Cần làm rõ khó khăn trong chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường với doanh nghiệp

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Đại biểu đề nghị cần sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.

Cần làm rõ khó khăn trong chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường với doanh nghiệp

Luật mới chưa đề cập tới chuyển giao công nghệ trong nước

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật mới chỉ sửa đổi, bổ sung liên quan đến 16 điều trên tổng số 61 điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006. Qua thảo luận, nhiều ý kiến còn băn khoăn nên sửa 16 điều hay sửa đổi toàn diện Luật.

Các đại biểu cho rằng, với tình trạng công nghệ trong nước như hiện nay và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều là chưa thể đáp ứng được. Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Phạm vi sửa đổi phải bao quát hơn, toàn diện hơn, phải kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Luật cũ, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ và phù hợp với tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước hiện nay. Về nội dung yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 20 của Trung ương 6 khóa 11 nói về khoa học công nghệ rất rõ. Tôi rất hoan nghênh việc sửa Luật này đưa ra những quy định về vai trò quản lý Nhà nước kiểm soát công nghệ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, ông Phan Thanh Bình, cho rằng, Dự thảo Luật hầu như mới chỉ quy định về nhập khẩu công nghệ, mà chưa đề cập nhiều đến việc chuyển giao công nghệ trong nước. Ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, cần làm rõ khó khăn trong chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường với doanh nghiệp và Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được khó khăn, vướng mắc đó.

Ông Phan Thanh Bình đề nghị: Phải có 3 công đoạn, thứ nhất là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thứ 2 là tổ chức trung gian, khớp nối và thứ 3 là doanh nghiệp sử dụng. Nó phải có 3 bộ phận đi đồng loạt với nhau. Đôi khi không thể đưa một nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra áp dụng mà phải có khớp nối. Hiện nay, đơn vị trung gian này được nói tới trong Luật Khoa học công nghệ đến Luật Chuyển giao công nghệ trong 10 năm qua, tuy nhiên việc phát triển khớp nối này như thế nào mới là quan trọng.

Sửa Luật để khắc phục bất cập trong giao thông đường sắt

Trước đó, ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trình bày cho biết, qua thực tế thi hành, Luật Đường sắt (sửa đổi) đã bộc lộ một số tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, trong thời gian qua, lĩnh vực giao thông đường sắt không được quan tâm đầu tư tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó so với các loại hình giao thông khác và không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.

Đánh giá giao thông vận tải đường sắt giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông Việt Nam, đóng góp to lớn trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, hầu hết các đại biểu tại phiên họp đều cho rằng, việc sửa đổi Luật để khắc phục những bất cập trong giao thông đường sắt ở nước ta hiện nay là rất cần thiết, không thể chậm trễ. Các đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được nghiên cứu, chuẩn bị khá công phu, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ