Đoàn công tác do Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Phó trưởng ban chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 dẫn đầu. Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT là ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban chỉ đạo thi của tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Công tác chuẩn bị đúng kế hoạch
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết: Rút kinh nghiệm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đặc biệt là cải thiện điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp, ngay từ đầu năm học Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng dạy học 8 môn thi tốt nghiệp THPT từ cấp tổ đến cấp trường từ ngày 7/10/2022 đến ngày 9/10/2022, qua đó phân tích, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã chủ động tổ chức tập huấn thu nhận hồ sơ và tập huấn phần mềm quản lý thi: Bộ phận phụ trách công nghệ thông tin của Sở GD&ĐT đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi của học sinh và nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.
Các nhà trường cũng đã chủ động tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tổ chức hướng dẫn một cách chi tiết cho học sinh trong quá trình thực hiện phiếu đăng ký tham dự kỳ thi và phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Phó trưởng ban chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 kiểm tra phòng y tế tại một điểm thi ở Ninh Thuận. |
Đặc biệt, các đơn vị đã quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ học sinh đăng ký dự thi trực tuyến trên phần mềm chung của Bộ GD&ĐT; tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT; kiểm tra rà soát, bổ sung, điều chỉnh đảm bảo chính xác các thông tin, dữ liệu của học sinh, đặc biệt là bài thi, môn thi, điểm trung bình lớp 12, điểm bảo lưu, diện ưu tiên, khuyến khích, đăng ký xét tuyển đại học... Đồng thời sắp xếp hồ sơ khoa học để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu.
“Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận có 6.121 thí sinh dự thi, trong đó có 5.557 thí sinh hệ THPT, 394 thí sinh hệ GDTX, 170 thí sinh tự do. Tỉnh có 17 điểm thi, với 259 phòng thi. Số cán bộ giám thị, thanh tra và lực lượng làm công tác thi tại hội đồng thi, điểm thi là hơn 800 người, trong đó cán bộ coi thi là 520 người.
UBND tỉnh đã chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố, phối hợp với ngành GD&ĐT để bố trí, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh đến địa phương coi thi, chấm thi và dự thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại khi tham dự các kỳ thi.
Đến thời điểm này công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Kỳ thi lớp 10 vừa qua của tỉnh, công tác chuẩn bị và phương thức bảo vệ đề thi, bài thi, công tác tập huấn cho cán bộ coi thi được Sở GD&ĐT triển trên nguyên tắc và điều kiện y như kỳ thi tốt nghiệp THPT nên đây có thể coi là một lượt tập dượt của tỉnh cho công tác chuẩn bị.”- ông Linh cho biết.
Thông tin về hoạt động tình nguyện, hỗ trợ học sinh ở xa, khó khăn, bà Tạ Yên Thị Lâm Hội, Phó Bí thư tỉnh Đoàn, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ngày 27/6 tới sẽ có khoảng hơn 400 tình nguyện viên trên 40 đội hình của tỉnh xuất quân. Tỉnh Đoàn cũng đã chủ động phối hợp với Sở GTVT, Sở GD&ĐT để có kế hoạch hỗ trợ, tiếp sức cho học sinh cần nhu cầu tiếp sức và di chuyển. Tới thời điểm này có khoảng hơn 120 em cần sự hỗ trợ di chuyển trong kỳ thi sắp tới.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 ở nhiều điểm trường tại Ninh Thuận. |
Không được chủ quan dù đã quen việc
Trong buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác đã kiểm tra tình hình chuẩn bị cơ sở vật chất tại điểm thi THCS-THPT Đặng Chí Thanh tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam và điểm thi THPT An Phước, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
Đoàn đã ghi nhận và đánh giá cao của các trường trên trong công tác chuẩn bị và tuyên truyền
Sau buổi kiểm tra, trao đổi tại buổi làm việc ông Nguyễn Hồng Quân, cán bộ Cục A05, Bộ Công an cho biết hiện nay tình trạng mua bán các thiết bị công nghệ cao vẫn có và tồn tại trên các trang mạng nên đề nghị Ban chỉ đạo thi của tỉnh, Sở GD&ĐT cũng cần lưu ý với các trưởng điểm thi, hội đồng thi để cán bộ coi thi lưu ý, cũng như cần có việc tập huấn nghiệp vụ giám sát, coi thi cho các thanh tra tại hội đồng thi để có thể phòng ngừa các vụ việc gian lận thi cử bằng công nghệ cao xảy ra.
Ông Ngô Minh Hưng, Phó chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng lưu ý với các điểm thi, thanh tra kỳ thi cần lưu ý công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là lưu ý các khâu lập và xử lý các vấn đề sau kỳ thi, nhất là cần rà soát lại điều kiện chuẩn bị cơ sở vật chất, nơi lưu trữ và in sao đề thi cho thật chuẩn và an toàn, an ninh theo đúng quy định.
Trao đổi lại với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết: Với những góp ý của các thành viên trong đoàn kiểm tra góp ý với Sở GD&ĐT chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp nhận để có những điều chỉnh trong công tác chuẩn bị để trong thời gian sắp tới trước khi kỳ thi diễn ra.
"Ban chỉ đạo thi của tỉnh sẽ một lần nữa rà soát, tập huấn lại cho cán bộ coi thi nhằm đảm bảo tốt nhất các điều kiện dự thi cho thí sinh"- ông Khải nói.
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trao đổi cùng Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT. |
Đánh giá và kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhìn nhận: Với công tác chuẩn bị hiện nay của tỉnh theo từng đầu việc là khá đầy đủ. Nhưng ban chỉ đạo thi của tỉnh phải tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác chuẩn bị tại các hội đồng thi, nhắc nhở sâu hơn về công tác chuẩn bị, cũng như sự chủ quan dù đã quen việc. Việc này nhằm đảm bảo các công tác chuẩn bị được chỉn chu và tốt nhất.
Với một kỳ thi, theo Thứ trưởng thì yếu tố an toàn của kỳ thi là rất quan trọng, nhất là việc đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ coi thi về an toàn trường thi, vấn đề cháy nổ, hay công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi mọi thứ đều có thể nảy sinh, nếu chúng ta có sự chuẩn bị và chủ động phòng ngừa thì mọi nguy cơ sẽ được giảm thiểu.
Công tác vận chuyển đề thi, bài thi cũng cần phải được đảm bảo đúng quy trình, nhất là công tác vận chuyển và lưu giữ cần phải thực sự an toàn, tránh tuyệt đối tư tưởng chủ quan.
“Để có một kỳ thi thật sự nghiêm túc thì tính công bằng của kỳ thi phải được đảm bảo tuyệt đối. Chúng ta cần phải quán triệt và giám sát tuyệt đối nghiêm ngặt để tránh nảy sinh vấn đề thiếu công bằng trong phòng thi. Ngoài các yếu tố trên thì công tác truyền thông tập huấn theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Hoạt động này cần đổi mới, làm thường xuyên và chủ động cho giáo viên, cán bộ làm công tác thi, thanh tra thi… để các điểm mới trong kỳ thi năm nay đều được cán bộ, giáo viên nắm bắt kỹ, qua đó chủ động lường trước các tình huống có thể nảy sinh để khi kỳ thi diễn ra cán bộ coi thi, giáo viên, trưởng điểm thi không lúng túng”- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận những đóng góp của đoàn công tác Bộ GD&ĐT và khẳng định sẽ sớm có những chỉ đạo.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT với Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 của tỉnh Ninh Thuận. |
"Chúng tôi xác định kỳ thi thành công hay không thành công đến từ sự chỉ đạo, quyết liệt trong chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi của tỉnh, cũng như công tác chuẩn bị, tập huấn của mọi đội ngũ, thành viên tham gia kỳ thi.
Với những chia sẻ và góp ý đầy đủ, chân thành từ đoàn kiểm tra, Ban chỉ đạo thi của tỉnh sẽ sớm thành lập đoàn kiểm tra để giám sát thật tốt hơn nữa mọi khâu trong công tác chuẩn bị và tin rằng tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai một kỳ thi nghiêm túc, thành công " - ông Cảnh nói.