Cần đảm bảo liên kết bền vững, nghiên cứu thực chất

GD&TĐ - Với mục tiêu “tăng cường hợp tác địa phương, doanh nghiệp thể hiện vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục và trách nhiệm xã hội”, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) đã tích cực triển khai nhiều chương trình kết nối đến các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức nhằm mang đến những giá trị chuyển giao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên thực tế hoạt động ở đơn vị này cũng đặt ra nhiều lưu ý với mô hình hợp tác.

Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM
Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM

Hợp tác để chuyển giao khoa học công nghệ và phát triển kinh tế bền vững

Trong nhiều năm quan, ĐHQG-HCM đã nỗ lực ký kết hợp tác với một số tỉnh thuộc 4 khu vực trọng tâm Đông Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực duyên hải miền Trung; với một số đơn vị như Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Quản lý khu công nghệ cao; Đài Truyền hình TPHCM; với một số doanh nghiệp như Becamex Bình Dương, Mobifone, Tôn Hoa Sen, Viettel…

Từ những nội dung hợp tác cơ bản ban đầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các chương trình hợp tác được đề xuất ngày càng được mở rộng về nội dung và đi vào chiều sâu như xây dựng chính sách, phát triển khởi nghiệp, xây dựng thành phố thông minh, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù…

Tuy nhiên, theo báo cáo của phòng Quan hệ Đối ngoại thuộc ĐH Bách khoa TPHCM (thành viên của ĐHQG-HCM), các kết quả nghiên cứu và thực tế cho thấy có những khó khăn đến từ nhiều phía.

Đó là sự hạn chế về nhận thức, thông tin, sự thiếu hụt về niềm tin; hạn chế về nguồn lực triển khai, đặc biệt là vốn đầu tư ban đầu cho các dự án hợp tác; thiếu đồng bộ về cơ chế và quy trình trong phối hợp của các bên.

Ngoài ra, các rào cản còn đến từ khung pháp lý và các chính sách liên quan chưa đủ mạnh để tạo dựng nền tảng hợp tác.

Để vượt qua khó khăn, ĐHQG-HCM vừa tự khẳng định uy thế học thuật vừa chủ động vận động liên kết với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn đang tìm kiếm đối tác nghiên cứu và xây dựng chiến lược R&D (nghiên cứu – phát triển) đổi mới sáng tạo.

Ngoài sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, ĐHQG-HCM phải quan tâm thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, các phát minh sáng chế nhằm kết nối với các doanh nhân, tổ chức và các ngành công nghiệp.

Quá trình chuyển giao công nghệ ở các trường thành viên

Sau nhiều năm triển khai mô hình hợp tác hiệu quả, các trường thành viên của ĐHQG-HCM đều gặt hái được những thành tựu nhất định.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình liên kết, phát triển hàng chục dự án chuyển giao khoa học công nghệ tầm cỡ. Đơn cử như Dự án Đánh giá ô nhiễm BPA và phthalates tại một số nguồn thải chính trên địa bàn TPHCM – Rủi ro sức khỏe và môi trường, đề xuất giải pháp kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm do nhà trường liên kết với Sở Khoa học Công nghệ TPHCM thực hiện hay đề án Nghiên cứu điều chế kết tủa struvite từ nước tiểu làm sản phẩm phân bón, ký kết với Công ty Vietnam Brewery Co. Ltd.

Với tầm nhìn trở thành trường đại học nghiên cứu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong thời gian qua đã thúc đẩy công tác nghiên cứu theo hướng phát triển khoa học đỉnh cao và phục vụ cộng đồng.

Theo TS Ngô Thị Phương Lan, giảng viên nhà trường, qua gần 5 năm triển khai, nhà trường thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu như Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế CIS, Trung tâm Nghiên cứu Nông thôn Saemaul Undong, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia…nhằm hướng đến phục vụ các yêu cầu của địa phương một cách có hệ thống.

Theo đó, dựa trên các nhu cầu đặt hàng của địa phương hay nhận diện nhu cầu của địa phương nhà trường sẽ thành lập các nhóm nghiên cứu liên ngành trong nội bộ hoặc ngoài lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Chuyển giao khoa học công nghệ ở ĐH Thái Nguyên
Chuyển giao khoa học công nghệ ở ĐH Thái Nguyên

Nhiều dự án nghiên cứu khoa học của trường được triển khai hiệu quả theo đơn đặt hàng như: Nghiên cứu biến đổi khí hậu và chống hạn mặn; Công nhân và an sinh xã hội tại các KCN, KCX; Phát triển kinh tế-xã hội nông thôn đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới; Nghiên cứu tri thức bản địa của các tộc người Nam bộ và Nam Tây Nguyên…

Bên cạnh rất nhiều thuận lợi và thành tựu, việc hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa các trường thành viên ĐHQG-HCM với các địa phương và doanh nghiệp cũng gặp phải không ít khó khăn.

Theo báo cáo tổng kết của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (ĐH Quốc tế TPHCM), khó khăn đầu tiên là việc kết nối với doanh nghiệp và địa phương, quá trình xây dựng niềm tin giữa hai bên còn mất nhiều thời gian.

Các chủ nhiệm đề tài/dự án thành viên và thư kí đa số đều là giảng viên cơ hữu nên sau thời gian làm tham gia giảng dạy tập trung, họ chỉ có thể dành thời điểm nghỉ hè cho nghiên cứu chuyển giao, trong khi yêu cầu của doanh nghiệp là rất khẩn trương. Chính vì vậy, nhiều hoạt động nghiên cứu chỉ mang tính hình thức, nhiều sản phẩm khoa học không có giá trị ứng dụng thực tiễn.

Đại diện phòng Quan hệ Đối ngoại của Trường ĐH Bách khoa cho biết thêm: “Nhiều sản phẩm nghiên cứu chưa gắn liền với ứng dụng thực tiễn do phần lớn các đại học và các nhà khoa học chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học theo đặt hàng ở giai đoạn nghiên cứu cơ bản vì không có rủi ro”.

Phải đảm bảo liên kết bền vững và nghiên cứu thực chất

Để duy trì công tác hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ một cách hiệu quả, đòi hỏi ĐHQG-HCM phải xây dựng được những mô hình liên kết bền vững, bên cạnh việc xác định tầm nhìn và hướng đi đúng đắn.

PGS-TS Huỳnh Quyền cho rằng: “Trên thế giới, mô hình hợp tác đưa khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế được triển khai dưới dạng 2 mô hình cơ bản, thứ nhất là mô hình hợp tác “3 chủ thể”, đó là Đại học- Địa phương và Doanh nghiệp. Song song với mô hình này, tồn tại một mô hình “4 chủ thể” Đại học - Địa phương - Doanh nghiệp và Người dân (xã hội).

Mô hình hợp tác thứ hai có thể cho thấy tính bền vững và vai trò của từng chủ thể trong một hoạt động hợp tác đưa khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế”.

 Khi địa phương và ĐH ký kết “hợp đồng đặt hàng”, vai trò của doanh nghiệp thụ động và mờ nhạt. Chính quyền địa phương được hiểu như là một nhà đầu tư.

Với cách thức này, các lĩnh vực được đặt hàng sẽ tập trung vào cải thiện chất lượng dịch vụ công và xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra phù hợp với giới hạn về nguồn lực của địa phương. Mô hình hợp tác “hợp đồng đặt hàng” chỉ thực hiện các nhiệm vụ có tính ngắn hạn, cấp bách.

Mô hình hợp tác “đối tác” giữa các bên đem lại hiệu quả sâu rộng hơn. Trong trường hợp phải xử lý những vấn đề phức tạp, mang tính chiến lược, lâu dài thì mô hình hợp tác này sẽ được triển khai. Vì có thêm sự tham gia mạnh mẽ của bên thứ ba là doanh nghiệp và thậm chí sẽ có một số bên thứ tư khác trong từng bối cảnh cụ thể nên khả năng giám sát và hiệu quả thực tiễn cao hơn.

Mô hình này xuất hiện hình thức hợp tác cao cấp hơn như trao đổi chuyên gia, chia sẻ tri thức, công nghệ; cùng đầu tư hình thành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xã hội…

Cũng theo PGS-TS Huỳnh Quyền, khi xây dựng mô hình hợp tác, các bên phải xác định rõ vai trò và động lực hợp tác.

Về phía các trường đại học, trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi tổ chức và các họat động quản trị đại học hướng tới mục tiêu phục vụ cộng đồng, đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong đó có nhu cầu của địa phương của doanh nghiệp.

Quan trọng, trường ĐH phải từ bỏ cơ chế xin cho, cửa quyền, cần xem doanh nghiệp thực sự là khách hàng, là một chủ thể hợp tác.

Trong xu hướng sắp tới, các trường ĐH không thể nào nâng cao chất lượng và cải thiện vị thế khi còn thờ ơ với việc hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ.

Hoạt động này là phương thức huy động các nguồn lực phục vụ cho quá trình nghiên cứu và tăng cường năng lực cho đội ngũ khoa học của nhà trường. Các công trình nghiên cứu được thương mại hóa sẽ có cơ sở để đối chiếu, kiểm nghiệm tính ứng dụng nên nghiên cứu phải đảm bảo thực chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.