Làm cách nào để sinh viên gắn bó với khoa học là trăn trở của nhiều nhà quản lý trường đại học, các giảng viên trực tiếp giảng dạy.
Rụt rè, sợ nghiên cứu khoa học
TS Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT cho rằng: Các trường cần đồng hành, hỗ trợ để sinh viên làm quen với tư duy NCKH. Từ làm quen đến hiểu sâu về một vấn đề nào đó, sau đó tìm ra hướng phát triển mở rộng, chứ không nhất thiết phải cho ra sản phẩm ứng dụng ngay. Việc các sinh viên nghiên cứu có ứng dụng ngay được hay không chưa phải là điều quan trọng, mà là tích lũy được gì để phục vụ việc học và nâng cao kiến thức sau này. Chúng ta đừng đòi hỏi các em phải nghiên cứu và ứng dụng được ngay, khoa học phải đi từ những điều đơn giản nhất.
Theo TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, sinh viên ngày nay không thiếu năng lực và cũng đầy hoài bão cống hiến. Nhưng vì sao tình trạng giới trẻ ngại nghiên cứu khoa học (NCKH) còn khá phổ biến. Điều này có thể hiểu là các em cho dù có thừa năng lực, nhưng lại thiếu tự tin.
Để khắc phục rất cần sự đồng hành của các giảng viên. Thầy cô phải giúp học trò hiểu được NCKH cũng như việc học tập hằng ngày. NCKH phải thường xuyên và liên tục, thầy cô nên cầm tay chỉ việc và biết cách động viên để người học tin năng lực của mình có thể thực hiện tốt các đề tài NCKH.
TS Phạm Văn Minh, Trưởng khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng buồn lòng trước tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu chưa được như kỳ vọng. Như ở khoa Điện của trường, mỗi năm thường đăng ký 50 - 60 đề tài nghiên cứu khoa học, tương đương khoảng 150 sinh viên tham gia (mỗi nhóm 3 - 4 em), trong khi sinh viên của khoa ít nhất cũng gấp 3 lần số đó.
“Chúng tôi kỳ vọng khoảng một nửa tổng số sinh viên, tức khoảng 200 - 250 em tham gia nghiên cứu khoa học. Có thể nói đề tài NCKH của trường không thiếu nhưng thiếu sinh viên chấp nhận đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu”, TS Phạm Văn Minh nói.
Để sinh viên tự tin, giảng viên nên gần gũi, đưa ra lời khuyên giúp các em hiểu lợi ích của việc gắn học tập với NCKH. Đây là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Theo đó, do cách thức dạy học trong trường phổ thông nên sinh viên vẫn còn nhút nhát. Để tạo sự thoải mái, giúp các em tự tin, các giảng viên nhà trường luôn coi sinh viên như những người bạn, động viên không chỉ trong học tập mà cả tập dượt NCKH.
Đây là điều quan trọng và ý nghĩa, bởi tham gia NCKH giúp các em rèn luyện kỹ năng, chuyên môn, làm quen với sự phản biện, tiếp cận với khoa học, từ đó làm sáng tỏ những vấn đề mà mình yêu thích.
Sau nhiều năm theo dõi, ThS Ngô Phương Dung, Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch, Trường ĐH Hà Nội nhận thấy, vấn đề khiến sinh viên không mặn mà tham gia NCKH, cản trở đầu tiên chính là động lực cá nhân.
ThS Dung từng tiến hành cuộc khảo sát nhỏ với 2 nhóm đối tượng tham gia NCKH và không. Với nhóm không tham gia NCKH, các em thường đưa ra lý do như: NCKH mang tính học thuật, khô khan, xa rời thực tế; phải đọc nhiều, “chạy” nhiều dữ liệu; tự ti, cho rằng khó và bản thân thiếu kinh nghiệm, kỹ năng; theo đuổi sẽ mệt mỏi, dễ chán nản đặc biệt nếu phải làm một mình; mất thời gian. Tham gia NCKH cũng thiệt thòi hơn khi thời gian đó có thể làm thêm kiếm tiền.
Trường ĐH Hà Nội khen thưởng sinh viên đoạt giải Nhất NCKH năm 2023. Ảnh: TG |
Giải pháp tháo gỡ
Lý giải và đưa ra giải pháp tháo gỡ rào cản tâm lý này của sinh viên, PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: Chương trình phổ thông vẫn nặng về ghi chép lý thuyết, thiếu tính thực hành thực tế, thiếu điều kiện để học sinh sáng tạo.
Vì vậy, học trò thiếu cơ hội tiếp cận và kỹ năng để tham gia nghiên cứu. Chính hạn chế này dẫn đến tâm lý chung cho rằng vào đại học khó có thể làm việc lớn như NCKH được. Do đó, sinh viên cần thời gian để làm quen với nghiên cứu từ những việc rất nhỏ như làm đồ án môn học, tham gia các cuộc thi lập trình... dần hình thành thói quen để NCKH sau này.
Từ thực tế kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên NCKH, TS Nguyễn Vân Hà, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương cho rằng: Cần khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tham gia NCKH một cách bài bản và kiên trì.
Điều cần thiết đầu tiên là giúp các em hiểu lợi ích của việc này, tức là khi chúng ta làm việc nghiêm túc, cố gắng hoàn toàn có thể nghĩ tới kết quả khả quan. Trong đó, có 3 lợi ích chính khi tham gia NCKH, đó là kiến thức, kỹ năng và cơ hội sau tốt nghiệp. Khi thực hiện công trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức, hiểu biết về một lĩnh vực, chủ đề chuyên sâu cụ thể.
Còn với TS Lương Ngọc Minh, người luôn đau đáu với việc làm sao động viên sinh viên NCKH đã phải thốt lên: Các em hãy bớt “trà chanh chém gió”, dành thời gian NCKH sẽ gặt nhiều thành quả. Thời gian sẽ trôi rất nhanh nếu chỉ học 4 năm đại học và ra trường với hành trang là tấm bằng tốt nghiệp.
Nhưng nếu cùng với giảng viên NCKH, sinh viên sẽ có nhiều mối quan hệ, không những thầy cô của mình mà cả giảng viên ngoài trường, người cùng tham gia với nhóm nghiên cứu cùng với một bản hồ sơ cá nhân rất đẹp sẽ hấp dẫn nhà tuyển dụng hơn.
PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh cảm thấy vui khi nhìn thấy những tín hiệu tích cực trong Chương trình GDPT 2018, với nhiều hoạt động về STEM, các cuộc thi về khoa học kỹ thuật từ cấp trung học được tổ chức.
Theo PGS Phạm Tiết Khánh, đây là nền tảng, hành trang để các em phát triển việc nghiên cứu khi vào đại học. Như ở Trường Đại học Trà Vinh, sinh viên thường có tâm lý e ngại làm NCKH khá phổ biến.
Nhưng sau khi nắm được tâm tư tình cảm, không phải ngại khó, ngại khổ, mà các em thường nghĩ rằng khoa học là cái gì đó cao siêu, không dành cho mình. Khắc phục điều đó, các giảng viên nhà trường đã tích cực vận động trò tham gia, thể hiện tốt năng lực NCKH của mình.