Cần đưa sản phẩm nông nghiệp vào diện bình ổn giá

Cần đưa sản phẩm nông nghiệp vào diện bình ổn giá

(GD&TD)-Sáng 18/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cần đưa các mặt hàng nông nghiệp vào diện bình ổn giá (ảnh MH)
Cần đưa các mặt hàng nông nghiệp vào diện bình ổn giá (ảnh MH)

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng, dự án Luật Giá cần nhấn mạnh đến vai trò, sự can thiệp điều tiết giá cả của cơ quan quản lý Nhà nước và cần thành lập quỹ bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng: Giá cả thị trường chịu 3 tác động từ sự đầu cơ, can thiệp không phù hợp của Nhà nước trong một số trường hợp, phân phối tắc nghẽn.

Để dự án Luật đi vào cuộc sống, đại biểu cho rằng cần làm rõ vai trò của cơ quan quản lý giá của Nhà nước, khi nào cần can thiệp và can thiệp bằng cách nào để chống sự độc quyền, đầu cơ, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các nhà sản xuất nước ngoài, làm giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, sữa…

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh: Dự án Luật giá nên quy định theo hướng Nhà nước chỉ điều chỉnh, can thiệp giá cả khi giá cả thị trường biến động lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Cơ quan quản lý giá của Nhà nước không phải định giá hết tất cả các mặt hàng mà chỉ định giá một số mặt hàng thiết yếu đối với đời sống của người dân.

Theo đại biểu Thân Đức Nam, thời gian qua, chúng ta chưa làm tốt  bình ổn giá vì chưa kiểm soát tốt xuất nhập khẩu, chưa có kênh phân phối tốt nên đã gây nên sự chênh lệch giá quá cao từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, như thịt lợn có thời điểm có nơi chênh nhau lên tới 40.000 đồng/kg, khiến đời sống của nhiều bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, dự án Luật Giá cần quy định những nội dung cụ thể đối với bình ổn giá trên thị trường.

“Chưa làm tốt kênh phân phối là tác nhân làm cho giá từ người sản xuất đến người tiêu dùng quá cao. Ở Hà Nội có thời điểm 1kg thịt lợn từ sản xuất đến bán lẻ tăng tới hơn 40.000 đồng, tức tăng đến 50% giá bán. Đây là điều bất hợp lý và khó có thể chấp nhận chi phí trung gian quá lớn”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nói.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) cho rằng, nếu thực hiện tốt bình ổn giá sẽ đảm bảo nguồn cung- cầu hàng hóa trên thị trường, tránh khan hiếm giả tạo và góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần phải đảm bảo lợi ích bình ổn giá giữa các vùng, miền, đối tượng thu nhập thấp được mua sản phẩm hàng hóa với giá bình ổn.

Để thực hiện tốt chính sách bình ổn giá, Nhà nước và các địa phương cần có quỹ bình ổn giá như đối với mặt hàng xăng, dầu và thường xuyên có những đợt kiểm tra định kỳ khi thay đổi giá một mặt hàng có ảnh hưởng đến kinh tế quốc dân như xăng, dầu, điện…

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) đề xuất: Trong dự án Luật cần thêm điều khoản cụ thể về thành lập quỹ bình ổn giá. Quỹ bình ổn này cần phải hướng tới số đông người dân được thụ hưởng giá và có sự kiểm soát giá cả hàng hóa ở các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị: Nhằm phát huy chính sách bình ổn giá của Chính phủ, các địa phương cần tăng cường kiểm tra sự niêm yết giá tại các siêu thị, và thường xuyên kiểm tra việc nộp thuế của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng chia sẻ, lạm phát tăng cao vừa qua có nguyên nhân từ chính sách tài khóa, tiền tệ  nhưng quan trọng là do quản lý chưa tốt, nhất là về cung – cầu. “Thời gian qua cung hàng hóa có tăng nhưng tại sao giá vẫn tăng? Việt Nam có thế mạnh về lương thực, thực phẩm nhưng tại sao so với các nước tốc độ tăng giá vẫn tăng gấp 3 lần các nước trong khu vực. Yếu tố tăng giá cần phải được xem xét, làm rõ và thể hiện cụ thể hơn trong dự luật”.

Cũng trong sáng nay, danh sách các Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội vào cuối tuần sau đã được “chốt” và gửi đến các vị đại biểu.

Với 220/257 phiếu xin ý kiến nhất trí với dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng là ý kiến đã được thống nhất với Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng 4 vị bộ trưởng sẽ đăng đàn trong hai ngày 23 và 24/11.

Phần lớn thời gian của sáng ngày 25/11 sẽ được dành cho người đứng đầu Chính phủ.

Như vậy, sẽ có tới 4 thành viên Chính phủ lần đầu xuất hiện ở vị trí của người trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.