ĐHQG-HCM liên tục tăng hạng trong nhiều năm qua, từ năm 2013 đến nay tăng 159 hạng và đứng số 1 tại Việt Nam ở hai tiêu chí quan trọng là Danh tiếng học thuật và Danh tiếng với nhà tuyển dụng.
Trong Top 10 ĐH dẫn đầu châu Á, có 2 ĐH của Singapore, 3 ĐH của Hong Kong, 3 ĐH của Trung Quốc và 1 ĐH của Hàn Quốc. Năm 2017, Nanyang Technological University (NTU) tăng 2 bậc, chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng này. Lần đầu tiên trong 3 năm, National University of Singapore (NUS) rơi xuống vị trí số 2. Việt Nam có 5 đơn vị lọt vào top 400 trường ĐH mạnh nhất châu Á, gồm: ĐHQG Hà Nội (ĐHQG-HN) thứ hạng 139, ĐHQG-HCM thứ hạng 142, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thứ hạng 291-300, ĐH Cần Thơ thứ hạng 301-350, ĐH Huế thứ hạng 351-400.
Một số trường thành viên ĐHQG-HCM nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng |
Cũng theo bảng xếp hạng này, ĐHQG-HCM có điểm Khảo sát ý kiến đồng nghiệp về danh tiếng học thuật (58.3%); Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (47.8%), đây là 2 tiêu chí chiếm trọng số cao nhất (50%) trong 10 tiêu chí xếp hạng ĐH của QS. So với 5 trường ĐH hàng đầu của Việt Nam được QS Asia xếp hạng, ĐHQG-HCM đứng đầu với 3 tiêu chí: danh tiếng học thuật, uy tín đối với nhà tuyển dụng và số lượng sinh viên quốc tế.
Đây là thành công bước đầu của ĐHQG-HCM khi chính thức tham gia “sân chơi tri thức” toàn cầu, khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM trong khu vực và trên thế giới.
Với vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, ĐHQG-HCM xác định trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020: “Chất lượng giáo dục ĐH là ưu tiên hàng đầu và được lồng ghép xuyên suốt trong mọi hoạt động của ĐHQG-HCM”. ĐHQG-HCM coi vấn đề cải tiến liên tục là nhiệm vụ trọng tâm của tất cả hoạt động nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.