Cần cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Trước thềm năm học 2023 - 2024, các địa phương đang tăng tốc chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Dự kiến nhiều trường, phòng học mới được đưa vào sử dụng, thế nhưng áp lực chỗ học vẫn chưa giảm nhiệt, nhất là ở đô thị lớn.

Năm học tới, TPHCM dự kiến đưa vào sử dụng 48 dự án với 672 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 371 phòng). Tuy nhiên, giai đoạn 2023 - 2025, ước tính toàn thành phố phải bổ sung thêm 8.889 phòng học. Ở Đồng Nai, dù tăng tốc đầu tư trường lớp nhưng chỉ riêng TP Biên Hòa vẫn thiếu hơn 1.200 phòng học mới cho giai đoạn 2022 - 2025.

Để bảo đảm chỗ học cho học sinh, bên cạnh đầu tư xây dựng thêm trường, phòng học mới, nâng số tầng, các địa phương còn linh động nhiều giải pháp như: Mượn phòng; tăng sĩ số/lớp, giảm học bán trú, 2 buổi/ngày; thực hiện mô hình lớp học “chạy”; Tăng cường huy động nguồn lực xã hội để phát triển thêm mạng lưới trường tư thục…

Nguyên nhân lớn nhất tạo ra áp lực thiếu trường lớp là tình trạng tăng dân cơ học, kéo theo tăng học sinh hằng năm, trong khi đó công tác quy hoạch, đầu tư trường lớp không theo kịp. Tại Hà Nội, năm học 2023 - 2024 có trên 188 nghìn học sinh vào lớp 6, tăng hơn 38 nghìn em so với năm học trước; lớp 1 tăng khoảng trên 11 nghìn em.

Tại TPHCM tình hình tiếp tục phức tạp khi tổng số học sinh từ mầm non tới THPT vào năm học tới đạt mốc mới là hơn 1,7 triệu, tăng trên 35 nghìn học sinh. Tỉnh Đồng Nai cũng căng thẳng các giải pháp để việc học ca ba không trở lại. Dự báo đến năm học 2024 - 2025, thành phố Biên Hòa tăng thêm khoảng 103 nghìn học sinh và đến năm 2029 - 2030 là 146 nghìn em.

Học sinh tăng, điệp khúc thiếu quỹ đất xây trường diễn ra nhiều nơi. Nhiều khu đô thị tiếp tục xây mới nhưng không quy hoạch đất cho giáo dục, hoặc có nhưng không thể xây trường.

Trong khi đó, khối ngoài công lập chỉ có số ít trường ổn định và xây dựng kiên cố cơ sở vật chất, số còn lại đi thuê mượn. Đa số người dân không đủ điều kiện chi phí cho con theo học khối tư thục. Áp lực càng đè nặng lên hệ thống trường công, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Sẽ rất khó giải quyết dứt điểm bài toán thiếu trường lớp nếu những giải pháp của các địa phương chỉ là linh hoạt khắc phục, đáp ứng tình thế trước mắt. Câu chuyện trường lớp cần nhiều giải pháp, trong đó công tác dự báo và quy hoạch đất cho giáo dục phải đi trước một bước; ngân sách chi cho giáo dục phải tăng hơn đối với các điểm nóng; khu đô thị mới cần có quỹ đất để giao cho UBND quận, huyện làm chủ đầu tư xây dựng trường học. Đặc biệt, cần có cơ chế đặc thù, ưu đãi về đất, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa…

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM. Theo đó, thành phố được phép đầu tư theo phương thức công tư (PPP) với các dự án thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, trong đó quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.

Đây được kỳ vọng là giải pháp có ý nghĩa thiết thực để thành phố giảm nhiệt áp lực trường lớp trong thời gian tới. Hy vọng thực tiễn mô hình đặc thù đối với xây dựng trường lớp ở TPHCM theo Nghị quyết 98 tới đây sẽ cho nhiều kinh nghiệm quý để triển khai với các điểm nóng trường lớp khác trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.