Cần điều chỉnh một số quy định về kiểm định chất lượng giáo dục

GD&TĐ - PGS.TS Phạm Thị Hương, Trường ĐHSP TP.HCM chia sẻ những nội dung liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục và đưa giải pháp cho vấn đề này.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Đến thời điểm cần điều chỉnh

Thời điểm này, cơ bản chúng ta đã qua một chu kỳ kiểm định và bắt đầu một chu kỳ mới. Nhìn lại chu kỳ vừa qua, PGS.TS Phạm Thị Hương, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận định: Yêu cầu từ chính sách các chế tài của cơ quan quản lý Nhà nước đã có tác dụng thúc đẩy các hoạt động đánh giá và kiểm định, đặc biệt liên quan đến vấn đề tuyển sinh và mở ngành đào tạo. Do đó, hầu hết các cơ sở giáo dục đều đáp ứng các quy định này.

Tuy nhiên, khó khăn từ phía các cơ sở giáo dục cũng có không ít. Đó là việc thiếu đội ngũ bảo đảm chất lượng có năng lực, thiếu hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nên việc thu thập minh chứng vẫn còn khó khăn…

Từ thực tiễn trên, đưa ra những vấn đề cần điều chỉnh, PGS Phạm Thị Hương cho rằng: Trước hết, cần điều chỉnh các quy định, chính sách hiện hành cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam đã qua một chu kỳ kiểm định, cần điều chỉnh cách tiếp cận theo kiểm định, chỉ nên có hai mức độ: Đạt và không đạt.

Bộ tiêu chuẩn cũng chỉ nên xem là các tiêu chuẩn tối thiểu. Nếu đi vào chi tiết, còn khá nhiều vấn đề liên quan đến tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục.

“Với các cơ sở giáo dục chưa tự chủ, hầu như các hoạt động đều tuân thủ quy định của Nhà nước. Trong khi đó, họ cũng phải xây dựng sứ mạng, tầm nhìn cho đơn vị. Nên trong thực tế có mức độ vênh rất lớn giữa việc đạt được sứ mạng, tầm nhìn và đạt kết quả kiểm định. Đây mới chỉ là một ví dụ nhỏ.

Ngoài ra, hiện vai trò của trung tâm kiểm định ở chừng mực nào đó còn trùng lắp với thanh tra (nhưng không chi tiết như thanh tra), lại có thẩm quyền quyết định một cơ sở giáo dục có được chứng nhận đạt kiểm định, mà ít có minh chứng cho thấy họ đạt được sứ mạng, tầm nhìn của mình”, PGS.TS Phạm Thị Hương chia sẻ.

Từ đó, PGS.TS Phạm Thị Hương cho rằng, trước mắt cần giám sát hoạt động của các trung tâm kiểm định, hướng tới bảo đảm thực thi tính độc lập của các trung tâm kiểm định và Nhà nước đóng vai trò giám sát các hoạt động của các trung tâm này. Tính độc lập tương đối về tài chính giữa trung tâm kiểm định, cơ sở giáo dục và bản chất phi lợi nhuận của các trung tâm kiểm định là vấn đề cần tranh luận và có giải pháp trong tương lai.

Trường ĐHSP Hồ Chí Minh đón đoàn đánh giá ngoài Sở GD&ĐT TP HCM. Ảnh ITN.

Trường ĐHSP Hồ Chí Minh đón đoàn đánh giá ngoài Sở GD&ĐT TP HCM. Ảnh ITN.

Vai trò quan trọng nhất là cơ sở giáo dục

Đánh giá về vai trò, mối quan hệ của các bên liên quan đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục, PGS.TS Phạm Thị Hương cho rằng, đó chắc chắn là mối quan hệ tương hỗ.

Theo đó, với cơ quan quản lý nhà nước, tác động của chính sách là rất rõ ràng. Vì chính sách yêu cầu các bên liên quan thực thi. Nếu chưa đủ điều kiện chín muồi sẽ dễ dẫn đến đối phó. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào từng cơ sở giáo dục và vai trò của lãnh đạo cơ sở giáo dục là không thể phủ nhận.

Với trung tâm kiểm định, hiện nay hoạt động theo các quy định của Nhà nước và có hai nhóm trung tâm đang là thực tế của Việt Nam. Vấn đề của một nhóm là chưa độc lập về nhân sự với các trường ĐH; một nhóm là vấn đề phi lợi nhuận của hoạt động kiểm định chất lượng. Ngoài ra, còn có vấn đề chung với các trung tâm kiểm định là chất lượng các đoàn đánh giá (văn hóa đánh giá). Chất lượng của đội ngũ kiểm định viên và tính đồng nhất trong các quyết định đánh giá cũng là một vấn đề lớn.

Vai trò của cơ sở giáo dục dường như là quan trọng nhất trong những nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục. Trong bức tranh tổng thể, có những cơ sở giáo dục phát triển mạnh hơn, công tác bảo đảm chất lượng khởi sắc hơn là bởi vai trò của lãnh đạo nhà trường.

PGS.TS Phạm Thị Hương đồng thời cho rằng, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong gần như là vấn đề nan giải với các cơ sở giáo dục. Mức độ nhận thức về thế nào là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cũng có nhiều khác biệt, nhiều quan điểm khác nhau. Việc triển khai xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong ở các nhà trường cũng rất đa dạng. Có trường chỉ dừng lại là hệ thống các phiếu khảo sát, có trường đã sử dụng được kết quả khảo sát cải tiến các hoạt động. Nếu chỉ quan niệm như vậy là chưa đủ và chưa thể gọi là hệ thống.

Từ đó, theo PGS.TS Phạm Thị Hương, nên có những hướng dẫn chung và triển khai tập huấn cho đến khi có được cách hiểu tương đối nhất quán về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và nhân sự có chuyên môn thì mới nên bàn đến ban hành chính sách, vì đó là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học coi đạt kiểm định là đích đến, trong khi điều quan trọng là việc không ngừng phấn đấu để ngày càng tốt hơn sau kiểm định. Theo PGS.TS Phạm Thị Hương, đây cũng là vấn đề nên bàn ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Sẽ làm gì với các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo chưa đạt một số tiêu chí, tiêu chuẩn (đã được cấp giấy và chưa cấp giấy chứng nhận)? Việc này liên quan đến một vấn đề đã nêu ở trên, là có nên điều chỉnh quy định bộ tiêu chí là các tiêu chuẩn tối thiểu (cần đạt hết mới được chứng nhận) hay không? Có nên đưa ra các quy định cho phép “treo” kiểm định, là động lực để các cơ sở giáo dục chuyển biến và cải tiến chất lượng cho đến khi đạt “tâm phục khẩu phục” tất cả các tiêu chí? Đưa các câu hỏi này, nhưng PGS.TS Phạm Thị Hương cũng khẳng định: Chất lượng phải là trách nhiệm của chính cơ sở giáo dục, nếu không cơ sở giáo dục đó chắc chắn sẽ bị đào thải trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Tổ chức Vinacontrol CE HCM