Đổi mới tuyển dụng giáo viên - Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn

GD&TĐ - Cả nước đang thừa khoảng 45.000 giáo viên (GV) các cấp và khoảng 20.000 cử nhân sư phạm (SP) chưa có việc làm, chủ yếu là dư thừa GV THCS và THPT. 

Đổi mới tuyển dụng giáo viên - Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn

144 cơ sở đào tạo GV cả nước hiện nay bình quân mỗi năm cho “ra lò” hơn 15.000 tân giáo sinh, cùng với lực lượng GV hợp đồng tại các cơ sở khiến áp lực tuyển dụng GV ngày càng căng thẳng.  Trong khi đó, công tác tuyển dụng GV chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tiễn.

Rào cản nằm ở đặc thù

Trường ĐHSP TPHCM bình quân mỗi năm gần đây cho ra trường khoảng 1.400 giáo sinh (tính tất cả các hệ đào tạo). Cũng năm 2016, Trường ĐH Thủ Dầu Một cung cấp cho thị trường 646 tân giáo sinh CĐ và ĐH.

Ngành SP của Trường ĐH Đồng Nai bình quân mỗi năm cũng cho ra lò khoảng 700 giáo sinh các hệ đào tạo. Chưa kể, trên địa bàn TPHCM còn có Trường CĐSP T.Ư TPHCM; các ngành SP của Trường ĐH Sài Gòn, của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; Trường ĐHSP Thể dục Thể thao TPHCM cũng cung cấp cho thị trường lao động trên 2.000 người có bằng SP mỗi năm.

Trong lúc lực lượng giáo sinh ra trường ngày càng đông đảo, thì chỉ tiêu tuyển dụng GV vào biên chế ở các địa phương trên cả nước đang có xu hướng thu hẹp lại.

Ngoại trừ GV mầm non, tiểu học còn đang thiếu, nhiều nơi tuyển chưa đủ, tình hình chung GV cho các bậc học khác khá thừa. Năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT TPHCM dự kiến tuyển dụng viên chức cho các trường THPT, Trung tâm GDTX và các đơn vị trực thuộc là 371 người, trong đó có 341 GV.

So với năm học 2015 - 2016, năm nay chỉ tiêu tuyển GV giảm 200 người. Cơ hội cho các giáo sinh tìm chỗ đứng trên bục giảng ở TP lại không hề dễ dàng, nhất là GV các môn Toán, Lý, Hóa, Văn.

Minh chứng là tính đến ngày 19/7, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, tổng số lượng hồ sơ ứng viên đăng ký dự tuyển viên chức năm học 2016 - 2017 đã lên đến gần 1.400 hồ sơ, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển dụng năm nay chỉ có 374 người.

Với GV hợp đồng, được tuyển vào biên chế là lối thoát duy nhất khỏi “sự nghiệp” bấp bênh trên bục giảng. Tuy nhiên, so với nhiều giáo sinh trẻ mới ra trường sau này, thì không ít GV dạy hợp đồng (nhất là những GV lâu năm) bị thất thế về kết quả học tập và trình độ học lực.

Trong khi thi và xét tuyển GV, bằng cấp càng cao - kết quả học tập càng tốt càng dễ trúng tuyển. Đáng lo hơn, một số “lò” SP mặc dù điểm tuyển sinh đầu vào thấp, nhưng đã khá hào phóng cho ra khá nhiều tân giáo sinh học lực loại khá - giỏi, khiến vấn đề cạnh tranh chất lượng dựa trên bằng cấp không phù hợp, không ít trường hợp gây bức xúc.

Cũng ở TPHCM, trong lúc thừa GV các môn Toán, Lý, Văn nhưng tình hình tuyển dụng GV tiểu học, mầm non do các phòng tổ chức thì rất thiếu.

Các quận, huyện ở TP có số lượng tuyển mới rất “khủng” là: Quận Bình Tân tuyển 405 GV; huyện Bình Chánh tuyển 489 GV; quận 1 tuyển 178 GV, quận 8 tuyển 229 GV; quận Thủ Đức tuyển hơn 200; Gò Vấp 184 GV tổng cộng vào năm học mới 2016 - 2017, TPHCM cần tuyển dụng hơn 2.600 GV mầm non (MN), tiểu học (TH); THCS…

Tuy nhiên, ở quận 4 đến nay mới chỉ có 39 hồ sơ đăng ký dự tuyển hợp lệ /126 chỉ tiêu tuyển dụng. Sau hơn 1 tháng thông báo tuyển dụng, đến giữa tháng 7/2016, quận 1 mới có trên 60% ứng viên tham gia phỏng vấn xét tuyển. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM: Nhiều khả năng sẽ phải mở thêm đợt tuyển dụng thứ 2, thứ 3 mới đủ chỉ tiêu cho năm học mới.

Phải đổi mới tuyển dụng

Một số địa phương yêu cầu thí sinh trước khi thi tuyển GV, phải được Sở GD&ĐT giới thiệu về các trường để sát hạch lại (dạy thử một số tiết) về trình độ chuyên môn và năng lực SP.

Sau đó thí sinh đem kết quả sát hạch bổ sung vào hồ sơ dự tuyển viên chức. Cách làm này tuy mất thêm thời gian và công sức, nhưng góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng tuyển dụng GV được nâng lên sát với thực tiễn công việc giảng dạy hàng ngày của nhà giáo.

Ông Võ Thành Danh - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Bình Dương - cho biết: Năng lực thực chất và kết quả đào tạo thể hiện qua bằng cấp ở một số trường ĐH, CĐ, TCCN không đồng đều nhau.

Do vậy, việc xét tuyển chủ yếu dựa vào bảng điểm, xếp loại trong bằng cấp có khi chưa đúng đối tượng cần tuyển ở một số trường hợp.

Tuy nhiên, nếu được trúng tuyển, các viên chức phải trải qua thời gian tập sự, nếu không đạt yêu cầu sẽ không được công nhận hết thời gian tập sự và phải chấm dứt hợp đồng lao động.

Phương án sát hạch, kiểm tra năng lực thực tế bên cạnh việc xem xét các tiêu chí khác (bằng cấp, bảng điểm…), hoặc tổ chức theo hình thức thi tuyển nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong tuyển dụng GV, cần được xem xét một cách toàn diện và khoa học.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến đối tượng GV hợp đồng. Nếu chưa được tuyển vào biên chế ngay, nên chăng trong hợp đồng lao động phải ghi rõ:

Được tuyển dụng viên chức (vào làm GV trực tiếp giảng dạy), nhưng phải có thời hạn để sau này có thể được tuyển dụng vào biên chế. Như thế, các GV diện hợp đồng mới yên tâm công tác.

Về lâu dài, công tác tuyển dụng GV cần đổi mới nhiều hơn nữa. Theo đó, các địa phương nên hạn chế tuyển viên chức (tuyển dụng GV).

Thay vào đó tuyển dụng theo hình thức hợp đồng, tạo sự sàng lọc, đỡ áp lực biên chế. Về cán bộ quản lý, phải có tính toán theo hướng mở và liên thông, gắn với tiêu chí cán bộ quản lý GD. Điều này vừa giải quyết được tình trạng “tắc nghẽn biên chế”, vừa tạo được “đất trống” để đón được người giỏi vào ngành.

Tại Hội thảo Khoa học “Đào tạo GV tại các trường ĐH đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới GD hiện nay” diễn ra mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - cảnh báo:

Dự báo đến năm 2018, số SV SP ra trường mỗi năm ở cấp tiểu học là 19.200; Cấp THCS: 18.700 và cấp THPT: 23.000. Với số lượng này, dù Việt Nam tăng tỉ lệ, số GV/HS lên tương đương các nước công nghiệp phát triển thì đến năm 2020 cũng không thể tuyển dụng hết số SV SP này.

Dự báo đến năm 2020, sẽ thừa khoảng 41.000 GV ở TH; thừa 12.200 GV ở THCS và thừa 19.600 GV ở THPT (tính luôn cả số SV SP) đã tốt nghiệp CĐ, ĐH trở lên chưa tìm được việc làm. Tổng số người có bằng SP nhưng thất nghiệp lên đến 70.100 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.