Xây dựng trường mầm non "đạt chuẩn quốc gia" ở vùng đặc biệt khó khăn

Xây dựng trường mầm non "đạt chuẩn quốc gia" ở vùng đặc biệt khó khăn
Một lớp mầm non người Mông xã Mường Lống đặc biệt khó khăn ở Kỳ Sơn (Nghệ An)
Một lớp mầm non người Mông xã Mường Lống đặc biệt khó khăn ở Kỳ Sơn (Nghệ An)

Cô giáo cắm bản – nỗi niềm ai hay?

Cách nay chưa lâu, tôi may mắn có mặt ở xã Mỹ Lý – cực bắc của huyện Kỳ Sơn – huyện biên giới nghèo nhất nước. Cả xã có hơn 40 cây số đường biên giới với nước Lào, 99% diện tích tự nhiên của xã là núi cao rừng rậm. Đầu xã – đuôi xã cách nhau hơn ba chục km (tương đương 2 ngày cuốc bộ băng rừng vượt núi). Có 2 điểm trường MN xa cả ngày đường cuốc bộ ròng rã là Cha Nga và Nhọt Lợt. Để từ trường MN Mỹ Lý (điểm chính ở trung tâm xã) về 2 điểm trường phụ này, các cô giáo cắm bản phải đùm cơm – gùi đồ ăn – bôi thuốc đầy người chống muỗi vắt – chống gậy xuyên rừng rậm, núi cao, suối sâu hun hút. Nhiều đoạn đường, các cô giáo phải nhờ chiến sĩ bộ đội biên phòng, mượn đường qua địa phận nước bạn Lào để đi tắt hoặc dễ đi hơn… Có lẽ chỉ có nữ giáo viên (GV) MN ở biên giới Kỳ Sơn, mới có thêm “nghề dạy học xuyên biên giới”. Lớp học của các cô lâu lâu cũng có vài học trò nước Lào theo học. 99% dân số của xã Mỹ Lý là nơi cư ngụ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Thái. Ngược lại, 98% GV MN Mỹ Lý là người Kinh từ miền xuôi lên. Các cô buộc phải tự học tiếng Thái – nếu không vào lớp trẻ không hiểu cô nói gì – sẽ tự động bỏ về hết…

Tình cờ chứng kiến buổi kiểm tra của Phó Phòng GD Kỳ Sơn phụ trách MN cô Vi Thị Khiểu tại trường MN Mỹ Lý, tôi mới thấy sự hy sinh của các cô giáo (đa số dưới tuổi 30 chưa có chồng) vùng núi cao quả là vô bờ bến. Quy định của huyện Kỳ Sơn là các cô giáo (nhất là cô giáo trẻ) phải luân phiên thay nhau cắm bản xa xôi. Bởi vậy khi biết cô Khiểu – Phó Phòng GD Kỳ Sơn đề nghị cô H. (cháu ruột của cô Khiểu) phải đi cắm bản mới xa hơn, cô H. đã bất ngờ bỏ họp chạy về phòng ở kế bên nằm khóc cả tiếng. Phó phòng Khiểu thở dài với tôi: Quy định luân phiên cắm bản xa, nhưng nhiều khi không có người để đổi chỗ. Cháu ruột tôi dù cắm bản xa đã hơn 3 năm cũng phải thông cảm, không có cách xử lý nào khác….

Một chuyến gùi hàng của cô giáo về bản có 5-7 kg gạo, ít cá khô, muối, nước mắm, mì chính và có cả mấy bịch kẹo để phân phát mời gọi các bé đến lớp. Lớp học chỉ là mái lá vách nứa, nền đất, bàn ghế đóng tạm bằng tre nứa. Lũ trò đen nhẻm, người lúc nào cũng lấm lem, bắp chân quen trèo núi cứng như sắt và quanh năm đói khát. Vài cái kẹo bọc giấy đỏ giấy vàng của cô giáo tự bỏ tiền túi mua cho là cả một “thế giới thần tiên” cho lũ trẻ. Chẳng may lũ ập về, cô giáo cũng như dân bản chỉ đủ sức cầm hơi với bắp (ngô) với măng rừng cả tháng trời. Lũ trẻ đến lớp lúc 7-8h sáng, trưa 10h đã có đứa theo mẹ về nhà. Chiều nghỉ. Ở xung quanh và ngay trong lớp, bầy heo mọi đen trùi lũi mặc sức ủi thành lỗ thành hang và xả phân khắp nơi. Mọi thông tin (điện thoại bàn, điện thoại di động, ti vi, điện lưới quốc gia, chợ búa, đường giao thông… đều không có).

Cần một chiến lược đầu tư lớn hơn và toàn diện hơn

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lê (hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương): “Không có quốc gia nào phát triển được giáo dục mà không đầu tư cho MN. Nếu được Nhà nước trả lương thỏa đáng cho GVMN và có chiến lược đột phá đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn cho trường lớp MN, chắc chắn sẽ tạo nền tảng cực kỳ quan trọng, để thúc đẩy “sự nghiệp trồng người” cả nước nhanh chóng vươn lên ngang tầm thời đại”.

Lực cản lớn nhất, dễ thấy nhất, khiến “giấc mơ vươn lên đạt chuẩn quốc gia” của trường lớp MN vùng khó trở nên xa vời, vẫn là tình cảnh trường lớp tạm bợ, đa số phải học nhờ ở nhà dân, hoặc mượn phòng học của các trường tiểu học. Đã là “học nhờ ở tạm” thì cô – trò đều nhếch nhác, đến đâu hay đến đó. Bên cạnh đó, hầu hết các trường lớp MN muốn tồn tại, đều phải rải cô giáo xuống tận thôn bản xa xôi nhất. Đặc điểm trẻ MN không thể đi học quá xa nhà, trong khi đa số các xã đặc biệt khó khăn, dân cư ngụ hết sức phân tán. Thậm chí cùng 1 thôn; 1 buôn; 1 làng; 1 bản, mà nhà này cách nhà kia cả quả đồi... “Đối với các xã đặc biệt khó khăn, cố gắng đến mấy, ngành GD-ĐT cũng mới chỉ đủ sức xóa xã trắng về trường MN (mở trường chính ở trung tâm xã). Còn ở các buôn làng, có lẽ còn rất lâu mới phủ kín lớp nhà trẻ – MN. Bởi ở các xã này, tất cả chỉ trông chờ vào nguồn đầu tư duy nhất là ngân sách Nhà nước, mà ngân sách lại eo hẹp… Chưa kể nhiều cô giáo MN cắm bản lâu năm, nhưng rất khó chuyển vùng cho các cô theo nguyện vọng và theo đúng quy định của ngành. Bởi nơi thuận lợi mà các cô muốn chuyển về, hầu như đã dư thừa GV từ lâu rồi. GV MN – nhất là các cô giáo cắm bản đã không an tâm công tác và ăn ở thì tạm bợ – thì lấy ai làm nhân vật chủ lực để xây dựng trường cho ra trường lớp cho ra lớp? Đừng vội bàn đến việc làm sao để đạt danh hiệu vô cùng cao siêu là “đạt chuẩn quốc gia”?” (trích tâm sự của một vị lãnh đạo ngành GD - ĐT một tỉnh Tây Nguyên).

Chẳng nói đâu xa, tại TP.HCM hiện có 650 trường MN và nhà trẻ (chưa kể nhóm lớp trẻ gia đình nhỏ lẻ), trong gần 13.000 GV MN, chỉ có 175 nhân viên có chuyên môn về y tế với số bác sĩ đếm trên đầu ngón tay! Mặc dù là địa bàn phát triển mạnh nhất nước về kinh tế – văn hóa, nhưng đến nay toàn thành phố cũng mới chỉ có chưa tới 20% số trường MN “đạt chuẩn quốc gia”. Nếu đòi hỏi thật nghiêm : tất cả các trường MN phải có nhân viên y tế mới công nhận đạt chuẩn, thì có lẽ phải chục năm nữa các trường MN ở TP.HCM mới bố trí đủ. Bởi làm nhân viên y tế trường học tuy nhàn nhã, nhưng thu nhập quá thấp, nên không ai thèm về – đặc biệt là các bác sĩ…

GD MN các vùng đặc biệt khó khăn – cũng là vùng sâu vùng xa – vùng có đông DTTS – vùng biên giới hải đảo…, tất nhiên không thể phát triển theo kịp GD vùng thuận lợi – nhất là trung tâm phía Nam như TP.HCM. Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt khó không ngừng, GD MN vùng đặc biệt khó khăn vẫn tạo dựng được bộ mặt khá sáng sủa. Như ở trường MN Hoài Đức – xã đặc biệt khó khăn có 6 thành phần DTTS sinh sống như : K’ho; Chil; Tày; Nùng; Dao; Hoa của huyện Lâm Hà – Lâm Đồng, đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để được công nhận “trường đạt chuẩn quốc gia” (đầu tiên của huyện Lâm Hà). Trường có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường phụ, xa nhất cách 6 cây số. Để kiên cố hóa và bán kiên cố cả 7 điểm trường, suốt 5 năm qua, được lãnh đạo xã và phòng GD hỗ trợ hết mình, trường đã xã hội hóa rất thành công. Từ 4 nguồn vận động tài trợ (Nhà nước – doanh nghiệp tư nhân + nhà chùa + sức dân), nhà trường đã có gần 2 tỷ để xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất khá khang trang. Sức mạnh tổng lực này, không phải ở xã đặc biệt khó khăn nào cũng huy động được nhịp nhàng đồng bộ. Trước hết, mỗi cô giáo phải biết quên mình vì học sinh, cán bộ lãnh đạo các trường phải gương mẫu, dám đổi mới, biết ngoại giao giỏi…, có năng lực biến tập thể trường thành khối đoàn kết tốt, đi đầu trong mọi hoạt động. Dân (phụ huynh HS) có tin yêu; cán bộ lãnh đạo xã – huyện – ngành GD có tín nhiệm cao, thì nhà trường mới có thể xã hội hóa thành công được.

Khó khăn như Tây Nguyên, kết thúc năm 2008-2009 vẫn đạt được con số đáng mừng. Cụ thể là tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ và học mẫu giáo tăng hơn năm trước: ở Lâm Đồng đạt 100%; Kon Tum 99,71%; Gia Lai 97,1%… Theo đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 1-2% toàn vùng. Nhiều tỉnh đã biên soạn Từ điển: Việt – J’rai; Việt – Bahnar; Việt – Ê đê; Việt – Ca dong; Việt – H’rê; Việt – Kor giúp các trường MN chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ 5-6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Các tỉnh cũng tổ chức đều đặn chương trình 36 buổi cho trẻ MN trong hè, ưu tiên đào tạo GV và người dân tộc thiểu số tại chỗ. Đặc biệt, đến nay bình quân toàn vùng Tây Nguyên, số GV MN đạt và vượt chuẩn về trình độ chuyên môn lên tới 90%, cụ thể: Lâm Đồng 86%; Đắk Nông 95,9%; Đắk Lắk 97,5%; Gia Lai 88,7%… Có thể nói đây là những tín hiệu rất khả quan, để góp phần thúc đẩy các trường MN ở Tây Nguyên từng bước xây dựng thương hiệu “đạt chuẩn quốc gia” như mong ước.

Tuy nhiên, hầu hết các trường MN vùng khó đều chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để mở rộng mô hình trường lớp bán trú học 2 buổi/ngày, đặc biệt không có nguồn kinh phí để tổ chức các bữa ăn chính (và cả ăn phụ) cho các cháu bán trú. Lớp MN bán trú dân nuôi, là một giải pháp đã được chú ý phát triển từ hơn chục năm nay ở các vùng khó, nhưng phát triển rất chậm, lại cũng chỉ vì đời sống bà con vùng khó vẫn còn đa số nghèo khổ…

Đinh Lê Yên 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ