Gói tín dụng dành cho phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng được triển khai từ tháng 4/2023 nhưng theo cáo báo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay mới có Ngân hàng BIDV và Agribank ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt gần 83 tỷ đồng.
Lý do chậm giải ngân, theo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước là bởi thiếu nguồn cung, các địa phương phê duyệt dự án chậm. Lý do nữa là quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, các doanh nghiệp mất nhiều thời gian để giải quyết các thủ tục pháp lý khi thực hiện.
Đặc biệt, doanh nghiệp không mặn mà tham gia các dự án thuộc gói tín dụng do bị khống chế mức lợi nhuận không quá 10%. Nếu dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ không có lãi...
Tình trạng giải ngân chậm này phản ánh đúng thực tế đang diễn ra. Đó là theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố đầu tháng 8 vừa qua, cả nước mới có 108 dự án nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng và đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng.
15/63 Sở Xây dựng đã rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục 40 dự án với tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vay vốn là hơn 18.000 tỷ đồng. 11 UBND tỉnh công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn hơn 12.000 tỷ đồng.
Ở góc nhìn khác, theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 của Bộ Xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, hiện các địa phương đã hoàn thành đầu tư xây dựng 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ, tổng diện tích sàn nhà ở là 4.815.000m2. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.
Con số này, nếu theo mục tiêu đề ra trong Đề án về phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ xây dựng khoảng 1.062.200 nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 428.000 căn hộ. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 634.200 căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp - còn khá “khiêm tốn”.
Để tăng nguồn cung - tiền đề quan trọng trong giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết đang hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội theo hướng dành đủ quỹ đất để phát triển. Có ưu đãi hấp dẫn hơn cho chủ đầu tư, đồng thời giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua nhà…
Bộ cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án và đẩy nhanh đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện và dự án đã có chủ trương đầu tư.
Các địa phương phải công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư, cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là đúng và cần thiết. Nguồn vốn để thực hiện cũng đã có. Vấn đề còn lại là khi triển khai thực hiện phải có định hướng rõ ràng, kế hoạch cụ thể và phù hợp với từng giai đoạn.