Cần giải pháp mạnh mẽ để phát triển đội ngũ tri thức

GD&TĐ - Ngày 24/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã chủ trì cuộc làm việc giữa hai Bộ về phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Tuy ít nhưng chất lượng cao

Báo cáo được GS.TS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ GD&ĐT trình bày tại cuộc làm việc cho biết: Hiện cả nước có 242 trường đại học, học viện (176 cơ sở công lập và 66 ngoài công lập), với tổng số giảng viên cơ hữu là 76.576 người (58.338 giảng viên công lập và 18.238 ngoài công lập).

Trong đó có 578 giáo sư (GS) (443 GS tại các cơ sở công lập và 135 GS ngoài công lập); 4.635 phó giáo sư (PGS) (3.933 GS tại các cơ sở công lập và 702 ngoài công lập). Giảng viên có trình độ cao từ tiến sĩ (TS) trở lên hiện có 23.956 người, tập trung chủ yếu ở Hà Nội (66%), TP Hồ Chí Minh (20%) và các tỉnh, thành còn lại (14%).

So với năm học 2014 - 2015, năm học 2019-2020 số lượng giảng viên đại học (GVĐH) tăng cả về số lượng (tăng 10%) và chất lượng (TS tăng 11,7% đạt 31,3% giảng viên cơ hữu). Cơ cấu giảng viên có trình độ TS trong toàn hệ thống hiện vẫn còn thấp, đặc biệt là các trường đại học địa phương.

Về nhân lực, 36 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT hiện có hơn 25.000 giảng viên, chiếm 34,1% giảng viên toàn hệ thống. Số nhân lực trình độ cao, gồm 184 GS, 1.947 PGS, 5.557 TS, 12.688 thạc sĩ và 3.521 nghiên cứu sinh. Có thể nói, các đơn vị trực thuộc Bộ tuy ít nhưng chất lượng rất cao, là đầu tầu trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước.

Động viên, khích lệ tri thức cống hiến

Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách phát triển đối với đội ngũ trí thức đã có những bước phát triển và đạt hiệu quả đáng kể. Các quy định pháp luật đã thể chế hóa mục tiêu, quan điểm của Đảng, tạo lập khung pháp lý về chính sách đối với sự phát triển của đội ngũ trí thức.

Cùng với những quy định chung, đã có những quy định đặc thù thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức, vừa động viên, khuyến khích lao động, sáng tạo, vừa khai thác, sử dụng hiệu quả hơn năng lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức.

Bộ GD&ĐT đã đề xuất, triển khai thực hiện một số chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, như: Kiến nghị Nhà nước cải tiến chế độ tiền lương, chi trả phụ cấp thâm niên, có hệ số đứng lớp cho nhà giáo; trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc ưu đãi, trả lương cao cho những trí thức có trình độ chuyên môn cao, có thành tích xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH).

Các trường đại học đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên.
Các trường đại học đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên.

Bộ cũng đề nghị bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục; quy định rõ ràng về chế độ làm việc của giảng viên đại học khi thực hiện các hoạt động KH&CN; tổ chức xét tặng các giải thưởng về KH&CN cho các giảng viên đại học có thành tích xuất sắc.  

Chung tay tháo gỡ tồn tại

Các ý kiến trao đổi cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế trong phát triển đội ngũ tri thức đối với nhóm giảng viên, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (về số lượng, chất lượng, cơ cấu vùng miền, giới, độ tuổi, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên,...). Cơ cấu đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi; số lượng giảng viên và cán bộ quản lý (GVCBQL) có chức danh GS và PGS công tác tại các cơ sở giáo dục đại học cũng còn thấp.

Các ý kiến tham luận của đại diện hai bên đều thống nhất rằng, phát triển đội ngũ trí thức cần có chính sách đầu tư rõ ràng, với một số mô hình mới tạo ra sự đột phá. Chiến lược giai đoạn tới phải gắn kết với các nhà khoa học đầu ngành, các nhóm nghiên cứu mạnh ngang tầm khu vực và thế giới, trường đại học phải có đổi mới để phát triển đội ngũ này.

Thực tế cho thấy, năng lực NCKH của GVCBQL còn thấp,  công trình nghiên cứu vẫn còn khiêm tốn về số lượng và chất lượng,  cần được cải thiện thêm. Trên phương diện hội nhập quốc tế về NCKH, số lượng các công bố trên các tạp chí, ấn phẩm khoa học có uy tín đã tăng mạnh những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhiều giảng viên trẻ trưởng thành từ phong trào nghiên cứu khoa học.
Nhiều giảng viên trẻ trưởng thành từ phong trào nghiên cứu khoa học.

Công bố quốc tế giữa các chuyên ngành không đồng đều, lĩnh vực khoa học xã hội có rất ít công bố có chất lượng. Hoạt động sở hữu trí tuệ còn hạn chế, sản phẩm KH&CN được chuyển giao vào thực tiễn còn ít, chưa có nhiều sản phẩm quốc gia, vì vậy đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chưa thật sự rõ nét.

Để phát triển đội ngũ trí thức nói chung và trí thức trong trường đại học nói riêng, “cần cơ chế để động viên khích lệ kịp thời, có chính sách thu hút nhân tài. KH&CN, trí tuệ và con người cần có sự đột phá hướng đến tương lai, muốn vậy cần có giải pháp, hiến kế để ban hành chính sách thực hiện. Nguồn lực giới hạn, đây là điều chúng ta cần suy nghĩ tính toán để tạo đột phá. Cần phải có những giải pháp phát triển, tạo dựng tinh hoa đầu ngành là người có trình độ, có khả năng dẫn dắt những người xung quanh đi theo mình”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

"Bộ GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh. Các nhà khoa học được quyền chủ động thiết lập và mở rộng mọi hình thức liên doanh, liên kết để ứng dụng thành tựu khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; được hưởng thụ thích đáng từ các hợp đồng nghiên cứu, triển khai hoặc áp dụng thành công các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Bộ cũng chủ trương đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, tăng đầu tư và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động NCKH và phát triển công nghệ, đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy việc xây dựng văn hóa trong nghiên cứu và công bố kết quả NCKH theo chuẩn mực quốc tế" - GS.TS Tạ Ngọc Đôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.