Đó là gợi mở của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại buổi làm việc khảo sát kết quả triển khai Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng tại Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam (Hải Phòng).
Buổi làm việc diễn ra sáng 26/9 do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn công tác. Cùng tham gia còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT và đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tập trung đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài
"Có thể nhận định 10 năm qua là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất về ngành nghề đào tạo của Nhà trường"
PGS.TS Phạm Xuân Dương
Báo cáo với đoàn công tác, PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo, dục đào tạo (Nghị quyết 29) đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Với sự thay đổi căn bản về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đánh giá, sinh viên tốt nghiệp đã được đào tạo những phẩm chất, năng lực cơ bản, quan trọng mà thị trường lao động cần và có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh của vị trí việc làm.
Hoạt động giáo dục mang tính mở khi cung cấp thêm các học phần tự chọn, các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. Đào tạo được thực hiện theo hướng chuẩn hóa với Nhà trường và các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT và của AUN-QA.
PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam báo cáo tại buổi làm việc. |
Về mục tiêu cụ thể, PGS.TS Phạm Xuân Dương cho biết, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam đã và đang triển khai tốt sứ mệnh của giáo dục đại học là tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.
Nhà trường đã thực hiện tốt mục tiêu xây dựng trường đa ngành, nghề đào tạo phục vụ phát triển kinh tế biển của đất nước. Trong 10 năm qua, nhà trường đã thực hiện mở mới 4 ngành đào tạo, 15 chuyên ngành đào tạo trong đó có 4 chuyên ngành đào tạo chất lượng cao, 2 chuyên ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến, duy trì đào tạo 2 chương trình lớp chọn (dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên các chuyên ngành Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển).
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. |
Đổi mới căn bản thi, kiểm tra, đánh giá
Cũng theo PGS.TS Phạm Xuân Dương, Nghị quyết 29 đã tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo qua việc triển khai các chương trình đào tạo theo CDIO đào tạo tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết 29.
Nhà trường tích cực đổi mới các hoạt động quản lý giáo dục đào tạo, áp dụng nhiều giải pháp liên quan đến tự phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng số lượng công bố quốc tế gấp nhiều lần so với giai đoạn trước.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Dương, một trong những kết quả nổi bật là đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.
Đi cùng đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập cũng được triển khai. Bên cạnh phương pháp đánh giá kiến thức theo truyền thống, các rubric mô tả đánh giá kỹ năng, thái độ của người học cũng được triển khai xây dựng và công khai với người học.
Nếu như ở các giai đoạn trước, kết quả đánh giá nghiêng trọng số về đánh giá cuối kỳ, thì giai đoạn hiện nay, đánh giá quá trình học tập của người học cũng được quan tâm với trọng số phù hợp. Ở các chương trình đào tạo tích hợp, việc đánh giá các chuẩn đầu ra về kỹ năng, thái độ của người học thường được thực hiện trong quá trình học hơn là ở bài thi cuối kỳ.
Để kiểm soát chất lượng, nhà trường kiểm soát phương pháp đánh giá các chuẩn đầu ra trong đề cương các học phần và yêu cầu giảng viên công khai nội dung giảng dạy, đánh giá học phần cho sinh viên từ đầu học kỳ.
Việc công khai, minh bạch trong giảng dạy, đánh giá giúp người học chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch học tập của mình, tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập. Thay đổi dần tư duy đánh giá kết quả học tập sang đánh giá để học, đánh giá để hướng dẫn người học từ đó hình thành nên các kết quả học tập mong đợi.
Thành viên trong đoàn công tác trao đổi tại buổi làm việc. |
Đối với đào tạo sau đại học, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo được quy định trong quy chế đào tạo của Nhà trường, được cụ thể hóa trong các quy trình quản lý chất lượng mà Nhà trường áp dụng (Tiêu chuẩn ISO 9001:2015).
Hình thức, nội dung đánh giá và kết quả đánh giá tin cậy, công bằng, phù hợp với đối tượng người học. 100% các học phần trong chương trình đào tạo sau đại học có sự phối hợp nội dung đánh giá trong quá trình học với thi hết học phần và đánh giá cả học phần.
Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai phương pháp giảng dạy tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ chưa đạt hiệu quả đồng đều trong đội ngũ giảng viên. Ở giai đoạn đầu, một số giảng viên còn có tâm lý ngại thay đổi; một số giảng viên nắm bắt, triển khai phương pháp mới còn chậm.
Số lượng đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp thành phố được triển khai còn khiêm tốn so với tiềm lực nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tăng cường nghiên cứu khoa học ở học viên sau đại học còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
Ngoài ra, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam chưa xây dựng được chương trình liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nhà trường còn gặp khó khăn trong triển khai tự chủ tài chính do vướng các quy định liên quan.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác ghi nhận những kết quả tích cực của Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Các thành viên trong đoàn công tác góp ý, nhà trường cần bổ sung và làm rõ hơn một số nội dung như: văn hóa chất lượng, kết quả đào tạo về giáo dục quốc phòng, xác định nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai, thực hiện trong thời gian tới.
Nhiều ngành đào tạo của Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam có tính chất đặc thù, cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng hải, kinh tế biển… Do đó, đoàn công tác gợi ý, nhà trường cần kiến nghị đề xuất với cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải để có thêm nguồn lực đầu tư nhằm phát huy lợi thế, từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong cơ chế, chính sách…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Nghị quyết 29 đã triển khai được 10 năm. Toàn ngành đã nỗ lực thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học.
Tuy nhiên, để hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của toàn ngành, cần có những nhìn nhận khách quan của các cơ sở giáo dục đại học. Trên tinh thần đó, báo cáo của nhà trường cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những thuận lợi khó khăn, thách thức và kiến nghị đề xuất giải pháp thực hiện.
Thứ trưởng gợi mở, những gì ngành Giáo dục làm được, có tác động tích cực đến nhà trường hoặc những gì còn là “điểm nghẽn” thì nhà trường cần phân tích sâu sắc và có thuyết minh, minh chức khoa học để tăng thuyết phục.
Trên cơ sở đó, nhà trường có thể kiến nghị đề xuất giải pháp với Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở giáo dục đại học đang gặp phải, để tiếp tục cải tiến, đổi mới sáng tạo đóng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của Đảng và các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GD&ĐT luôn đồng hành cùng các trường. Tuy nhiên, trước hết các cơ sở giáo dục, đạo tạo phải có tiếng nói để cùng nhau hoàn thiện Báo cáo hoàn tổng kết thực hiện Nghị quyết 29 một cách hoàn chỉnh; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.