Cần chú ý điều gì khi đọc nhãn sữa ngoại?

GD&TĐ - Nhãn sữa công thức, nhất là các loại sữa ngoại, thường có nhiều thông tin khiến phụ huynh băn khoăn. Tuy nhiên, bạn có thể “giải mã” các thông tin này để chọn được loại thích hợp.

Cần chú ý điều gì khi đọc nhãn sữa ngoại?

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi không thể nuôi con bằng sữa mẹ, sữa công thức là lựa chọn của nhiều phụ huynh. Với quá nhiều nhãn sữa, loại sữa trên thị trường, người mua cần chú ý tới một số thông tin khi chọn sữa cho trẻ.

Chọn đúng loại sữa

Mỗi độ tuổi sẽ có một loại sữa riêng. Thường thì thông tin này đã được ghi rõ ràng trên hộp sữa, như 0-6 tháng, 6-12 tháng, 1-3 tuổi... hoặc đánh số 1, 2, 3, mỗi số dành cho một độ tuổi khác nhau. Ngoài ra, bạn còn cần chú ý tới các chủng loại sữa khác nhau. Loại sữa công thức phổ biến nhất được làm từ sữa bò và thêm các vitamin, khoáng chất cần thiết cho bé phát triển. Loại sữa này thường có nhãn ghi “Infant Formula”.

Nhiều loại sữa được thiết kế dành cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt, như sữa không chứa lactose hay sữa dê. Ảnh: Kidschoo.
Nhiều loại sữa được thiết kế dành cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt, như sữa không chứa lactose hay sữa dê. 

“Lactose-Free Infant Formula” là loại sữa công thức không chứa đường lactose, dành cho trẻ không thể tiêu hóa loại đường này. “Soy-Based Infant Formula” là sữa công thức được sản xuất từ đậu nành cho trẻ dị ứng với đạm trong sữa bò. Tuy nhiên, sữa từ đậu nành thường chỉ nên dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi, trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.

“Goats Milk Infant Formula” được làm từ sữa dê, là một lựa chọn khác cho trẻ không thích hợp với sữa công thức từ sữa bò. “AR” hay “Thickened Infant Formula” được thiết kế với khả năng làm dịu cảm giác đau rát khi thức ăn trào ngược, giúp sữa ở lại trong dạ dày, dành cho trẻ hay nôn trớ.

“HA” hay “Partially Hydrolysed Infant Formula HA” là sữa dành cho trẻ có nguy cơ dị ứng cao, thường được khuyên sử dụng nếu bố, mẹ hoặc thành viên gia đình trực hệ bị dị ứng thức ăn, hen suyễn hay chàm ngứa. Tuy nhiên, sữa này vẫn được làm từ sữa bò, nên không thích hợp với trẻ bị dị ứng lactose.

Một số nhãn sữa còn có thêm các thuật ngữ như Alpha Pro hay Opti Pro. Thực chất đây là một số loại protein được thêm vào trong sữa so với sữa công thức thông thường. Còn nhãn “Gold” là sữa có thêm một số chất béo tương tự chất béo có trong sữa mẹ. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào chứng minh xác thực các chất này có lợi hơn so với sữa công thức thông thường.

Các dưỡng chất thiết yếu

Sữa công thức có 5 nhóm chất chính: carbohydrate (đường bột), protein (đạm), fat (chất béo), vitamin và mineral (khoáng chất), cộng thêm các dưỡng chất khác với liều lượng nhỏ hơn. Điều khiến sữa của các hãng khác nhau là lượng carbohydrate, protein và các nguyên liệu phụ.

Các nhãn sữa thường có thông tin về chất dinh dưỡng đi kèm. Ảnh: Besto Blog.
Các nhãn sữa thường có thông tin về chất dinh dưỡng đi kèm. 

Carbohydrate có thành phần chủ yếu là đường lactose. Các loại sữa công thức từ đậu nành, không chứa lactose hay các loại sữa đặc biệt có thể lấy nguồn carbohydrate từ sucrose, maltodextrin ngô, bột ngô hay si-rô ngô... Các chuyên gia dinh dưỡng thế giới cho rằng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang có lượng đường cao, dễ dẫn tới tình trạng béo phì. Do đó, bạn nên chọn loại sữa có mức đường thấp hơn.

Protein trong sữa mẹ gồm khoảng 60% đạm whey và 40% đạm casein. Phần lớn sữa công thức có kết cấu tương tự, số khác có 100 đạm whey. Thông thường, trẻ chỉ cần khoảng 10 g protein mỗi ngày, vượt quá lượng này dễ gây béo phì. Bạn nên so sánh lượng protein trên 100 ml của các loại sữa và chọn loại có lượng protein thấp hơn nếu bé đã thừa cân.

Sữa mẹ chứa một lượng chất béo gồm chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa và chất béo bão hòa. Sữa công thức thay thế chúng bằng các loại dầu như dầu đậu nành, dầu dừa, dầu hướng dương, dầu cọ... Hai loại axit béo được thêm vào sữa công thức là DHA và ARA, được chứng minh là giúp phát triển não bộ và thị giác.
Hầu hết sữa đều bổ sung thêm DHA và ARA. Ảnh: Neocate.
Hầu hết sữa đều bổ sung thêm DHA và ARA. 

Ngoài ra, trên nhãn sữa, bạn sẽ thấy một danh sách dài các loại vitamin và khoáng chất, đôi khi rất khó phân biệt. Sắt (iron) có thể được viết thành ferrous sulfate, vitamin C có thể là sodium ascorbate và vitamin B5 được viết thành calcium pantothenate. Lượng sắt tối thiểu cho bé 0-6 tháng là 0,27 mg mỗi ngày, còn bé 7-12 tháng là 11 mg mỗi ngày. Bạn cũng nên chú ý tới tỷ lệ canxi và phốt-pho (Ca/P) để bé có thể hấp thụ canxi tốt hơn. Tỷ lệ này trong sữa mẹ (lý tưởng nhất) là 1,93, còn theo tiêu chuẩn của WHO là khoảng 1,2-2.

“Probiotic” hay “prebiotic” là các vi sinh vật được cho là có thể hỗ trợ tiêu hóa, nhưng không nên dùng cho trẻ có hệ miễn dịch suy yếu hay mắc một số bệnh. Do đó, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng loại sữa có thêm thành phần này.

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ