Trong đó yêu cầu các đơn vị bổ sung, xây dựng kế hoạch cần bám sát thực tế của đơn vị, phù hợp với năng lực của từng đối tượng học sinh; điều chỉnh kế hoạch về phân công giáo viên dạy, số buổi dạy, mức độ yêu cầu kiến thức cần đạt; rút kinh nghiệm của kỳ thi năm trước, phát huy ưu điểm, những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế,…
Chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn của đơn vị thực hiện các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp cụm huyện, thành phố tập trung những nội dung ôn thi THPT quốc gia như: Trao đổi phương pháp dạy và phương pháp, kỹ thuật làm bài đối với bài thi trắc nghiệm khách quan, các biện pháp khắc phục điểm liệt cho học sinh,...
Tổng hợp đăng ký các môn, tổ hợp môn thi của học sinh và kết hợp việc kiểm tra khảo sát của giáo viên bộ môn phân loại đối tượng học sinh thi lấy kết quả xét tốt nghiệp và thi lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ; động viên khích lệ, tạo điều kiện cho học sinh ôn tập đạt kết quả tốt nhất.
Thường xuyên trao đổi, lắng nghe ý kiến của giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, phụ huynh và học sinh để có những giải pháp nâng cao chất lượng ôn tập.
Có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc dạy và học của các bộ môn, của các lớp.
Chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn nhằm huy động tối đa lực lượng giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi chuyên môn trong việc bồi dưỡng giáo viên và trực tiếp giảng dạy cho học sinh (ở những đơn vị có nhu cầu và đề xuất).