Cần ổn định chính sách trong triển khai Chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ổn định về mặt chính sách là hết sức quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành được trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần hết sức ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần hết sức ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các bộ, ngành ngày 24/4, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần hết sức ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Đánh giá kết quả cần một quá trình

Gửi lời cảm ơn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn giám sát, Bộ trưởng cho rằng, các ý kiến, trao đổi trong buổi làm việc cho thấy tinh thần trách nhiệm, sự thấu hiểu, chia sẻ với ngành Giáo dục. Như vậy, trong công cuộc đổi mới, ngành Giáo dục không đơn độc bởi có được sự quan tâm từ nhiều phía.

Bộ trưởng nhìn nhận Chương trình GDPT 2018 là hợp phần quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất trong triển khai đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29. Do đó, từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai với quyết tâm rất cao; ngành Giáo dục và các bộ ngành cũng đã tập trung toàn lực cho triển khai Chương trình này.

Tuy nhiên, thời điểm triển khai Chương trình, ngành Giáo dục có cả những vấn đề cũ còn tồn tại chưa giải quyết xong, khó khăn thách thức cũ còn chồng chất; trong khi đó, đổi mới với mục tiêu cao, kỳ vọng lớn; bắt đầu triển khai lại phải đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh, các quốc gia khác duy trì được hoạt động giáo dục bình thường đã là một cố gắng lớn. Nhưng chúng ta, một nước bắt đầu phát triển, vừa ứng phó với dịch bệnh, duy trì hoạt động giáo dục bình thường, lại vừa đổi mới một cách sâu sắc, toàn diện, triệt để - đó có thể nói là một thách thức với cả quốc gia, không chỉ thách thức với ngành Giáo dục.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Khẳng định hai khó khăn lớn trong triển khai Chương trình GDPT 2018 là thiếu về cơ sở vật chất và thiếu về giáo viên - hai cái thiếu trầm kha từ khi chưa có Chương trình mới - Bộ trưởng kiến nghị cần có một Chương trình mục tiêu quốc gia, hoặc một dự án tăng cường cơ sở vật chất để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới. Về vấn đề thiếu giáo viên, trong nhiều diễn đàn, nhiều văn bản, Bộ GD&ĐT cũng đã có kiến nghị.

Chia sẻ điều này, Bộ trưởng mong rằng, các đánh giá cần quan tâm đến tác động toàn diện, nhiều mặt từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, Chương trình 2018 nói rõ phân cấp, phân trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT, các địa phương, các chủ thể rất rõ ràng. Nhưng mức độ vào cuộc, mức độ tham gia và hoàn thành công việc còn rất khác nhau. Điều đó cũng có ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình triển khai, cần đánh giá sâu hơn điều này.

Cũng theo Bộ trưởng, tại thời điểm triển khai giám sát, Chương trình GDPT 2018 mới đang trong lộ trình triển khai thực hiện. Nhiều thứ chúng ta mới dừng ở mức độ dự đoán, phán đoán, bước đầu đánh giá. Phải đến khi triển khai hết một chu trình mới có thể đánh giá được kết quả. Bởi đối với giáo dục và đối với con người, có những thứ nhìn thấy ngay, nhưng có những thứ - kể cả tích cực, tiêu cực - có khi một vài năm sau và lâu hơn nữa chúng ta mới đánh giá, mới nhìn thấy được.

Đoàn giám sát về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với các bộ, ngành ngày 24/4.

Đoàn giám sát về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với các bộ, ngành ngày 24/4.

Cần sự ổn định về chính sách

Nội dung đặt vấn đề của Trưởng Đoàn giám sát “hãy nêu xem Chương trình đã ổn chưa, có cần điều chỉnh tiếp không?”, Bộ trưởng cho biết “Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt” và nhắc đến thuật ngữ “phát triển chương trình”. Theo đó, trong quá trình triển khai, nếu xét thấy có gì cần điều chỉnh ngay thì vẫn có thể điều chỉnh. Đơn cử như năm 2022 đã có điều chỉnh liên quan đến môn Lịch sử và chọn tổ hợp ở THPT…

“Tuy nhiên, khi đoàn tàu đang chạy, không nên thay quá nhiều bánh xe, máy móc, thiết bị. Để đoàn tàu chạy hết một chặng đường rồi có điều chỉnh, chắc là sẽ phù hợp hơn” - Bộ trưởng nói và bày tỏ: Tại thời điểm này, việc triển khai được hơn nửa chặng đường và Chương trình mới đã tạo được sự phấn khởi, luồng sinh khí mới cho ngành Giáo dục, từ giáo viên, đến học sinh. Chương trình mới cũng có nhiều yếu tố tích cực, vượt trội so với Chương trình 2006; bước đầu đang tạo ra những chuyển biến tích cực. Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục triển khai đi hết chặng đường và thực hiện tổng kết vào năm 2025. Lúc đó, những điều chỉnh cần thiết sẽ được thực hiện với tinh thần hết sức cầu thị để triển khai tốt hơn trong công cuộc chuyển đổi giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Bộ trưởng đồng thời cho biết thêm: Mục tiêu quan trọng nhất của đổi mới giáo dục là có đạt được chuẩn đầu ra của Chương trình về góc độ phát triển con người, về các năng lực trên các phương diện cơ bản hay không? Đó là điều cốt lõi nhất. Đầu ra đó, kết thúc quá trình mới đánh giá được đầy đủ. Và để bảo đảm được chuẩn đầu ra, yếu tố quyết định chính là chất lượng của đội ngũ nhà giáo; tư tưởng, tâm thái của nhà giáo; trình độ chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học… “Đó là những vấn đề chúng tôi đặt là quan tâm số một”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về câu hỏi đặt ra “nên một chương trình, một bộ sách giáo khoa; hay một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, Bộ trưởng nêu cụ thể 4 góc nhìn về vấn đề này: từ chuyên môn, chính sách, thực tế và từ dư luận.

Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng cho biết, ở thời điểm biên soạn và ban hành chương trình, giới chuyên môn đã bàn rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Với một số ý kiến còn khác nhau ở thời điểm hiện tại, Bộ trưởng khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu và phân tích kỹ lưỡng để điều chỉnh ở một nhịp phù hợp. Còn ở thời điểm đang triển khai, các ý kiến chuyên môn trực tiếp điều chỉnh ngay về chính sách sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Từ góc độ chính sách, Bộ trưởng nhắc lại quá trình tính toán đề án của Chính phủ để đề xuất một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa; tới yêu cầu trong Nghị quyết 88 về một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Bộ trưởng cũng nhắc lại một số phân tích trong đề án về một chương trình nhiều bộ sách như: 1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm thống nhất triết lý về sự đổi mới là thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất; có nhiều bộ sách giáo khoa là phù hợp với thông lệ quốc tế; nhiều bộ sách phù hợp với mục tiêu đề cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của nhà trường và hoạt động của giáo viên mà chương trình mới đặt ra…

“Nếu coi chương trình là chuẩn thống nhất, sách giáo khoa là học liệu thì học liệu đa dạng sẽ tốt hơn chỉ có một học liệu”, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh: Hiện nay việc đổi mới đang đi giữa chặng đường, nếu điều chỉnh chính sách quy mô lớn tại thời điểm chưa kết thúc quá trình có thể sẽ tạo nên khủng hoảng trong triển khai chính sách. Ban hành chính sách cần đánh giá thấu đáo, điều chỉnh chính sách giữa chừng càng cần tính đến tác động, đặc biệt là tính đến thiệt hại từ tâm lý và sự ủng hộ của người dân với chính sách.

Từ góc độ thực tiễn, theo Bộ trưởng, việc triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sau những lúng túng, bỡ ngỡ vài năm đầu từ lựa chọn sách, sử dụng sách… đến nay đã tạm ổn định, địa phương đã chọn lựa nhiều bộ sách đưa vào giảng dạy, giáo viên đã quen với nhiều bộ sách. “Việc này bắt đầu thành một thói quen và dần thành bình thường. Nếu thay đổi lại sẽ làm thay đổi sự bình thường mà ngành Giáo dục đã hết sức cố gắng xác lập được trong mấy năm vừa qua”, Bộ trưởng chia sẻ.

Từ góc độ dư luận, Bộ trưởng cho rằng, đổi mới khó tránh khỏi áp lực, khó tránh khỏi những ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên là những người đang thực hiện, ngành Giáo dục hết sức lắng nghe, xem xét thấu đáo với tinh thần cầu thị. Cũng theo Bộ trưởng, công tác thông tin, truyền thông, giải thích chưa được ngành Giáo dục làm tốt và đây sẽ là một trong những vấn đề được đề cập trong báo cáo gửi Đoàn giám sát.

Trong các ý kiến kiến nghị, Bộ trưởng đặt lên hàng đầu là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần hết sức ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018; cố gắng định hướng để triển khai một cách ổn định như tinh thần của Nghị quyết 88. Đến năm 2025, khi kết thúc một chu trình, nếu có thay đổi có tính chất định hướng, hoặc thay đổi lớn (nếu có) thì lúc đó sẽ xem xét thấu đáo. Ổn định về mặt chính sách là hết sức quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành được trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.