Lời tòa soạn: Covid-19 chuẩn bị bước sang năm thứ ba và đại dịch này tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục.
Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đ.nh và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai. Trẻ em Việt Nam không phải ngoại lệ. Ngoài chịu tổn thất như bạn bè trên thế giới, cơn bởi Covid tràn qua cướp đi của các em người thân yêu nhất. Hàng nghìn trẻ mồ côi, ngoài hỗ trợ về vật chất rất cần khóa trị liệu tâm lý từ chuyên gia; sẻ chia, yêu thương và đùm bọc của thầy cô, bạn bè, cộng đồng xã hội để được em đi tiếp đoạn đường đời.
Những nỗi đau trong trường học
Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương) có 2.115 học sinh; trong đó đã có 83 em bị nhiễm Covid-19. Đại dịch khiến cuộc sống nhiều học sinh của trường hoàn toàn đảo lộn. Như em Võ Đặng Cao Nhân, lớp 1/6, bị mất ba vì Covid-19; cả gia đình đang ở trọ, mẹ làm nghề buôn bán tự do, thất nghiệp 3 tháng nay. Lý Thanh Trúc, lớp 5/3, cũng mất ba trong đại dịch; mẹ là công nhân thất nghiệp đã hơn 3 tháng. Nguyễn Ngọc Phượng, lớp 5/6, hoàn cảnh tương tự khi mất ba vì Covid-19, còn lại 3 mẹ con ở trọ và mẹ cũng thất nghiệp, cuộc sống vô cùng khó khăn…
Chia sẻ những câu chuyện buồn này, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoàng Trang cho biết: Học sinh mồ côi vì dịch bệnh của trường sau thời gian trải qua cú sốc lớn đã dần ổn định tâm lý, hòa nhập và tham gia học tập trực tuyến cùng các bạn. Để giúp học trò có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã kêu gọi ủng hộ, đóng góp của nhiều thầy cô, phụ huynh và các nhà hảo tâm.
“Trường đã trao tặng cho 9 học sinh, mỗi em 1 điện thoại thông minh để học trực tuyến; hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho 20 học sinh với tổng số tiền gần 14 triệu đồng. Ngoài ra, học sinh của nhà trường còn nhận được sự quan tâm của Sở GD&ĐT Bình Dương, các ban, ngành, đoàn thể TP Thuận An, Phòng GD&ĐT thành phố Thuận An, nên thêm 1 học sinh được nhận máy tính bảng; 3 học sinh được nhận học bổng và quà...
Bên cạnh đó, thầy cô cũng quan tâm tới tất cả học trò, từng bước điều chỉnh, thay đổi phương thức tổ chức dạy học phù hợp, kịp thời giúp đỡ các em được tham gia học tập bằng nhiều hình thức phù hợp” - cô Nguyễn Thị Hoàng Trang cho hay.
Cũng nằm trong vùng đỏ đậm đặc của Bình Dương, Trường Tiểu học Duy Tân (phường Thới Hòa, Bến Cát) có nhiều học sinh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Thu, 4 học sinh của trường phải chịu cảnh mất cha, hoặc mất mẹ. Gia đình các em hầu như đều ở trọ, hoàn cảnh rất khó khăn; biến cố này chắc chắn ảnh hưởng đến các em cả thể chất và tinh thần. Ngoài ra, một giáo viên của trường cũng mất vì Covid-19. Cô giáo còn rất trẻ, có con nhỏ mới 6 tháng tuổi.
“Tập thể nhà trường bên cạnh thăm hỏi, động viên, đã kêu gọi quyên góp từ giáo viên để hỗ trợ các em trong hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của lãnh đạo phòng GD&ĐT, 4 em đã nhận được một điện thoại thông minh để tham gia học trực tuyến” - cô Nguyễn Ngọc Thu chia sẻ.
Tại Đồng Nai, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Huy Khánh, trong dịch Covid-19, hơn 100 trẻ em, học sinh trên địa bàn bị mồ côi cha, mẹ hoặc có em mồ côi cả cha và mẹ. Việc nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 kéo dài làm xáo trộn trong công việc, thu nhập và sinh hoạt của các gia đình.
Nhiều phụ huynh không an tâm đi làm, nghỉ việc vì không có người trông giữ con; có phụ huynh mất việc làm hoặc nghỉ việc không lương, hoặc có khi cả gia đình phải đi cách ly, điều trị tại bệnh viện dã chiến, có người thân bị bệnh và tử vong… Do đó, tâm lý nhiều gia đình căng thẳng, khiến học sinh cũng bị căng thẳng, mệt mỏi, buồn chán…
Theo ông Đỗ Huy Khánh, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, việc học tập. Từ tháng 9, Sở GD&ĐT chủ động tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Thư kêu gọi ủng hộ trang thiết bị học tập trực tuyến cho những em khó khăn trên địa bàn, tham mưu triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. 7.841 trang thiết bị học tập trực tuyến (mới và cũ) được các địa phương, đơn vị, cá nhân vận động, ủng hộ, kịp thời giúp học sinh tham gia học tập.
Sở GD&ĐT cũng chủ động trong phối hợp huy động các nguồn lực để chăm sóc trẻ em, học sinh bị thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch bệnh; tham mưu Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 đối với trẻ em, học sinh, học viên và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do dịch bệnh Covid-19. Dự thảo Nghị quyết được HĐND thống nhất trình thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh trong kỳ họp tháng 10/2021...
Ảnh hưởng lớn đến tinh thần học tập
Chia sẻ khó khăn từ thực trạng nhà trường, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp trăn trở bởi kinh tế của gia đình học sinh chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Nhiều trường hợp gia đình không ruộng đất sản xuất nên người thân làm thuê tại địa phương, bán vé số, phụ hồ hoặc làm công nhân.
Dịch bệnh kéo dài, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nguồn thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí không có thu nhập. Học trực tuyến, đa phần các em sử dụng thiết bị là điện thoại cũ dễ hư hỏng, màn hình nhỏ ảnh hưởng rất lớn đến việc tập trung.
Nhiều gia đình không đủ điều kiện về thiết bị, đường truyền cho con học, trường hợp có nhiều con học trực tuyến cùng lúc thì điều kiện càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều em đang ở tỉnh, thành khác chưa về được địa phương vì thời gian hè các em đi phụ việc cùng người thân để kiếm thêm thu nhập.
Nhiều trường hợp khó khăn, gia đình chỉ còn cách chờ sự hỗ trợ hoặc phải cho con tạm dừng học. Như em Dương Thị Kiều Nhi, lớp 12CB2, nếu không được huyện quan tâm hỗ trợ thiết bị học trực tuyến và trường hỗ trợ SGK, vở, kịp thời thì có thể em đã nghỉ học. Nhi mồ côi mẹ, còn cha và 2 anh trai làm thuê ở TPHCM. Dịch đến, các anh trai về quê trước, cha em cố bám trụ kiếm thu nhập nên bị kẹt lại, cả gia đình không có nguồn thu. Hiện, em sống trong căn nhà tình thương được địa phương trao tặng từ năm 2014.
“Sự lo lắng trong thời gian dài cho an toàn của bản thân và gia đình, việc học tập trực tuyến trong điều kiện thiết bị còn khó khăn làm nhiều em mất tập trung trong học tập. Thời gian dài không được vận động tự do lấy lại năng lượng sau năm học mệt mỏi, lại tập trung vào màn hình điện thoại học trực tuyến nên sức khỏe thể chất của các em cũng bị ảnh hưởng. Sự lo lắng về an toàn trong dịch bệnh và ảnh hưởng từ điều kiện kinh tế gia đình đến điều kiện học tập của các em hiện nay là rất lớn” - thầy Trần Văn Hân trăn trở.
Cùng nỗi niềm này, thầy Đỗ Quốc Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Phú, An Giang, bày tỏ: Trong bối cảnh phải thực hiện việc dạy học trực tuyến, học sinh trong những gia đình có thu nhập thấp gặp bất lợi hơn so với các bạn đồng trang lứa có điều kiện.
Các em chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi không có thời gian học tập phù hợp, không có đủ trang thiết bị để học trực tuyến cũng như dễ gặp một số vấn đề tâm lý. Trường đã thống kê có 44 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn... không có điều kiện để trang bị thiết bị học tập - số lượng tương đương với một lớp học.
“Bên cạnh đó, khi dịch bệnh bùng phát trở lại sau tháng 4, tình hình phức tạp, lây lan nhanh đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và cả tính mạng của các em. Khi được nghỉ hè, một số em theo cha mẹ đi làm ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... và không thể về quê. Trên 30 học sinh của trường không thể về quê trong thời gian dài, một số em thuộc diện F0, F1, F2. Trong đó, có một trường hợp đi làm theo cha mẹ ở ngoài tỉnh đã qua đời vì Covid-19”, thầy Đỗ Quốc Toàn chia sẻ.
Tổn thương tinh thần, thể chất
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội không khỏi lo ngại khi áp lực và sự mệt mỏi tinh thần vì dịch bệnh khiến cha mẹ cách xa cảm xúc với con, thậm chí né tránh con cái, lơ là hơn các vai trò của mình.
Nhiều đứa trẻ bị bỏ lại phía sau bởi những lo toan bận rộn của cha mẹ trong đại dịch. Ở nhà chống dịch, trẻ bị “ngắt” ra khỏi những thói quen hàng ngày, dẫn đến rối loạn lịch sinh học (ăn ngủ), trở nên kém hoạt động, mất phương hướng và tâm trạng bất an. Trẻ cũng có thể xuất hiện nhiều nỗi lo lắng về tương lai và cả những mâu thuẫn trong gia đình phóng chiếu từ nỗi lo trong mắt cha mẹ.
Là chuyên gia trong lĩnh vực Tham vấn tâm lý học đường, ThS Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Tham vấn tâm lý học đường, Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội), nhận thấy Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên do bản thân mắc bệnh, người thân mắc bệnh; thậm chí nhiều trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi khi mất hết những người thân trong gia đình.
Một số em lại chứng kiến cảnh gia đình rơi vào hoàn cảnh bế tắc, cha mẹ mất việc không có thu nhập hay tình trạng học trực tuyến kéo dài cũng khiến các em không biết phải chia sẻ, bày tỏ hoặc giải tỏa như thế nào. Tất cả những tác động ấy cũng kéo theo sự giảm sút về khả năng giao tiếp và tâm lý bất ổn ở hầu hết thế hệ học sinh trong thời gian hiện nay.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, trẻ em phải thay đổi cách học, thời gian ở nhà chiếm 1/3 thời lượng các môn học, trong khi hoạt động chủ đạo của trẻ em và thanh thiếu niên là giai đoạn tương tác xã hội và giao tiếp chủ động. Mặt khác, thể chất các em cũng bị ảnh hưởng do không được vận động nhiều, trong khi việc vận động thể chất giúp con người tiêu tốn năng lượng dư thừa và cân bằng cảm xúc tinh thần. Khi ở nhà thời gian quá dài, trẻ tiếp cận với Internet nhiều dẫn đến nguy cơ bắt nạt trực tuyến và các tổn thương tinh thần khác.
Những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt có thể gây tổn hại đáng kể đến ám ảnh tinh thần và kém phát triển thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên.