Những tình huống như trên mặc dù đều được đề cập rõ trong Luật GD hiện hành, cùng với các quy định của cơ quan quản lý, nhưng tranh luận xung quanh những câu chuyện như vậy dường như chưa có hồi kết. Bà Ngô Thị Minh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) chia sẻ với Báo GD&TĐ một góc nhìn thẳng thắn về vấn đề này.
* So sánh với các trường ngoài công lập, liệu các trường công lập có đang bị bó hẹp bởi những quy định cứng nhắc trong tự chủ thu - chi? Theo bà, thực tế này có phản ánh đúng thực chất các quy định của pháp luật, nhất là những quy định về thu - chi, trong đó có những khoản thu được nhà trường đưa vào xã hội hóa như hiện nay?
Nếu so sánh đóng góp của phụ huynh vào trường tư và trường công thì rõ ràng ở trường công chưa thể có những quan điểm và cách làm thông thoáng được. Sắp tới cũng cần có sự thay đổi về cách tiếp cận khi sửa Luật GD, xem trách nhiệm của Nhà nước đến đâu trong đầu tư tài chính căn cứ trên tính toán “chi phí đơn vị” (tính suất đầu tư cho mỗi người học). Việc này cần được xác định rõ với diện học sinh học phổ cập và phổ cập bắt buộc (trách nhiệm đầu tư của Nhà nước cho mỗi người học khác biệt thế nào).
Trong trường công lập Luật có cho phép các dịch vụ tư hoạt động, đáp ứng nhu cầu khác nhau của người học hay không? Có những dịch vụ ở trường công đang mở ra, thu tiền của người học như ở các trường tư, tức là trường đó đang cung cấp các dịch vụ tư.
Tuy nhiên, cũng những dịch vụ đó, ở một số trường công lại được Nhà nước bỏ tiền chi trả cho người học. Khái niệm dịch vụ tư cần phải được Nhà nước quy định thống nhất, Nhà nước chỉ bao cấp cho nhóm người học thuộc đối tượng nào? (đầu tư tối thiểu hay tối đa cho mỗi người học để đảm bảo chất lượng đầu ra) phù hợp với từng cấp học, bậc học, đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh, của người học, sao cho vẫn đảm bảo môi trường học đường thân thiện, nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp trong mỗi nhà trường, đặc biệt ở các trường công lập là điều mà chúng ta cần xem xét thấu đáo với một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” như nước ta.
Nhiều thành viên Ủy ban chúng tôi chưa tán đồng với quan điểm phát triển dịch vụ tư trong trường công ở cấp học phổ cập. Tình trạng thương mại hóa và lợi ích nhóm trong môi trường học đường khi phát triển các loại dịch vụ tư trong trường công cũng cần được đặt ra với các cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ quản lý giáo dục trước nhu cầu đa dạng của phụ huynh hoặc của người học để phát triển dịch vụ tư tại các trường công lập, sao cho không bị lợi dụng.
Mặt khác, cũng cần xem xét, trong trường tư có hay không các dịch vụ công để người học thuộc nhóm yếu thế, HS có hoàn cảnh đặc biệt hoặc hoàn cảnh khó khăn, HS con gia đình chính sách, những đối tượng HS cần được Nhà nước quan tâm đặc biệt (Nhà nước cần chi phí tối đa trên mỗi học sinh)? Trách nhiệm của Nhà nước thế nào với người học thuộc đối tượng này cần được Nhà nước quan tâm khi trong môi trường học đường có cả dịch vụ công và dịch vụ tư cùng phát triển. Đây là những vấn đề lớn, cần được Chính phủ xem xét kỹ lưỡng
Bà Ngô Thị Minh |
*Cụ thể, cần phải tính đến những khía cạnh nào để trường công lập và trường ngoài công lập có được một sự công bằng trong cơ chế phát triển, nhằm phục vụ một mục tiêu GD chung, thưa bà?
Tới đây tiến hành phổ cập THCS theo Nghị quyết 29 (sau năm 2020 phải thực hiện phổ cập GD bắt buộc 9 năm), nếu Nhà nước chỉ đầu tư cho các trường công lập, HS, GV sẽ tiếp tục “đua nhau” vào trường công lập để hưởng chính sách, hưởng chế độ đầu tư của Nhà nước. Như vậy, công tác phổ cập sẽ tiếp tục gặp khó khăn (trường, lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, ngân sách Nhà nước của các trường công lập sẽ không thể đáp ứng, quá tải). Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện và phải có lộ trình để các trường tư chất lượng cao phát triển, gánh đỡ thêm trách nhiệm cùng các trường công.
“Cần xem thêm về cách tiếp cận Luật GD (sửa đổi), quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của nhà nước trong việc hỗ trợ đất đai hoặc tín dụng cho các trường tư và hỗ trợ cho người học ở các trường tư diện phổ cập giáo dục, nhằm thúc đẩy các trường tư chất lượng cao phát triển, chia sẻ gánh nặng với nhà nước (thay bằng việc nhà nước phải xây thêm trường, lo đủ chỗ học theo chuẩn chất lượng đầu ra cho người học diện phổ cập) để có thể kéo giãn số giáo viên giảng dạy và số HS diện phổ cập ra các trường tư chất lượng cao, dành kinh phí để đầu tư cho người học diện phổ cập ở trường công tại các vùng miền khó khăn và người học thuộc nhóm yếu thế? Những điều này cần phải được Chính phủ tính đến khi sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục”.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Đồng thời, cần có quy định rõ ràng trong Luật GD để đảm bảo quyền lợi cho GV dạy trường tư, chỉ khác biệt là ở trường tư nhà đầu tư tự trả lương, trả chế độ cho GV còn ở trường công Nhà nước sẽ trả lương, trả chế độ cho GV mà thôi (mọi chính sách lương, phụ cấp, khen thưởng, chế độ cho GV tối thiểu cũng phải bằng trường công). Khi đó, GV sẽ xin ra giảng dạy ở trường tư nhiều hơn, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng giáo dục thay bằng việc cứ cố gắng chạy đua vào trường công (để hưởng chế độ, chính sách) như hiện nay.
Vì vậy, Chính phủ cần xem thêm về cách tiếp cận Luật GD (sửa đổi), quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ đất đai hoặc tín dụng cho các trường tư và hỗ trợ cho người học ở các trường tư diện phổ cập giáo dục, nhằm thúc đẩy các trường tư chất lượng cao phát triển, chia sẻ gánh nặng với Nhà nước (thay bằng việc Nhà nước phải xây thêm trường, lo đủ chỗ học theo chuẩn chất lượng đầu ra cho người học diện phổ cập) để có thể kéo dãn số giáo viên giảng dạy và số HS diện phổ cập ra các trường tư chất lượng cao, dành kinh phí để đầu tư cho người học diện phổ cập ở trường công tại các vùng miền khó khăn và người học thuộc nhóm yếu thế? Những điều này cần phải được Chính phủ tính đến khi sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục.
Trong giai đoạn vừa qua, từ việc đầu tư tài chính cho trường công, trường tư trong hoạt động GD còn nhiều điểm bất hợp lý và cứng nhắc. Chính phủ đang có đề xuất với Quốc hội để đầu tư, hỗ trợ các trường tư phát triển và hỗ trợ cho người học ở các trường tư thuộc diện vừa nêu. Tuy nhiên, cũng cần có lộ trình thực hiện phù hợp.
Khi giải quyết thấu đáo các vấn đề vừa nêu, hy vọng sẽ khắc phục căn bản tình trạng lạm thu trong mỗi nhà trường hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục. GV dạy một lớp 30 - 40 HS, chất lượng giáo dục sẽ khác với dạy một lớp 50 - 60 HS. Thực trạng hiện nay, nhiều trường công, lớp học có sĩ số học sinh lên tới 50 - 60 em tiểu học, GV dạy rất mệt mỏi, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu không xã hội hóa thì cũng không thể có thêm nguồn lực để phát triển trường công được.
|
*Thực tiễn GD dường như đang đi trước một số quy định của ngành GD và của Luật GD. Vậy phải làm sao để những quy định, quy chế, Luật GD phù hợp với thực tiễn GD đang diễn ra rất nhanh chóng và đa dạng, thậm chí rất phức tạp, thưa bà?
Trước hết, cần phải rà soát các quy định về “chuẩn” liên quan đến chất lượng GD và việc thực hiện theo các “chuẩn” đó như thế nào, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở GD, của Chính quyền các địa phương khi không thực hiện theo các “chuẩn” này. Ví dụ, quy định trường chuẩn ở tiểu học là 35 HS/lớp, nhưng các trường vẫn tuyển 45 - 50 HS/lớp, thậm chí sĩ số còn cao hơn nữa ở một số trường.
Muốn thực hiện được việc điều hòa sĩ số học sinh, đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương phải xây dựng rõ cơ chế xã hội hóa phù hợp để các địa phương có căn cứ huy động và đầu tư để phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao ở những nơi có điều kiện thuận lợi, đặc biệt ở một số khu vực tăng dân số cơ học, khu đô thị mới, chung cư mới xây dựng, không đủ chỗ học cho con em…
Cần có lộ trình để các trường tư giãn bớt HS cho trường công. (ảnh: An Nhiên) |
Kể cả quy định “chuẩn” về số mét vuông/học sinh (HS/m2) trong mỗi nhà trường đều đã có văn bản chỉ đạo cụ thể nhưng trên thực tế nhiều trường (kể cả trường tư và trường công) không thực hiện hoặc không có cơ chế để thực hiện hoặc cố tình không thực hiện… trong khi người đứng đầu chính quyền các địa phương và các trường công hoặc chủ đầu tư của các trường tư không ai phải chịu trách nhiệm gì và chưa có giải pháp gì để tháo gỡ vấn đề này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người học và người dạy.
Tất cả những vấn đề khúc mắc trong chính sách xã hội hóa để phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao, bám sát các “chuẩn” theo chất lượng giáo dục đặt ra cho cả trường tư, trường công, sao cho minh bạch, rõ ràng là những điều cần được xem xét khi sửa đổi Luật Giáo dục sắp tới.
Hy vọng sẽ được nhân dân đóng góp nhiều ý kiến cho Ban soạn thảo, cho cơ quan thẩm tra để hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua, thể hiện rõ quyền được học tập, làm việc trong môi trường an toàn, thân thiện, phù hợp cho HS, giáo viên và rõ trách nhiệm của chính quyền, của người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải bám sát các “chuẩn” về chất lượng giáo dục đặt ra…
*Trân trọng cảm ơn trao đổi của bà!