Cần siết chặt quản lý thi công thuỷ điện ở Lai Châu

GD&TĐ - Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn tại các công trình xây dựng thủy điện gây hậu quả nghiêm trọng.

Hầu hết các công trường thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều thi công ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn.
Hầu hết các công trường thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều thi công ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn.

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại về người, nhiều người bị khởi tố là bài học đối với chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu trong quản lý thi công các công trình thuỷ điện trên địa bàn.

“Nhờn luật” hay buông lỏng quản lý?

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn tại các công trình xây dựng thủy điện gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người bị thiệt mạng do lỗi chủ quan và khách quan. Hơn hết là do việc thiếu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động trong quá trình thi công thuỷ điện.

Lợi dụng công trình thủy điện thi công ở vùng sâu, vùng xa và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng địa phương, một số nhà thầu ở Lai Châu đã ngang nhiên vi phạm các quy định của Nhà nước trong thi công, đảm bảo an toàn lao động.

Thủy điện Nậm Cấu tại xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) nằm cách đường ô tô hơn 6 giờ đi bộ, để đến được phải trèo đèo, lội suối. Sau vụ tai nạn nổ mìn trong hầm làm 2 công nhân thương vong, công trình đã bị cơ quan chức năng buộc tạm dừng thi công.

Công trường nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh, cơ quan chức năng khó kiểm tra, nên chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị thi công đã cấp hàng tấn thuốc nổ cho công nhân nổ mìn mà không có chỉ huy.

Đặc biệt, trong ngày 9/8, quản lý nhà thầu đã chỉ đạo cấp 144kg thuốc nổ, cùng 120 kíp visai (kíp nổ) cho nhóm công nhân không có hộ chiếu nổ mìn để thi công hầm, dẫn tới sự cố tai nạn mìn nổ làm 2 công nhân thương vong.

Sau khi xảy ra vụ việc, Tạ Quốc Dân (SN 1965, trú tại xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội) là Phó Giám đốc Công ty TNHH Duy Thành (Hà Nội), đơn vị nhận thầu thi công 5 hạng mục hầm của Dự án thủy điện Nậm Cấu đã chỉ đạo “thuộc cấp” xóa dấu vết hiện trường, dặn các công nhân khi Công an hỏi sẽ khai nạn nhân bị sét đánh chết.

Dân cũng chỉ đạo làm giả hồ sơ nổ mìn, làm văn bản để né tránh trách nhiệm, ghi thêm hộ chiếu nổ mìn... để đối phó với cơ quan pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Tuy nhiên, với các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan điều tra xác định trong quá trình thi công đường hầm số 3 thuộc Dự án thủy điện Nậm Cấu, Công ty TNHH Duy Thành không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động, vi phạm quy định về quản lý vật liệu nổ dẫn đến hậu quả trên.

Trước đó (11/7), 3 công nhân thi công hầm thuỷ điện Nậm Cuổi 1, huyện Nậm Nhùn cũng bị tử vong do ngạt khí. Sau khi thu thập các tài liệu chứng cứ, cơ quan chức năng xác định, Lê Văn Duẩn (SN 1986, trú tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là Chỉ huy trưởng thi công công trình hầm dẫn nước của thủy điện Nậm Cuổi 1 đã có nhiều sai phạm trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn trong lao động.

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, tại Lai Châu đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động trong các công trường thủy điện, làm 5 công nhân thiệt mạng. Riêng trong hơn 1 tháng gần đây, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn, làm 4 người chết, 1 người bị thương.

Từ điều tra ban đầu sau khi các vụ tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng đã chỉ ra một điểm chung là giám đốc các công ty nhận thầu thi công và chỉ huy trưởng công trình đều không được đào tạo đúng chuyên ngành; không nghiên cứu và nắm vững những kiến thức về an toàn lao động; tuyển dụng công nhân làm việc không có hợp đồng.

lai chau can siet chat quan ly thi cong thuy dien (4).jpg
Vũ Văn Hinh, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu bị bắt vì tội nhận hối lộ liên quan đến tập huấn an toàn lao động.

Khắc phục tình trạng “sáng cấy, chiều gặt”

Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 7/2024, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu mới tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho gần 1.000 lượt người trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, người lao động làm việc trong các nhà máy thủy điện chỉ có gần 350 lượt và không có lao động nào đang làm việc tại các công trường thủy điện đang thi công.

Nguyên nhân liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động tại các công trường thủy điện đang thi công, được đại diện Sở LĐ-TB&XH Lai Châu đưa ra là do các công trường này thường xuyên biến động lao động và quy định cấp chứng chỉ kéo dài.

Ông Phùng Thanh Hùng, Trưởng phòng Quản lý lao động Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu cho rằng, do lao động biến động liên tục, chứng chỉ hoàn thành khóa học an toàn lao động 2 năm sẽ phải huấn luyện lại một lần. Chính vì vậy, một số lao động mới vào làm việc, thiếu kinh nghiệm. Số khác đã hết thời hạn 2 năm sau huấn luyện chưa được huấn luyện lại.

Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: “Cả 3 vụ án đã khởi tố đều có điểm chung là vi phạm liên quan đến an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ trong quá trình đào hầm. Đây thực sự là lời cảnh báo đối với các nhà thầu, chủ đầu tư trong quá trình thi công công trình thuỷ điện”.

Liên quan 3 vụ việc này, đến nay đã có 10 bị can bị bắt tạm giam để điều tra. Trong đó, riêng vụ tai nạn xảy ra tại thủy điện Nậm Cấu đã có 5 cá nhân thuộc đơn vị thi công bị khởi tố.

Mở rộng điều tra liên quan đến các vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu cũng đã khởi tố bắt giam để điều tra một trưởng phòng của Sở Công thương tỉnh này do đưa và nhận hối lộ để “đơn giản hoá” quá trình tổ chức lớp tập huấn, thi và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp.

Đối với việc tổ chức các lớp huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, vì được “bôi trơn” mà tổ chức học, thi qua loa, đại khái theo kiểu “sáng cấy, chiều gặt” đã dẫn tới sự cẩu thả, bất chấp quy định nghiêm ngặt về sử dụng vật liệu nổ. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên nhiều vụ tai nạn lao động với hậu quả đáng tiếc.

Đến nay, UBND tỉnh Lai Châu đã cấp chủ trương đầu tư cho hơn 120 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn với tổng công suất gần 4.000 MW, tổng mức đầu tư 120.400 tỷ đồng. Hiện đã có 49 dự án đưa vào vận hành phát điện và hàng chục dự án đang trong quá trình đầu tư thi công.

Khai thác tiềm năng phát triển thủy điện đã, đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở Lai Châu. Tuy nhiên, trước những vụ tai nạn vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền tỉnh Lai Châu cần chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, đảm bảo nghiêm các quy định của pháp luật về chất lượng công trình, môi trường, an toàn lao động…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.