TS chuyên ngành tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Tổng giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) đã trao đổi xung quanh vấn đề sức khỏe tinh thần của học sinh và việc hỗ trợ, giúp đỡ để các em vượt qua khủng hoảng thời đại dịch Covid-19.
Thưa TS Vũ Việt Anh, ông có thể trao đổi về thực trạng sức khỏe tâm thần của lứa tuổi "teen" trong giai đoạn hiện nay?
Theo kết quả khảo sát 834 học sinh tại thành phố Hà Nội và 726 học sinh tại tỉnh Hưng Yên được Bệnh viện Nhi trung ương tiến hành vào năm 2019, tỷ lệ trầm cảm ở học sinh tại Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress (căng thẳng thần kinh) tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân đến khám, tăng gấp 4 lần so với cách đây 3 năm. Trong đó, 15-17% trẻ được người nhà đưa đến khám do trước đó có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, dễ cáu giận, buồn bã, hay khóc lóc, thu mình, không tiếp xúc.
Như vậy, chúng ta thấy, tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, đặc biệt là trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng.
Nổi loạn tuổi dậy thì, căng thẳng tuổi dậy thì, trầm cảm tuổi dậy thì, stress tuổi dậy thì… là cụm từ chung chỉ các rối loạn tâm lý ở tuổi vị thành niên cho các trạng thái thay đổi tâm lý thất thường, khí sắc buồn chán, tức giận vô cớ, mất hứng thú với cuộc sống, cảm xúc tiêu cực…
Những biểu hiện này kéo dài, thường xuyên sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phát triển toàn diện của các bạn trẻ. Từ những tâm trạng, suy nghĩ, hành vi tiêu cực sẽ dẫn tới mất khả năng kiểm soát về cảm xúc, suy giảm chất lượng học tập, mất cân bằng trong cuộc sống.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên bị rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần chiếm 8% ở trẻ em và 29% ở vị thành niên, trong đó, rối loạn tăng động, giảm chú ý chiếm 14%; rối loạn cảm xúc chiếm 11,5%; rối loạn ứng xử chiếm 9%.
Nhiều phụ huynh rất quan tâm đâu là nguyên nhân gây ra “bất ổn” về sức khỏe tâm thần của học sinh. Xin ông cho biết?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này: Sự thay đổi hormone, biến đổi về cơ thể, áp lực học tập, cuộc sống, các biến cố trong gia đình, xã hội…
Nhưng có một nguyên nhân lớn không thể không kể đến trong thời gian gần đây đó chính là ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho các bạn trẻ không thể đến trường, bắt buộc phải thay đổi mạnh mẽ cuộc sống, sinh hoạt, học tập.
Hàng ngày, các bạn trẻ phải học trực tuyến, việc lặp đi lặp lại này trong một thời gian dài sẽ gây ra sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu đi sự đa dạng trong cuộc sống.
Thay đổi nề nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, phải ở nhà nhiều hơn, không được ra ngoài, áp lực về thời gian, quá tải trong học tập cũng dẫn tới năng lượng bị ngưng trệ, bức bí.
Ở tuổi phát triển, học sinh rất cần vận động, giao lưu, tương tác, thể hiện quan điểm của bản thân, nhưng khi học trực tuyến, các nhu cầu đó gần như bị mất hết mà thay vào đó là thời gian gò bó, thiếu linh hoạt, bị động, tương tác 1 chiều, các bạn trẻ không được chủ động quyết định được cách tiếp thu phù hợp với khả năng, năng lực của mình.
Với trạng thái tâm lý này các bạn trẻ sẽ rất nhạy cảm với các lời chê bai, góp ý của người lớn. Đặc biệt là những bạn mắc phải căn bệnh trầm cảm còn có cảm xúc bị xúc phạm khi cha mẹ hoặc người thân trong gia đình phê bình, chỉ trích.
Thông thường các bạn trẻ sẽ phản kháng lại bằng những cơn giận dữ, bực tức. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho các bạn ấy tự cảm thấy bản thân không còn giá trị, mất dần tự tin hoặc tiêu cực hơn là tìm cách giải thoát khỏi tình trạng hiện tại.
Ông có thể đưa ra lời khuyên, giải pháp nào để thầy cô, gia đình có thể giúp học sinh vượt qua khủng hoảng tâm lý trong bối cảnh dịch Covid-19?
Một số giải pháp có thể giúp học sinh vượt qua tình trạng này như:
Về mặt tâm lý, cha mẹ cần động viên, khích lệ, không tạo áp lực cho con, gần gũi với con, đồng hành và chia sẻ để con vượt qua giai đoạn phức tạp của dịch.
Về phía nhà trường, thầy cô cũng cần tìm sự đa dạng trong công tác giảng dạy, giảm tải về nội dung, có nhiều hoạt động tương tác, gắn kết với học sinh. Thầy cô luôn nhớ rằng, không có học sinh dốt, chỉ có phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Việc học tập, đổi mới trong giảng dạy, tìm tòi những phương pháp giáo dục mới cũng là việc cần làm thường xuyên của người giáo viên thời đại 4.0.
Với bản thân học sinh cũng rất cần có một kế hoạch học tập, nghỉ ngơi khoa học, có mục tiêu cho mỗi môn học và biết các tự tạo động lực trong học tập bằng việc tạo cho mình một không gian học tập yên tĩnh, gọn gàng, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, được trang trí theo sở thích, xem các bộ phim, sách chuyện về vĩ nhân, các tấm gương vượt khó thay vì chơi game, lướt web vô bổ.
Các em cũng cần được nhận thức sự biến đổi cơ thể trong giai đoạn này để chuẩn bị cho mình một tinh thần đón nhận, thay thế những năng lượng tiêu cực bằng một chế độ “vận động oxy” phù hợp, có thể tham gia các câu lạc bộ sở thích, các hoạt động thiện nguyện.
Việc ăn uống đủ chất, lành mạnh, tránh xa các chất kích thích cũng giúp các bạn dễ dàng vượt qua giai đoạn này. Thích nghi để phát triển là một khả năng kỳ diệu của con người, hãy tận dụng những thời điểm dịch Covid-19 đầy thách thức này để biến đổi tích cực thành một thời điểm đột phá bản thân cho chính các em.
+ Xin cảm ơn TS.
Theo TS Vũ Việt Anh, cha mẹ và học sinh có thể áp dụng nguyên tắc ÍT - NHIỀU của người Nhật như 1 gợi ý để làm chủ cuộc sống của học sinh trong dịch Covid-19:
Ít xem ti vi - Chơi ngoài trời nhiều; Ít nhăn nhó - Cười nhiều; Ít chê trách - Động viên nhiều; Ít phán xét - Thông cảm nhiều; Ít lo sợ - Thoải mái nhiều; Ít áp đặt - Cho lựa chọn nhiều.
Ít cằn nhằn, bình luận - Lắng nghe nhiều; Ít phạt, ép buộc - Cùng thỏa thuận để hình thành các nguyên tắc nhiều; Ít phục vụ - Yêu cầu tự làm nhiều; Ít bao bọc - Cho trải nghiệm và tự lập nhiều;