Cần giao quyền tự chủ, trách nhiệm cao hơn cho nhà trường

GD&TĐ - Từ sự phát triển đa dạng, phong phú và sâu sắc của hệ thống kinh tế - xã hội, xu thế chung quản lý Nhà nước về các lĩnh vực được chuyển từ kiểm soát, chỉ đạo chặt chẽ sang giám sát bằng pháp luật, tiêu chuẩn chất lượng và giám sát của các bên liên quan. Quản lý Nhà nước về GDĐH không phải là ngoại lệ.

Trách nhiệm của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực là căn cứ quan trọng để thực hiện quyền tự chủ
Trách nhiệm của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực là căn cứ quan trọng để thực hiện quyền tự chủ

Giải quyết vướng mắc trong thực hiện tự chủ ĐH

Hiện nay, vấn đề giao quyền tự chủtrách nhiệm giải trình đã được đưa vào Luật, nhưng khi triển khai vẫn gặp không ít khó khăn. PGS.TS Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục (QLGD) chỉ ra những khó khăn này, đó là sự cản trở từ thói quen và quán tính của quá khứ; khó khăn trong xử lý mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng, khó khăn về cụ thể hóa nội dung và mức độ tự chủ.

Quan điểm của PGS Trần Ngọc Giao, tự chủ và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình là hai mặt của một vấn đề, nhiều quốc gia giải quyết rõ ràng mối quan hệ giữa Hội đồng trường (Hội đồng quản trị) và Hiệu trưởng. Hội đồng trường thực sự có quyền lực về chiến lược và chính sách phát triển chuyên môn học thuật, con người và tài chính. Ở nước ta, vấn đề tự chủ ĐH và Hội đồng trường đã được đề cập trong Luật GD ĐH, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc.

Chẳng hạn, Nghị định 16/2016/NĐCP đã ban hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng để cụ thể hóa có liên quan đến định giá, lượng hóa định mức một số hoạt động của GD, những việc đó là không dễ dàng. Phương hướng khắc phục không thể cầu toàn, cần nhanh chóng lựa chọn một phương án chấp nhận được và tiếp tục điều chỉnh làm tốt dần lên. Phương án đó ở cấp vĩ mô cần có hướng dẫn làm rõ vai trò của Hội đồng trường (phải có quyền lực như Luật GD ĐH đã ghi), hướng dẫn chung về xử lý mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Hiệu trưởng và cơ chế giám sát, giải trình.

Để Luật đi vào cuộc sống quản lý Nhà nước và các nhà trường, theo PGS Trần Ngọc Giao, cần giải quyết các vướng mắc bằng cách: Xác lập cơ chế quản trị (quá trình ra quyết định, giám sát, đánh giá những vấn đề lớn; xác lập cơ chế làm việc của Hội đồng trường); Phát huy quyền tự do học thuật và chịu trách nhiệm tập thể về tự do học thuật; Xây dựng quan hệ phối hợp (quan hệ nội bộ, quan hệ giữa nhà trường và cơ quan quản lý giữa nhà trường với các bên liên quan và môi trường xã hội); Xây dựng cơ chế bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở GD ĐH có tham chiếu, đối sánh quốc tế; Xây dựng cơ chế giải trình khi thực thi quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình về kết quả đầu ra với nội bộ nhà trường, cơ quan quản lý, các bên liên quan và công chúng.

Sinh viên trên giảng đường Trường ĐH KTQD. Ảnh minh hoạ/ Internet
 Sinh viên trên giảng đường Trường ĐH KTQD.  Ảnh minh hoạ/ Internet

Cam kết mạnh mẽ về chính sách cho phát triển GD ĐH

Đưa ra đề xuất, PGS Trần Ngọc Giao cho rằng, quản lý Nhà nước về GD ĐH cần tạo lập môi trường cho sự phục hưng và phát triển GD ĐH. Muốn vậy, điều trước tiên phải làm là quay về những giá trị cơ bản của GD ĐH, bảo đảm nguyên tắc mang tính bản chất của quản lý Nhà nước về GD ĐH.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, dù biết là rất khó khăn, nhưng nếu lãng quên và xa rời các giá trị gốc thì sự lệch lạc và chất lượng giảm sút là điều khó tránh khỏi. Sản phẩm của GD và GD ĐH là phải quay về khôi phục, lưu giữ những giá trị về cái cơ bản, tạo ra lớp người trung thực - tự trọng, bao dung - nhân hậu, tự tin - ham hiểu biết mới có nguồn nhân lực để có thể thích ứng và phát triển. Đặc biệt, quản lý Nhà nước về GD ĐH phải bảo đảm cam kết mạnh mẽ về chính sách cho phát triển GD ĐH, đó cũng chính là cam kết phát triển trong xã hội hiện nay.

Cơ chế là rất quan trọng, tuy nhiên cơ chế trong QLGD có những điểm khác với cơ chế quản lý kinh tế. Cơ chế quản lý trong GD-ĐT phải được đặt trên nền tảng của chính sách xã hội có tính nhân văn sâu sắc, nếu không lưu ý khía cạnh này có khi sẽ làm tổn thương đến GD (lĩnh vực thuộc về con người).  

PGS Trần Ngọc Giao

Trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại, theo PGS Trần Ngọc Giao, chính sách phải tập trung có trọng tâm trọng điểm, không thể dàn trải cào bằng. Trước hết ưu tiên xây dựng và tập trung đầu tư thực hiện hai dự án. Dự án thứ nhất là đào tạo nguồn lực giảng viên ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế để từng bước thể hiện được khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Để xây dựng đội ngũ giảng viên cần có chính sách tập trung đầu tư mạnh mẽ thông qua một dự án, xác lập tiêu chuẩn giảng viên mang tính cạnh tranh quốc tế tương tự như GD ĐH Trung Quốc đang triển khai hiện nay, Nhật Bản và một số quốc gia khác đã đầu tư trước đây. Dự án thứ hai là xây dựng 5 - 7 trường hàng đầu; các trường được lựa chọn ưu tiên theo các nhóm ngành mũi nhọn trọng điểm cần thiết cho việc thích ứng với yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuẩn bị cho nền kinh tế tương lai.

“Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước phải bảo đảm tính chỉnh thể trong sự phát triển của cả hệ thống GD CĐ, ĐH và sau ĐH nhằm bảo vệ các giá trị cốt lõi, văn hóa ĐH và sự sẵn sàng với khoa học công nghệ. Nhà nước nắm quyền chỉ đạo và điều tiết việc cung ứng dịch vụ GD ĐH, nhưng cần trao quyền lại cho các cơ sở GD ĐH. Quản lý Nhà nước về GD ĐH phải cam kết giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cao hơn cho các nhà trường; nhà trường chủ động đổi mới quản trị ĐH theo những yêu cầu, đặc điểm riêng của mình” – PGS Trần Ngọc Giao cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.