Ngày 19/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT).
Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục và Thời đại.
Về phía tỉnh Bình Phước có ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy; bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh.
Chương trình mới giúp hầu hết giáo viên và học sinh năng động, sáng tạo hơn
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT trên địa bàn, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 265 cơ sở giáo dục cấp Tiểu học, THCS, THPT với 6.305 lớp, 207.527 học sinh, 695 cán bộ quản lý, 10.377 giáo viên, 1.440 nhân viên...
Cơ sở vật chất trường, lớp học cùng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy, học và triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Toàn ngành GD&ĐT Bình Phước đã, đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Những năm học vừa qua ngành GD đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai thực hiện đúng lộ trình quy định.
Đánh giá việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, qua 2 năm học triển khai thực hiện cho thấy Chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương, của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Tuyết Minh thông tin tại buổi giám sát. |
Ngành GD&ĐT tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tự chủ trong xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với thực tiễn; thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và đổi mới phương pháp dạy học, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh…
Giá SGK tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, mức sống của người dân. Tuy nhiên, đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn thì giá SGK mới - tương đối cao.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng nhu cầu dạy, học Chương trình GDPT 2018 nhưng vẫn còn thiếu so với quy định (năm học 2021-2022, tỉnh Bình Phước còn thiếu 490 giáo viên). Dự báo biên chế viên chức giáo dục cần bổ sung - tăng thêm đến năm 2026 của tỉnh Bình Phước là 3.448 biên chế. Cơ sở vật chất tại các cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học, trong đó có việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về các điều kiện để triển khai thực hiện, tuy nhiên nhờ ban hành đầy đủ các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nên việc triển khai thực hiện Chương trình, SGK GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Phước được thực hiện đúng lộ trình quy định và bước đầu đạt kết quả tốt.
"Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp 1 năm học 2020-2021; lớp 1, 2, 6 năm học 2021-2022 cơ bản đã đạt được mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình mới. Đặc biệt, chương trình GDPT 2018 đã giúp hầu hết giáo viên và học sinh năng động, sáng tạo hơn; hầu hết cha mẹ học sinh đồng lòng ủng hộ, tạo được niềm tin trong nhân dân" - bà Trần Tuyết Minh thông tin.
Tiếp tục vượt khó, triển khai hiệu quả
Phát biểu tại buổi giám sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đối với khu vực Đông Nam bộ, tỉnh Bình Phước là một trong những địa bàn khó khăn nhiều mặt so với các tỉnh còn lại của vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi giám sát. |
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước rất quan tâm đến việc triển khai chương trình GDPT 2018 nói riêng và giáo dục nói chung. Trong quá trình triển khai chương trình mới, tỉnh đã chú ý đến công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, truyền thông.
“Mong rằng tỉnh Bình Phước đẩy mạnh tốt hơn nữa công tác vận động phụ huynh cùng chia sẻ, đồng hành với ngành giáo dục. Ngoài hoàn tất các chỉ số chuẩn hóa trường, lớp, trang thiết bị..., tỉnh cần phải dự báo nhu cầu học tập, những biến động về dân cư, sự phân bổ cho đối tượng người học để có những chính sách phù hợp hơn. Đặc biệt trong 2 năm còn lại triển khai chương trình GDPT 2018, tỉnh cần phải có kế hoạch cụ thể cho từng nội dung vụ việc và giải pháp”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận buổi giám sát. |
Phát biểu thay mặt Đoàn giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung làm việc của tỉnh Bình Phước. Các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, nhiều kiến nghị cụ thể, phản ánh khá toàn diện việc thực hiện của địa phương.
Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng tỉnh đã quan tâm đúng mức việc bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực tương ứng để đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục; rà soát, tổ chức học tập, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên đúng kế hoạch; thực hiện chương trình lựa chọn sách giáo khoa đúng quy định,…
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được tỉnh ban hành kịp thời và khá đầy đủ, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp cho các thành phố, huyện, các loại hình cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đúng tiến độ đề ra.
Đặc biệt Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh phân bổ thêm nguồn lực để thực hiện chương trình. UBND tỉnh cũng đã kịp thời kiến nghị, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ liên quan hỗ trợ tỉnh tháo gỡ khó khăn về kinh phí, biên chế.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh.
“Thời gian tới, trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, Bình Phước cần rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Bên cạnh đó tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để người dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục tỉnh Bình Phước nói riêng, ngành Giáo dục cả nước nói chung. Đồng thời, cần tăng cường thu hút, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục,..”, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại buổi giám sát. |
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị, qua đợt giám sát, UBND tỉnh tiếp thu, lĩnh hội những ý kiến của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và kết luận của Trưởng đoàn nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo về đổi mới chương trình SGK GDPT phù hợp với điều kiện thực tiễn; cần quan tâm thêm rất nhiều vấn đề trong công tác GD&ĐT của tỉnh. Trong đó chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, khắc phục những hạn chế khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, SGK, tài liệu tham khảo...