TP.Hồ Chí Minh: Nỗi lo thiếu trường lớp

TP.Hồ Chí Minh: Nỗi lo thiếu trường lớp

(GD&TĐ) - Cách nay 10 năm, nhân “Năm GD của TP. HCM – 1999”, toàn ngành GD & ĐT TP. HCM đã xây mới gần 1900 phòng học riêng cho năm 1999 này. Sau đó, bình quân mỗi năm xây mới trên dưới 1000 phòng. Thế nhưng đến đầu năm học (NH) 2009 – 2010, người dân TP. HCM đã “hoảng hốt”, vì quận - huyện nào cũng “than trời” chuyện thiếu trường lớp …!

Báo cáo tại Hội nghị mới đây do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP. HCM tổ chức về công tác chuẩn bị cho NH mới 2009-2010, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD & ĐT TP. HCM cho biết: Thách thức lớn nhất của ngành GD TP hiện nay là tình trạng trường lớp phát triển không kịp tốc độ gia tăng trẻ trong độ tuổi đến trường (từ mầm non đến THPT). Mười năm qua, bình quân mỗi năm TP.HCM xây mới 1500-1.900 phòng học. Năm 2008 chỉ có thêm 800 và năm 2009 chỉ thêm 607 phòng học mới (chủ yếu dạng kiên cố – lầu hóa)…

Giám đốc Huỳnh Công Minh cũng khẳng định: Thiếu trường lớp không phải hoàn toàn do ngân sách TP. HCM không đáp ứng được kịp thời nhu cầu về vốn. Vấn đề chính là ở các quận trung tâm – quận nội thành lâu đời, quỹ đất dành cho xây mới trường học (kể cả mở rộng mặt bằng để cải tạo các trường học cũ chật chội xuống cấp) hầu như không còn. Nếu cần thiết giải phóng mở rộng mặt bằng thì số tiền đền bù quá lớn. Bên cạnh đó, áp lực cực lớn do tình trạng dân ngoại tỉnh nhập cư “ồ ạt” đổ về TP. HCM, cũng khiến cho hiện tượng thiếu trường lớp càng trở nên căng thẳng. Điều cuối cùng là các dự án xây dựng trường học (và các công trình xây dựng khác nói chung) ở TP. HCM, thường bị chậm trễ kéo dài do thủ tục quá rườm rà, do năng lực của các đơn vị thi công yếu kém…

HS Trường Ngô Thì Nhiệm (TP.HCM)
HS Trường Ngô Thì Nhiệm (TP.HCM)

Theo thống kê chưa đầy đủ, vài năm gần đây bình quân mỗi năm toàn TP. HCM tăng thêm 50.000 60.000 học sinh (HS) các bậc học và hơn một nửa trong số này là HS nhập cư. Riêng số trẻ nhập học lớp 1 NH mới 2009 – 2010 tăng hơn 20.000 cháu so với NH vừa qua. Để đáp ứng đủ chỗ cho 50.000 60.000 số HS tăng thêm “khủng khiếp” này, cần phải xây gấp 1.250 1.500 phòng học mới (bình quân 40 HS/1 lớp). Nếu lấy mẫu thiết kế phòng học cao tầng do Bộ GD & ĐT đưa ra, bình quân mỗi phòng học (và cả bàn, ghế, bảng, đèn, quạt…) phải được đầu tư ít nhất 200 triệu đồng, thì ngân sách TP. HCM phải dành ra mỗi năm từ 80.000 đến 100.000 tỷ đồng!. Chưa tính tiền đền bù giải tỏa mặt bằng, chưa tính tiền xây dựng các phòng chức năng… Chắc chắn ngân sách TP.HCM không thể nào đáp ứng nổi các khoản đầu tư quá lớn này.

Do thiếu nghiêm trọng phòng học, hầu hết các trường học ở TP. HCM NH 2009 – 2010 đều phải dồn sĩ số lớp đến “ngộp thở”. Bình quân bậc mầm non trên 35 HS/1 lớp. Nhiều trường tiểu học (nhất là lớp 1) sĩ số lớp lên tới 48 em – thậm chí 50 HS/ 1 lớp – vượt xa quy định của Bộ GD & ĐT là tối đa 1 lớp 35 em. Điều này dẫn đến hàng loạt hậu quả. Rõ nhất là quy mô các trường bị phá vỡ. Nhiều trường chỉ đủ sức chứa khoảng 1.000 HS, đã phải tăng số HS lên 1.400 1.500. HS không còn được học 2 buổi chính khóa/ ngày/tuần. Các lớp bán trú bị bãi bỏ. Các phòng bộ môn, phòng chức năng (kể cả phòng họp, phòng ăn) cũng buộc phải trưng dụng làm phòng học…

Trong nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học thì giải pháp mở rộng mô hình học chính khóa 2 buổi/ ngày có bán trú là có hiệu quả thấy rõ. Bên cạnh đó là giải pháp mở rộng thực hành, thí nghiệm, giúp HS hứng thú học tập, rèn kỹ năng sống cho các em, tránh bệnh “đọc – chép” hết sức lạc hậu…., đối với nhiều trường học ở TP. HCM đã những giải pháp quá “xa vời”.

Bà Vi Thị Minh Loan – quyền Trưởng phòng GD & ĐT quận 9 lo lắng: Số HS của quận đầu NH mới đã tăng thêm khoảng 2.000 em. Trong lúc đó nhiều trường học cũ của quận đã xuống cấp, nên chúng tôi phải tận dụng cả nhà thiếu nhi quận, nhà văn hóa phường để dạy nhờ – học ké…

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 2, ông Nguyễn Ngọc Vân nêu rõ: Hiện tượng dân nhập cư tăng mạnh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh là không tránh khỏi. Dân muốn ở đâu, con em họ muốn đi học ở đâu là quyền của họ. Chính quyền không thể biết trước họ sẽ đi đâu? Do đó hiện tượng HS nhập cư tăng là rất khó lường trước, tuy nhiên phải thừa nhận là các cơ quan chức năng đã làm công tác dự báo kém…

Trưởng phòng GD & ĐT quận Bình Tân cũng đồng tình với nhận định này và nói thêm: Số liệu dân số do UBND các phường trong quận báo về thường không chính xác và thấp hơn số dân cư ngụ thực tế – đặc biệt ở quận chúng tôi có tới 70% là dân nhập cư cùng HS nhập cư. NH mới 2009 – 2010, quận Bình Tân tăng hơn NH trước trên 4.000 HS (tiểu học 3.250 em THCS hơn 800 em), đồng nghĩa với việc phải xây mới 4 trường học với 140 giáo viên (GV) cần bổ sung gấp. Căng thẳng nhất là phường Bình Hưng Hòa A với hơn 98.000 dân (72% dân nhập cư). Nhu cầu hiện nay học tiểu học của phường hơn 6.000 cháu, nhưng cả 2 trường tiểu học của phường là Bình Thuận và Bình Long – dù đã vận hành tối đa công suất – cũng chỉ lo được chỗ học cho hơn một nửa số cháu là 3.281 HS. Số HS còn lại tất nhiên rất khổ sở vì phải đi học xa ở các phường lân cận, mà các phường lân cận cũng quá tải… Hay như phường Bình Trị Đông A, toàn phường có gần 50.000 dân, nhưng chỉ có 1 trường tiểu học với sức chứa tối đa 1.300 cháu, còn khoảng 1.500 cháu cũng phải đi học nhờ các trường xa ở các phường lân cận…. Thực tế ở TP. HCM cho thấy: để có 1 ngôi trường dạng cao tầng hoàn thành đưa vào sử dụng, từ lúc lập dự án đến khi khánh thành ít nhất phải mất 5 năm. 5 năm đó, hàng ngàn HS của địa bàn ngôi trường đó sắp mọc lên sẽ học ở đâu ? Dự kiến toàn quận Bình Tân đến năm 2020 phải xây thêm và cải tạo nâng cấp 134 trường học, bình quân mỗi năm phải có thêm 12 trường. Trên thực tế vài năm gần đây, quận chỉ đủ sức cho ra đời mỗi năm 3 – 4 trường. Rõ ràng là một “cuộc rượt đuổi” quá chênh lệch, giữa nhu cầu gia tăng cấp số nhân về chỗ học của người dân – với sự tăng ì ạch cấp số cộng về việc đầu tư xây trường lớp.

TP.HCM đang kiểm kê và cho ra con số hàng triệu m2 đất công ở khắp các quận huyện (trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng) đang bị hàng ngàn tổ chức – cá nhân sử dụng trái phép vào việc kinh doanh, cho thuê mướn, thậm chí bỏ hoang…!? Người dân TP. HCM có quyền đặt câu hỏi: “Vậy chính quyền các cấp ở TP. HCM đã, đang, sẽ làm gì, khi để cho hàng mấy chục ngàn HS mỗi năm phải lâm vào cảnh thiếu đất dựng trường, phải học dồn học ép, học nhờ học tạm? Số diện tích đất bị chiếm dụng trái phép nói trên, bao giờ được thu hồi và ngành GD “quốc sách hàng đầu” có được quyền sử dụng không?

Đinh Lê Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.