Cần nhận thức đúng đắn về vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh

GD&TĐ - Mặc dù công tác tổ chức phối hợp giữa nhà trường và gia đình hiện nay còn gặp phải một số thiếu sót và hạn chế nhưng không thể phủ nhận mô hình ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi chung là ban đại diện) đã đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà nhiều nguồn lực và sáng kiến quý báu, tính từ thời điểm nó ra đời.

Buổi họp phụ huynh theo hình thức mới với sự có mặt của học sinh
Buổi họp phụ huynh theo hình thức mới với sự có mặt của học sinh

Ban đại diện phải thực hiện tốt vai trò giám sát xã hội

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quy định tại điều 8 rằng cha mẹ học sinh có quyền từ chối ủng hộ khi được ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện. Cho nên, chuyện phụ huynh phản ứng, thậm chí từ chối đóng góp các khoản phụ thu “trên trời”, trái với quy định là rất bình thường. Nhưng vin vào nguyên nhân đó mà đòi giải tán ban đại diện là hết sức cực đoan.

Thầy Huỳnh Văn Tiến Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành 2, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp khẳng định như vậy với Báo Giáo dục và Thời đại.

Theo thầy, ban đại diện phải thực sự là cơ chế giám sát xã hội hữu hiệu đối với hoạt động giáo dục trong các đơn vị trường học, thực hiện tốt sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục nhà trường – gia đình - xã hội, đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách người học và phát huy tối đa năng lực của mỗi học sinh.

Ở một số trường, việc tuyên truyền phổ biến Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh còn thiếu thực chất, dẫn đến xã hội và bản thân phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của mô hình này. Thông tư 55 quy định rõ ban đại diện thực hiện hai chức năng quan trọng là (1) tổ chức vận động hỗ trợ, bồi dưỡng, khuyến khích học sinh học tập và (2) đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và dạy học.

Theo chỉ đạo từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, giáo viên không được trực tiếp thu tất cả các khoản thu từ học sinh hoặc cha mẹ học sinh nhằm giảm áp lực tâm lý cho gia đình học sinh; các khoản đóng góp do ban đại diện và các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường chỉ phục vụ mục tiêu chăm lo việc học tập của học sinh.

”Việc vận động các khoản xã hội hóa đều thực hiện theo tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Nhà trường, lãnh đạo nhà trường và giáo viên không lợi dụng sự quan tâm đó để vụ lợi cá nhân hoặc vì lợi ích riêng của đơn vị mà gây khó khăn cho gia đình học sinh và học sinh” – Thầy Lộc chia sẻ.

Ban đại diện không phải là cơ chế “thu tiền”

Từ một góc nhìn khác, thầy Lương Minh D. (xin không nêu tên), hiện là giáo viên chủ nhiệm khối cấp II, của một trường phổ thông công lập hai cấp trên địa bàn TP. Rạch Gía, tỉnh Kiên Giang bày tỏ quan điểm:

“Những sự kiện rắc rối vừa qua là do một số trường không đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ. Thực chất kinh phí nhà trường có hạn nên rất cần phối hợp với nguồn xã hội hóa. Nhưng một vài nơi vẫn chưa phân định rõ khoản nào là ngân sách, khoản nào là xã hội hóa, vì vậy họ “xã hội hóa” tràn lan”

Trường của thầy D. có kế hoạch thu chi chi tiết được thống nhất bằng văn bản ký kết giữa ban đại diện các lớp, ban đại diện trường và nhà trường. Những khoản thu này đều có một mục đích duy nhất là phục vụ cho học sinh : hỗ trợ các kỳ thi, khen thưởng, tổ chức các hoạt động nhân dịp lễ Tết, ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Ban đại diện giữ vai trò vận động xã hội, tìm kiếm nguồn tài trợ, đóng góp ý kiến, phản biện chủ trương chính sách nhà trường chứ không phải là một cơ chế sinh ra để thu tiền.

Cần nhận thức đúng đắn về vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh ảnh 1

Thầy Huỳnh Văn Tiến Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành 2, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp

Thầy D. cho biết hiện nay nhà trường đang mở rộng thực hiện Mô hình trường học mới VNEN. Năm 2016 thí điểm khối lớp 6, năm 2017 triển khai đồng loạt cho khối lớp 7, hướng đến các khối 8,9. Nhiều phụ huynh e ngại mô hình này vì có thông tin một vài tỉnh tạm ngưng áp dụng. Khi phụ huynh đặt vấn đề, nhiệm vụ của nhà trường là cung cấp thông tin đến đầu mối các ban đại diện, ban đại diện sẽ tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể phụ huynh biết về tính hợp lý và hữu ích của mô hình VNEN. Chẳng hạn như mô hình VNEN được nhiều trường quy định cách thức sắp xếp bàn học khác nhau hoặc thời lượng chương trình có độ gia giảm nhất định thì Ban đại diện sẽ là người góp ý trực tiếp để nhà trường lựa chọn phương án phù hợp.

Trước sự kiện gây xôn xao vừa qua, dư luận đề xuất bổ sung nội dung “ban đại diện cha mẹ học sinh không có chức năng thu tiền” vào Thông tư 55, thầy D. trăn trở : “Khi thanh tra kiểm tra thì sẽ phân biệt nguồn nào thuộc về ngân sách, nguồn nào thuộc ban đại diện.

Nếu bỏ hoàn toàn chức năng thu tiền của ban đại diện thì ai sẽ đứng ra thu, trong khi ban đại diện thực hiện chức năng xã hội của mình thì ít nhiều gì cũng dính dáng đến tiền hỗ trợ, tiền vận động. Nếu giao cho kế toán nhà trường làm sẽ càng sai quy định. Vội vàng phủ nhận hoàn toàn chức năng của ban đại diện mà không xem xét kỹ lưỡng các yếu tố là rất tả khuynh”

Thầy đề xuất cần chấn chỉnh một cách nghiêm túc hoạt động của ban đại diện, tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục địa phương thay vì xóa bỏ tiếng nói đại diện của phụ huynh và cơ sở xã hội hỗ trợ cho nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải