Nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, ông sẽ phải đối phó với những cơn dư chấn bởi chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm qua.
Chính quyền Trump đã đưa ra lập trường đối đầu chống lại Trung Quốc về mọi thứ, từ thương mại, công nghệ, cho tới đại dịch. Tổng thống Trump cũng gây căng thẳng với các đồng minh châu Á, bằng cách đe dọa giảm quân Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông cũng xây dựng mối quan hệ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Biden nói rằng, cựu Phó Tổng thống sẽ dẫn dắt Mỹ “giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cho tương lai chống lại Trung Quốc”.
Ông Biden cam kết đầu tư mạnh vào các công nghệ mới trong chương trình nghị sự kinh tế “Mua hàng Mỹ”. Kế hoạch này bao gồm 300 tỷ USD cho các công nghệ mới, từ xe điện và vật liệu nhẹ, đến 5G và trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà Trung Quốc đang nhanh chóng đạt được thành công.
Chính quyền ông Biden cũng ủng hộ “những hạn chế tăng cường đầu tư và thương mại công nghệ theo cả hai chiều”. Tuy nhiên, những hạn chế đó phải có chọn lọc, đặc biệt là những công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia và nhân quyền.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng tỷ USD. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bất chấp Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, thuế suất Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức trung bình 19,3%, cao gấp 6 lần so với trước khi xung đột thương mại Mỹ - Trung vào năm 2018. Trong khi đó, thuế suất trung bình Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu Mỹ là 20,3%.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, chính quyền của ông Trump cũng xa rời các đồng minh và rút khỏi những hiệp định quốc tế như TPP, Thỏa thuận chung Paris (PA), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC), Thỏa thuận Hạt nhân Iran. “Ông chủ Nhà Trắng” cũng đe dọa sẽ rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hầu hết các chuyên gia tin rằng, cạnh tranh giữa Mỹ - Trung là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cách chính quyền Mỹ ứng phó sẽ là chìa khóa để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính quyền ông Biden sẽ ngay lập tức tham gia CPTPP nếu đắc cử. Trong quá trình tranh cử, ông Biden hầu như không đề cập đến TPP, hiệp định vốn được cựu Tổng thống Obama thúc đẩy. Thay vào đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ cho rằng, Washington cần đầu tư nhiều hơn trong nước, trước khi thực hiện các thỏa thuận thương mại lớn.
Trong khi đó, bà Wendy Cutler - Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á cho rằng, nếu đắc cử, ông Biden sẽ phải xây dựng lại niềm tin tại châu Á. Ngoài ra, ông cũng sẽ cần hợp tác với các đồng minh đáng tin cậy trong CPTPP. Nhờ đó, giải quyết “lỗ hổng” trong chính sách của người tiền nhiệm.