Cán bộ coi thi cần làm gì để kiểm soát tốt các tình huống?

GD&TĐ - Thời gian ngồi trong phòng thi rất dài, cán bộ coi thi cần phải thực sự tập trung, tỉnh táo để có thể quan sát tốt mọi tình huống.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

12 năm trong ngành, cũng là 12 năm cô Nguyễn Thị Hồng Lê, giáo viên Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên được làm công tác coi thi THPT. Công việc yêu cầu đúng giờ, chuẩn xác, đúng quy chế, đặc biệt được sự quan tâm quá lớn của xã hội nên khó tránh khỏi người làm công tác này có tâm trạng căng thẳng, áp lực.

“Khoảng cách đến điểm thi khá xa nhà nên chúng tôi phải xuất phát từ rất sớm, thường là 5 giờ sáng để có mặt tại điểm thi lúc 6 giờ mới kịp chuẩn bị những công tác đầu tiên cho buổi thi. Buổi trưa tôi thường sẽ ăn tạm và nghỉ ngay tại các phòng học của học sinh. Thường những ngày diễn ra kỳ thi thời tiết thường rất nắng nóng, cộng với áp lực về thời gian nên cũng tăng thêm phần căng thẳng”.

Chia sẻ điều này, theo cô Nguyễn Thị Hồng Lê, thời gian ngồi trong phòng thi dài, yêu cầu có sự tập trung, tỉnh táo để quan sát tốt mọi tình huống. Do đó, dù đã rất quen với các kỳ thi, mỗi cán bộ coi thi vẫn cần chuẩn bị tốt tâm lý để bảo đảm tinh thần tỉnh táo, tập trung. Muốn vậy, cán bộ coi thi cần có giấc ngủ đủ và thư giãn trước ngày làm việc.

Khi nói đến chuyên môn làm thi, cô Nguyễn Thị Hồng Lê cho rằng, “trong làm thi chỉ có đúng, chính xác; không có sáng tạo”. Để thực hiện mọi việc một cách thuần thục, mỗi cán bộ coi thi cần nắm vững các quy định, quy chế và quy trình liên quan đến công tác làm thi, đảm bảo coi thi được diễn ra một cách công bằng, nghiêm túc và chính xác, đồng thời cũng phải hết sức linh hoạt nhằm kiểm soát được những tình huống bất ngờ.

“Nắm vững quy trình cũng là một kinh nghiệm thật sự cần thiết. Mỗi cán bộ làm thi cần đọc kỹ và hiểu rõ các quy định, quy trình thủ tục liên quan đến coi thi. Bên cạnh đó, coi thi nghiêm túc, nhưng cũng tránh gây áp lực cho thí sinh”, cô Hồng Lê cho hay.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Một kinh nghiệm khác được cô Hồng Lê chia sẻ là cần kiểm soát tốt các tình huống. Theo đó, cán bộ coi thi nên sẵn sàng để xử lý các tình huống bất ngờ, như việc phát hiện gian lận hoặc sự cố kỹ thuật. Thầy cô cần có khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và làm việc một cách chặt chẽ với đồng nghiệp để đảm bảo sự công bằng, trật tự.

Đặc biệt hiện nay, sự phát triển của công nghệ cũng xuất hiện rất nhiều các hình thức gian lận trong thi cử. Cô Lê cho biết, mình thường đọc và tìm hiểu thêm trên báo chí, các phương tiện thông tin về những tình huống gian lận có thể xảy ra; học hỏi thêm kiến thức từ trang thông tin nói về các tội phạm công nghệ để có thêm kiến thức giúp phát hiện sớm hành vi gian lận.

Bên cạnh đó, trước mỗi buổi thi, cán bộ coi thi cần quan sát và kiểm tra kỹ lưỡng vận dụng mà thí sinh được phép mang vào phòng thi, nhắc nhở những điều căn bản nhất trước khi gọi thí sinh vào phòng thi.

“Cơ bản mỗi giáo viên đều có trực quan rất tốt trước thí sinh có khuynh hướng gian lận. Việc chú ý quan sát thái độ của thí sinh là giải pháp giúp tôi phát hiện thí sinh có thể có hành vi gian lận”, cô Hồng Lê chia sẻ.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong quá trình coi thi, các tình huống bất thường (nếu có) đặc biệt là các tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho Trưởng Điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý.

Cán bộ giám sát cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ coi thi xử lý các trường hợp thí sinh phải ra khỏi phòng thi khi chưa hết giờ làm bài thi của buổi thi vì lý do bất khả kháng; đồng thời, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thí sinh không được tiếp xúc, trao đổi với thí sinh khác trong suốt quá trình ra khỏi phòng thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023. Tổ chức coi thi trong các ngày 28,29 và 30/6. Kết quả thi sẽ được công bố vào 8 giờ ngày 18/7/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ