Cần lồng ghép yếu tố phổ biến và giáo dục để luật đạt hiệu quả cao

Cần lồng ghép yếu tố phổ biến và giáo dục để luật đạt hiệu quả cao

(GD&TD)-Ngày 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 2, cho ý kiến về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự án Luật Giám định tư pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự.

Giáo dục pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục (ảnh MH)
Giáo dục pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục (ảnh MH)

Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.  Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đều cho rằng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân, vì dân. Thực tế công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, góp phần phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời gian qua.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 41 điều, trong đó dành phần lớn nội dung để nói về hình thức PBGLPL chung cho các đối tượng và một số đối tượng đặc thù; cơ quan, cá nhân có trách nhiệm PBGDPL; các điều kiện đảm bảo cho PBGDPL.

Các ý kiến góp ý đều cho rằng Dự thảo Luật tập trung nhiều hơn vào quy định đối tượng làm công tác PBGDPL mà xem nhẹ đối tượng được PBGDPL, trong khi đó mục đích của Luật này là nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân- đối tượng được PBGDPL.

Trong Tờ trình, Bộ Tư pháp chia công tác PBGDPL ra làm 2 phần chính là “Phổ biến pháp luật” và “Giáo dục pháp luật”.  Điều này không nhận được sự tán thành của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi cho rằng phổ biến và giáo dục luôn phải lồng ghép, đan xen để đạt được hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng nên tách bạch tương đối 2 yếu tố phổ biến và giáo dục pháp luật, vì phổ biến chỉ là giới thiệu pháp luật, còn giáo dục pháp luật là một nội dung rất rộng, có mục đích, mục tiêu cụ thể và đòi hỏi sự phân cấp thực hiện.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói là tách riêng nhưng không phải là “đẩy” nhiệm vụ giáo dục pháp luật cho ngành Giáo dục.

Từ nội dung thực hiện PBGDPL này, ông Nguyễn Văn Hiện cho rằng, Nhà nước phải tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức xã hội, cá nhân tham gia PBGDPL thì mang lại hiệu quả tốt nhất, trong khi đó Dự thảo không đề cập sâu vấn đề này.

Về vai trò quản lý nhà nước trong PBGDPL, các ý kiến cho rằng Dự thảo luật cần nói rõ cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, phần lớn các đại biểu cho rằng nên để Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý, còn các bộ, ngành khác là chủ trì chịu trách nhiệm PBGDPL trong ngành đó.

Buổi chiều, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về Luật Giám định tư pháp

Theo đó, Dự thảo Luật quy định cho phép đương sự trong tố tụng dân sự, hành chính được tự mình yêu cầu giám định tư pháp. Về điều này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng ý trên nguyên tắc với dự thảo Luật để đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng.

Giám định tư pháp
Giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng và nhu cầu của xã hội (ảnh MH)

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị, việc mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự cần được sửa đổi, bổ sung vào các quy định tương ứng trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính…

Về chế độ đối với người giám định tư pháp và chế độ đãi ngộ khác, dự thảo Luật quy định có ngạch bậc lương riêng, được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên…, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế….

Các ý kiến cho rằng chế độ đãi ngộ cho cán bộ giám định tư pháp là cần thiết, tuy nhiên việc này nên giao cho Chính phủ quyết định chứ không nhất thiết phải quy định trong Luật. Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc việc ưu đãi thuế, đất cho cơ sở tư pháp ngoài công lập vì thuế và đất là những vấn đề cần có chính sách chung, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng. Nội dung này nên để pháp luật chuyên ngành quy định.

Thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp, vấn đề được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận và còn nhiều ý kiến khác nhau là việc có hay không quy định phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh, thành phố nằm trong hệ thống tổ chức giám định công lập về pháp y.

Nhiều ý kiến không tán thành với việc bỏ tổ chức giám định pháp y thuộc công an các tỉnh, như quy định trong dự thảo luật. Lý giải về vấn đề này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hệ thống giám định pháp y công an tỉnh đã được thành lập từ lâu, là lực lượng mạnh, không có vướng mắc gì về quản lý Nhà nước cũng như tổ chức việc giám định, đang phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Về chủ trương xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng: Thực tiễn xét xử bắt buộc phải có trưng cầu giám định. Trong khi, những tiêu cực trong việc giám định thương tích, tai nạn, giám định tuổi, giám định sức khoẻ vẫn diễn ra ở một số nơi. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo Luật, cho phép mở văn phòng giám định ngoài công lập, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì vậy, việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp, có tổng kết, rút kinh nghiệm rồi mới xem xét mở rộng phạm vi.

Xuân Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.