĐH Đồng Nai ( Ảnh: Đ.L.Y)

Thực trạng đau lòng kéo dài đã lâu

Điển hình là vụ 214 GV huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) bị chấm dứt HĐLĐ cách nay hơn 3 năm. Các trường tiểu học (TH) ở thị xã Kỳ Anh lúc đó chỉ thiếu 77 GV, nhưng lãnh đạo huyện- thị xã Kỳ Anh đã tự ý ký HĐLĐ lên đến 133 người.

Chỉ riêng huyện Yên Định và huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 1.000 GV bị sa thải trước thềm năm học 2016 – 2017. Ngày 19/8/2016, UBND huyện Yên Định ra Quyết định số 1251/QĐ - UBND chấm dứt HĐLĐ đối với 647 GV đang công tác tại các trường trên địa bàn huyện.

Trong 647 GV “bất hạnh” này, có 124 GV HĐ không xác định thời hạn bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ và 523 GV HĐ có thời hạn (1 năm hoặc 6 tháng) sẽ không được tiếp tục ký lại HĐLĐ. Lý do: UBND huyện không có nhu cầu sử dụng GV LĐ HĐ tại thời điểm này.

Trước đó, 376 GV ở huyện Vĩnh Lộc cũng đã bị cắt HĐLĐ sau nhiều năm đứng lớp. Đây là hệ lụy từ Quyết định số 685/2007/QĐ-UBND ngày 2/3/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa, khi giao quyền tự chủ cho địa phương trong công tác tuyển dụng GV, nhưng bỏ rơi trách nhiệm kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh.

Giữa năm 2017, 104 GV THPT ở Quảng Nam được ký LĐ HĐ dạy học đã nhiều năm - thù lao tính theo số tiết thực dạy - bị báo động mất việc sau thi tuyển viên chức, đã gây chấn động về tình trạng “vắt chanh bỏ vỏ”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bức xúc: Chúng ta không thể áp dụng theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” lúc cần thì ký, không cần thì thôi. Vậy là “cạn tàu ráo máng”, còn ai dám vào sư phạm nữa? (theo báo Thời Mới 13/03/2018: “500 giáo viên Đắk Lắk có nguy cơ mất việc: “Sợi dây kinh nghiệm” dài đến đâu?”).

Mới đây là vụ hơn 500 GV ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ bị sa thải, do mấy đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk quyết định tuyển dụng GV trái Luật, dẫn đến dư thừa GV trầm trọng…

Tìm hiểu kĩ, các HĐLĐ nói trên được ký theo 4 dạng. Thứ nhất là HĐLĐ bằng miệng có tính chất thời vụ, hầu như GV được tuyển dụng trong những trường hợp này: không có các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thứ hai: HĐLĐ được lãnh đạo UBND các huyện ký (không qua tỉnh phê duyệt), lấy ngân sách huyện chi trả lương và các chế độ bảo hiểm.

Thứ ba: HĐLĐ huyện ký và được tỉnh cho phép, ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần. Thứ tư: Có loại HĐLĐ trường tự ký không qua cấp trên phê duyệt (số lượng không đáng kể). Tất cả các dạng HĐLĐ nói trên, chủ yếu xảy ra ở các trường MN, TH và THCS.

Hậu quả, các vị lãnh đạo huyện nói trên chỉ bị khiển trách (!?). Liên quan đến vụ việc, đã có Hiệu trưởng ở Krông Pắk bị khởi tố, vì có dấu hiệu ăn tiền của người LĐ chạy việc để được ký HĐLĐ làm GV.

Phải xử lý nghiêm minh trách nhiệm công vụ người đứng đầu

Vì sao dẫn đến tình trạng hết sức bức xúc này? Trước hết phải thấy số lượng sinh viên (SV) tốt nghiệp sư phạm (SP) quá dư thừa, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng viên chức (làm GV trực tiếp giảng dạy) thì quá eo hẹp. Chính điều đó dẫn đến nhiều địa phương đã phóng tay- thậm chí vi phạm Luật Lao động; Luật Viên chức (và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan) trong công tác tuyển dụng GV.

Kinh phí của các trường hoặc ngân sách của huyện thường hạn hẹp, dẫn đến đồng lương các GV diện LĐ HĐ rất èo uột. Có GV HĐ chỉ được hưởng mỗi tiết 10.000đ - một tuần chỉ dạy 4-5 tiết. Một số GV dạy HĐ từ 10 năm trở lên, lương chỉ được 600.000đ. Có GV dạy gần 20 năm nhưng HĐ lương chỉ hơn 1.000.000đ/ tháng.

Không ít GV HĐ đã đạt danh hiệu GV dạy giỏi, LĐ tiên tiến nhiều năm liền, nhưng cũng phải “cắn răng” rời bục giảng. Đa số được hưởng mức lương 1,7 triệu đồng (trình độ ĐH); 1,6 triệu đồng (CĐ) và 1,5 triệu đồng (TCCN). Lương chỉ đủ cầm hơi, nhưng các GV HĐ cũng phải gánh hầu hết các công việc nặng nề khác y như nhà giáo diện biên chế, trong khi thu nhập của họ chỉ bằng 1/2; 1/3.

Lương chỉ đủ cầm hơi, việc làm hết sức bấp bênh (có thể bị cắt HĐLĐ bất cứ lúc nào), điều đó khiến vị trí GV HĐ dưới cái nhìn của một số đồng nghiệp, của HS, của phụ huynh HS và của xã hội là thiếu thiện cảm. Họ bị coi là “lính đánh thuê”- thậm chí là “kẻ ăn bám”, nay có thể bị cắt HĐ, mai bị cảnh báo chưa biết giờ nào bị thôi việc.

Nhiều GV HĐ không được tăng lương định kì, không được hưởng phụ cấp ưu đãi trực tiếp đứng lớp, không được đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, không có chế độ khen thưởng cuối học kì, cuối năm học, càng không có tiền thưởng dịp lễ, Tết…

Những thiệt thòi, những nỗi đau quá lớn không thể thốt nên lời này của họ - dù muốn hay không thì những người ký HĐ tuyển dụng LĐ phải có phần trách nhiệm. Công đoàn Giáo dục các cấp cũng phải kịp thời có tiếng nói quyết liệt hơn, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với những GV dạy HĐ. Lâu nay, bao nhiêu vụ việc khuất tất xảy ra khá đau lòng, đè nặng lên thân phận “bèo bọt” của nhiều GV HĐ… Thử hỏi, Công đoàn có biết không, hay không dám đấu tranh?

Nguyên Phó Chủ tịch nước- nguyên Bộ trưởng Bộ GD Nguyễn Thị Bình hết sức trăn trở: "Tôi đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ GV. Đó phải được xem là giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất. Vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD của chúng ta. Để có đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu như vậy, cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với GV và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV. Thầy giáo, cô giáo phải có thu nhập từ lương, phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội, đúng với chủ trương “quốc sách hàng đầu..." (trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng – 14/01/2013).

GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Lâu nay công tác tuyển dụng,phân bổ GV ở nước ta chứa đựng sự khập khiễng và bất cập. “Từ thời tôi làm Bộ trưởng , tôi  đã nói rất nhiều về vấn đề này. Cái bất cập, khập khiễng lớn nhất chính là công tác tuyển dụng nhà giáo mà lại do cơ quan Nội vụ tuyển dụng. Ví dụ ở huyện thì có Phòng Nội vụ tuyển, ở tỉnh thì do Sở Nội vụ tuyển, lên cao hơn thì do Bộ Nội vụ tuyển. Việc tuyển GV là để phục vụ cho ngành GD thì phải để ngành GD tuyển dụng, vì họ cần bao nhiêu, cơ cấu GV ra sao, thì họ mới tuyển trúng và đúng được”. ( Theo Người Đưa Tin 31/3/2013: “Cần lấp lỗ hổng trong công tác tuyển dụng giáo viên”).

Chủ trương của Đảng- Nhà nước phải đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá, sắp xếp lại vị trí việc làm, giảm biên chế ít nhất 10% mỗi năm (đến năm 2020) đội ngũ công chức, viên chức cả nước (theo Luật Viên chức thì GV là viên chức). Rõ ràng, việc tuyển dụng GV đã nóng lại càng nóng hơn, vì phải gắn liền với việc giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả…

Dư luận đang rất mong các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra- kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý những tiêu cực trong công tác tuyển dụng GV.

Đặc biệt, phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm những vị quan chức bất chấp luật pháp - tự ý ký các HĐLĐ “vô tội vạ”, đẩy một số GV vào con đường “không lối thoát”. Có được như vậy, các nhà giáo mới toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp cao quý “GD&ĐT LÀ QUỐC SÁCH HÀNG ĐẦU”.

Theo Bộ GD&ĐT: Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 của khối ngành sư phạm là khoảng 35.000 tân SV, giảm gần 40% so với chỉ tiêu năm 2017 là 54.000 tân SV. Thực tế năm 2017, các trường SP cả nước tuyển sinh chỉ đạt 80% chỉ tiêu đề ra (khoảng 43.000 thí sinh).

Cả nước có khoảng 100 cơ sở đào tạo GV các cấp. Theo quy hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo SP chiếm 10% tổng số SV tuyển mới. Từ 2013- 2016, chỉ tiêu tuyển sinh SP luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Toàn quốc hiện thừa hơn 12.000 GV THCS; thừa 4.200 GV THPT. Cấp MN thiếu nhiều nhất hiện nay với trên 34.000 GV; cấp tiểu học thiếu 5.300 GV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ