Kết hôn 16 năm, hôn nhân của anh Phạm Văn Vỹ (44 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lĩnh (40 tuổi) đã trải qua nhiều sóng gió. Có những giai đoạn mối quan hệ của anh chị rơi vào căng thẳng, bao lần nước mắt đã rơi, bao ngày dài nhìn thấy nhau trong lặng im và khuôn mặt lạnh giận dỗi.
Nhưng hiện tại, anh chị đủ tự tin nói rằng đã tìm lại được niềm đam mê thuở mới yêu. Chìa khóa là việc anh Vỹ đã kiên trì gần ba năm dùng lời nói chân tình và những nụ hôn ngọt ngào dành cho vợ.
Vợ chồng anh Vỹ, chị Lĩnh giờ đây đã tìm lại được niềm đam mê yêu đương thuở trước. |
Anh Vỹ và chị Lĩnh đều là người Thái Bình, theo gia đình vào Nam lập nghiệp. Thương chị Lĩnh mồ côi bố, từ ngày nhỏ anh đã hay ở bên giúp đỡ. Tình yêu nảy nở khi chị vào đại học luật, còn anh học kinh tế. Sau này, anh chị cùng làm ở một hãng hàng không.
Họ kết hôn năm 2002. Cũng từ đó, chị theo đuổi thêm niềm đam mê nặn hoa đất. Công việc nhà nước, trọng trách ngày một nhiều. Tan làm, chị Lĩnh lại đến xưởng làm hoa, thường xuyên đêm muộn mới về nhà.
"Các con biếng ăn, hay ốm vặt. Tôi thì còn làm thêm nhiều công việc ngoài nữa. Những khi áp lực, mệt mỏi, hai vợ chồng nổi nóng. Tính cô ấy rất nóng, còn tôi ngày ấy cũng chẳng vừa và còn có đôi chút nếp nghĩ của đàn ông gốc Bắc nên vợ chồng thường xuyên cãi vã", anh Vỹ tâm sự. Dù chỉ lời qua tiếng lại, nhưng cũng phải mất mấy ngày anh chị mới làm hoà được.
Chị Lĩnh tâm sự, hoàn cảnh gia đình đã tạo nên chị là con người cứng cỏi, không nhân nhượng và có cái tôi rất cao. Chồng nhiều lần góp ý muốn chị quan tâm, muốn được nghe những câu ngọt ngào, nhưng chị lại cho đó là việc "sến sẩm".
"Anh ấy luôn thích mẫu người phụ nữ truyền thống, nhẹ nhàng, quan tâm chồng, chăm lo cho con. Nhưng tôi thuộc mẫu phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ. Tôi luôn dùng hành động để thể hiện sự quan tâm, coi nhẹ thổ lộ bằng lời nói", chị kể. Không chỉ chồng, không ít lần bố mẹ chồng cũng trách con dâu không gọi điện về hỏi thăm. Dù thế, chị một mực cho là quan tâm bằng hành động là đủ.
Dù vợ tài giỏi, xinh đẹp anh Vỹ luôn thấy thiếu vắng hình bóng người phụ nữ của riêng mình. Nhìn cảnh chồng người ta chiều vợ, vợ người ta nũng nịu chồng, anh lại chạnh lòng. Sau những lần góp ý không được vợ đáp lại, anh hay la cà quán nhậu với bạn bè...
"Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi". Và anh Vỹ đã thay đổi mình trước khi đòi hỏi vợ thay đổi. |
Bước ngoặt cho sự thay đổi đó là từ cuối năm 2015, khi anh Vỹ bắt đầu tham gia nhiều khoá học về phát triển bản thân và gìn giữ mối quan hệ. Anh nhận thấy, con người ta lớn lên về thể xác, khôn ngoan về trí tuệ nhưng hiếm người trưởng thành về cảm xúc. Vì thế, từ lúc này thay vì giương cao khẩu hiệu đòi hỏi vợ phải thay đổi, anh đã đổi sang: "Cuộc đời thay đổi, khi chúng ta thay đổi".
Người đàn ông tứ tuần kể: "Con gái thứ hai rất quấn bố và luôn chờ bố đi làm về mới chịu học bài. Ban đầu, tôi cũng không hiểu lý do tại sao, cho đến một lần nhìn thấy trong cuốn sổ của con có một dòng chữ nắn nót: "Con ước mỗi ngày bố mẹ đi làm về sớm với con". Đọc được câu đó, trong tôi như có dòng nước đá chảy qua. Tôi bừng tỉnh, nhận ra sự vô tâm của mình", ông bố nhớ lại.
Từ lúc này, anh Vỹ xác định gia đình là chốn bình yên để quay về. Anh bỏ bớt những công việc không cần thiết, về nhà sớm với các con và giành làm các công việc gia đình - vốn trước đây là của vợ.
Chị Lĩnh bắt đầu nhận ra sự thay đổi ở chồng. Nếu như trước đây anh mê đánh cờ vua, cờ tướng qua mạng. Không ít lần hai vợ chồng chiến tranh vì trong khi chị phải vật lộn với cơn buồn ngủ để trông con, còn anh lại thức thâu đêm chơi cờ. "Tự nhiên tôi thấy anh không chơi nữa. Cũng thời gian buổi tối ấy anh đọc sách, nghiên cứu lịch sử", chị Lĩnh kể.
Ba công chúa của vợ chồng anh Vỹ. |
Những lúc vợ nổi nóng, anh chọn cách im lặng và nhường nhịn. Ban đầu cũng rất khó khăn, nhưng anh cố từng chút một và dần thấy việc tranh luận lúc vợ đang nóng là hành động "vô vị".
Nhận thấy trong 5 ngôn ngữ của tình yêu thì sự va chạm cơ thể là điểm mạnh nhất của vợ. Vì thế, những lúc gần nhau, anh Vỹ đều tìm cách hôn lên cổ, trán hoặc đứng phía sau ôm choàng lấy vợ, kèm theo những câu nói ngọt ngào: "Anh yêu vợ quá", "Em thật tốt", "I love you"...
Đột nhiên thấy chồng hay ôm hôn, nói ngọt, chỗ đông người anh cũng thể hiện sự âu yếm, khiến chị vô cùng ngại. "Tôi hay vùng vằng ra và kháng cự. Có những lần tôi phản ứng cứng nhắc, khiến anh hụt hẫng", chị cười nhớ lại.
Anh Vỹ không bỏ cuộc mà còn gia tăng thêm mức độ. Mỗi đêm khi vợ lơ mơ ngủ, anh luôn thì thầm vào tai chị những lời yêu thương, những chuyện vui buồn trong ngày. Dần dần, anh thấy chị thường đứng im thật lâu mỗi khi được chồng ôm. Khi ra ngoài cùng nhau, chị chủ động nắm tay anh, ngồi sau ôm anh, chứ không còn ngại ngùng, xa cách như trước.
"Cô ấy cũng chủ động tham gia các khoá học phát triển bản thân cùng tôi. Có một lần đi học khoá về bất động sản, thầy muốn có một đôi lên diễn xuất. Cô ấy lôi tôi lên thể hiện, cầm tay, ôm hôn, nói lời âu yếm. Trước cả nghìn người, tôi cũng ngại lắm, nhưng sau đó thì lâng lâng hạnh phúc cả tuần", anh Vỹ kể.
Từ đó, anh chị không thuê người giúp việc nữa mà cả nhà năm người phân chia việc nhà theo độ tuổi. Việc làm này giúp họ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn và các con sống có trách nhiệm hơn.
Cách đây hơn một năm, chị Lĩnh nghỉ việc ở hãng hàng không để tập trung cho công ty hoa đất. Nhờ thế chị có nhiều thời gian hơn cho bản thân, cho chồng và các con. Chị có nhiều thời gian đi học thiền, yoga... để rồi luyện được sự vô thường, tĩnh tại trong con người mình.
Sự thay đổi của hai vợ chồng khiến tổ ấm của họ được hàng xóm ví "vui như nhà trẻ" vì lúc nào rộn tiếng cười đùa. Từ khoảng một năm nay, ít nhất một ngày trong tuần, cả nhà 5 người thường ra công viên trước nhà thẩn thơ, đọc sách, cà phê, nghe nhạc.
Anh Vỹ tự hào khoe: "Mỗi lần ghé thăm nhà tôi, các anh bạn đều bảo giờ phải treo trước nhà tôi cái biển "happy house", trước mỗi phòng là "happy room"".