Ban phụ huynh: Sẽ không có bức xúc nếu hoạt động đúng quy định

GD&TĐ - Từ năm 2011, Bộ GD&ĐT Ban hành Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Khẳng định của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nếu làm đúng theo quy định này, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ thực sự hiệu quả, lành mạnh.

Ảnh có tính chất minh họa
Ảnh có tính chất minh họa

Không thể thiếu sự tham gia của phụ huynh

Khẳng định của cô Trần Thị Ánh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thọ Sơn (Phú Thọ) - để có thể thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục, cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đặc biệt mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.

Cùng tham gia vào các hoạt động, phụ huynh sẽ có những ý kiến đóng góp, từ góc nhìn của người không làm giáo dục, xem các hoạt động đó có phù hợp không, cũng như định hướng góp ý để giáo dục nhà trường tốt hơn.

Trong quá trình quản lý, cô Trần Thị Ánh Nguyệt cho rằng, vai trò của phụ huynh không thể thiếu. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần lựa chọn được người đại diện phù hợp, có quan điểm đúng đắn, chuẩn mực về các vấn đề của nhà trường, có cách nhìn nhận khách quan, vô tư, có trình độ và đặc biệt là tâm huyết.

Cần nhìn nhận, việc dành thời gian quý báu cho học sinh, đó là đã hy sinh vì tập thể. Một vài hiện tượng lạm thu núp bóng Ban phụ huynh ở đâu đó chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh
Cô Trần Thị Ánh Nguyệt

"Phụ huynh ai cũng có công việc riêng, nếu tham gia Ban phụ huynh, họ chắc chắn mất nhiều thời gian hơn, công sức hơn. Bởi vậy, cần nhìn nhận, việc dành thời gian quý báu cho học sinh, đó là đã hy sinh vì tập thể. Một vài hiện tượng lạm thu núp bóng Ban phụ huynh ở đâu đó chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh.

Trường tôi có hơn 1.500 phụ huynh, họ đều là những người có trình độ, không việc gì mình làm mà họ không nhìn thấy. Chỉ có những gì xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim.

Đơn cử, khi học sinh lớp 1 vào năm học mới, hôm đó trời mưa to, các cô giáo đã đến trường từ 6 giờ sáng để cầm ô đón học sinh từ cổng trường. Hết giờ học là 4 giờ 30, nhưng có khi chỉ vì 1 học sinh, cô giáo vẫn ở trường đến 5 giờ 30 để đợi phụ huynh đến đón con. Những điều ấy, phụ huynh đều biết và ghi nhận" - cô Trần Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.

Để Ban phụ huynh hoạt động hiệu quả hơn, cô Nguyệt cho rằng, ngoài việc chọn người phù hợp, cần xây dựng một quy chế hoạt động về việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường cụ thể, chi tiết hơn.

Cũng khẳng định sự cần thiết của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy Nguyễn Ngọc Toán - Hiệu Trưởng Trường THPT Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) - cho rằng, sẽ không có vấn đề gây bức xúc dư luận nếu Ban phụ huynh đảm bảo đúng hoạt động như quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 55.

"Trước khi đưa ý kiến đề xuất tới phụ huynh, bao giờ chúng tôi cũng xin ý kiến đảng ủy, lãnh đạo nhà trường, công đoàn, đoàn thanh niên, các thầy cô giáo trong trường. Sau khi công khai xin ý kiến thống nhất sẽ triệu tập hội nghị cha mẹ phụ huynh toàn trường, xin ý kiến từng phụ huynh một. Phụ huynh nào không có ý kiến ngay sẽ đóng góp bằng văn bản khi họp phụ huynh lớp.

Sau kỳ họp phụ huynh lớp, hiệu trưởng trực tiếp tập hợp các ý kiến góp, báo cáo với toàn thể lãnh đạo trường, họp giao ban có đầy đủ thành phần, báo cáo thường trực đại diện Ban phụ huynh, sau đó thống nhất mới ban hành kế hoạch cụ thể triển khai. Làm minh bạch, công khai rõ ràng" - thầy Nguyễn Ngọc Toán chia sẻ.

Vai trò chính là người đứng đầu nhà trường

Trên thực tế, các trường từ mầm non đến THCS rất khó khăn nên huy động xã hội hóa để phục vụ một số hoạt động, giúp việc học của học sinh tốt hơn. Điều này rất cần, nhưng phải làm đúng theo quy định.
Ông Nguyễn Minh Tường

Là người trải qua kinh nghiệm thực tế từ cơ sở, rồi trở thành quản lý giáo dục của ngành, ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - nhận thấy vai trò của Ban phụ huynh rất quan trọng. Thực hiện công khai dân chủ cũng phải có vai trò giám sát của đại hiện phụ huynh học sinh. Nếu không có sự phối hợp nhà trường, gia đình sẽ rất khó thành công. Do đó, không thể vì một số hiện tượng đang nóng lên ở một số trường mà đổ lỗi của Ban phụ huynh.

"Phải nhìn thật khách quan. Vai trò chính là người đứng đầu các nhà trường vì họ chịu trách nhiệm trước nhà nước về quản lý nhà trường.

Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT, điều 4, điều 6 quy định rõ trách nhiệm của Ban phụ huynh; về kinh phí đã quy định cụ thể tại điều 10. Tuy nhiên, một số trường triển khai quy định của Bộ chưa nghiêm túc.

Chúng tôi đã tập huấn hiệu trưởng các trường từ mầm non đến phổ thông, quán triệt rõ kinh phí Ban phụ huynh chỉ được phép vận động theo đúng điều 10 trong thông tư 55. Giao Ban phụ huynh huy động tiền nhân dân đóng góp cơ sở vật chất là không đúng quy định. Đó là trách nhiệm của nhà trường" - ông Nguyễn Minh Tường nêu rõ.

Người đứng đầu ngành Giáo dục Phú Thọ cũng đưa ra vấn đề trong công tác chỉ đạo. Theo đó, cần kiểm tra các địa phương xem việc cấp kinh phí cho hoạt động giáo dục, nhất là giáo dục cấp huyện, có đảm bảo cơ cấu 82% chỉ lương và phụ cấp theo lương và 18% chi cho hoạt động thường xuyên của nhà trường hay không.

"Trên thực tế, các trường từ mầm non đến THCS rất khó khăn nên huy động xã hội hóa để phục vụ một số hoạt động, giúp việc học của học sinh tốt hơn. Điều này rất cần, nhưng phải làm đúng theo quy định.

Nếu đảm bảo cơ cấu 82/18 như trên, cơ sở giáo dục sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục thuận lợi, đồng thời tránh được lạm thu trong nhà trường. Vấn đề là các địa phương, nhất là cấp huyện phải quan tâm để sử dụng ngân sách này. Bởi thực tế có địa phương chưa đảm bảo 18% chi cho hoạt động thường xuyên vì điều kiện ngân sách hạn hẹp" - ông Nguyễn Minh Tường trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ