Giáo viên làm công tác coi thi phải nắm vững quy chế

GD&TĐ - Ngoài được tập huấn kỹ tại các điểm thi, giáo viên làm công tác thi còn được phổ biến quy chế thi tại hội đồng sư phạm của trường.

Thí sinh Đà Nẵng dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Thí sinh Đà Nẵng dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Không được “sáng tạo” quy chế thi

Trong danh sách giáo viên gửi về Sở GD&ĐT Đà Nẵng để cử làm cán bộ coi thi, Trường THPT Thái Phiên có một số lưu ý với những trường hợp giáo viên có con nhỏ, có thai trên 6 tháng… Đây là những thông tin hỗ trợ để Sở GD&ĐT căn cứ để quyết định có triệu tập giáo viên tham gia làm công tác thi tốt nghiệp THPT hay không.

Thầy Phạm Bá Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài tiêu chí như không có người thân tham gia thi (con, em) thì yếu tố sức khỏe và trách nhiệm với công việc cũng được xem là căn cứ để lập danh sách cử giáo viên làm cán bộ coi thi”.

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh cách tô mã đề, số báo danh trong giấy làm bài thi.

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh cách tô mã đề, số báo danh trong giấy làm bài thi.

Thầy Phạm Đình Kha – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nhận xét rằng, với giáo viên được cử làm công tác thi, nhà trường không phân biệt giáo viên tập sự hay giáo viên có thâm niên. “Nhiều giáo viên trẻ nhưng nắm rất vững quy chế thi. Họ cũng được tập dượt làm công tác coi thi qua các kỳ thi được tổ chức tại trường như đánh giá định kỳ, khảo sát chất lượng thi tốt nghiệp THPT…” – thầy Kha cho biết.

Các đợt kiểm tra định kỳ do trường hoặc Sở GD&ĐT tổ chức, các trường THPT ở Đà Nẵng đều triển khai bài bản như tổ chức một kỳ thi THPT để cả giáo viên và học sinh thích nghi, làm quen dần. Thầy Phạm Đình Kha cho biết, nghiệp vụ coi thi thì giáo viên phải nắm rõ và còn được tập huấn kỹ tại các điểm thi. Trước mỗi kỳ thi, trong khi họp Hội đồng sư phạm, nhà trường đều tổ chức tập huấn quy chế thi cho giáo viên được triệu tập làm công tác thi. Tuy nhiên, quy chế thi thì năm nào cũng có những điểm mới bổ sung, điều chỉnh… Những văn bản, hướng dẫn này đều được nhà trường phổ biến đến giáo viên”.

Cán bộ coi thi đánh số báo danh theo sơ đồ.

Cán bộ coi thi đánh số báo danh theo sơ đồ.

Thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà cho biết: “Không nhất thiết những giáo viên lớp 12 mới nằm trong danh sách làm công tác thi… Cách xử lý những tình huống như thí sinh sử dụng mực khác màu để làm bài thi; đề thi bị mờ, nhòe… cách phát đề trắc nghiệm, hướng dẫn học sinh tô mã đề, tô số báo danh..., cách niêm phong bì đựng bài thi, thậm chí đến việc hướng dẫn thí sinh tô số báo danh, mã số đề thi... giáo viên đều phải nắm kỹ và thao tác thuần thục”. Các đợt kiểm tra định kỳ, nhà trường tổ chức theo hình thức “3 chung” theo quy mô toàn khối lớp cũng là một đợt tập dượt cho giáo viên nhuần nhuyễn quy chế và nghiệp vụ coi thi.

Thầy Quảng cho biết: Có những quy định năm nào cũng phổ biến, tập huấn cho giáo viên làm công tác coi thi nhưng những năm qua, ở nơi này nơi khác, vẫn có sai sót như giám thị ký vào ô giám khảo. Thế nên, cán bộ làm công tác thi phải hết sức trách nhiệm, cẩn thận, tránh những sai sót dù là nhỏ nhất, vì vậy, trong khi cử giáo viên làm công tác coi thi, nhà trường luôn chú trọng đến yếu tố trách nhiệm, tác phong và luôn yêu cầu phải tuân thủ chặt chẽ quy chế thi.

Hỗ trợ tâm lý cho thí sinh trong phòng thi

Thầy Phạm Đình Kha chia sẻ rằng, dù giáo viên làm công tác thi phải tuân thủ chặt chẽ và không được sáng tạo quy chế thi, nhưng trong tập huấn quy chế thi, Ban giám hiệu vẫn lưu ý với giáo viên phải chú trọng hỗ trợ tâm lý cho thí sinh trong phòng thi.

Đối chiếu với hình ảnh trên thẻ dự thi khi gọi thí sinh vào phòng thi.

Đối chiếu với hình ảnh trên thẻ dự thi khi gọi thí sinh vào phòng thi.

Ngoài buổi học quy chế thi, ở các buổi thi, có ít nhất là 3 lần trước khi phát đề thi, các thí sinh được giám thị nhắc nhở về những vật dụng không được mang vào phòng thi, trong đó, điện thoại di động và tài liệu luôn luôn được nhấn mạnh. “Đây là những nội dung cán bộ coi thi buộc phải phổ biến. Đó vừa là quy chế thi nhưng cũng là cách nhắc nhở thí sinh để đảm bảo quyền lợi cho các em, tránh những vi phạm đáng tiếc ảnh hưởng đến kết quả bài thi” – thầy Kha lưu ý.

Ngoài ra, giáo viên làm công tác coi thi, dù không được phép tiếp cận thí sinh trong quá trình làm bài, nhưng phải quan sát một số biểu hiện của thí sinh để có những nhắc nhở kịp thời. Thầy Kha ví dụ: Với những thí sinh có những biểu hiện mệt mỏi chưa đến mức phát sinh bệnh lý hoặc khoảng thời gian dài không làm bài thi, gục mặt xuống bàn…, giám thị cũng cần có những nhắc nhở, động viên phù hợp. Tuy nhiên, sự nhắc nhở này chỉ ở mức để thí sinh tận dụng tối đa thời gian làm bài thi và phải không ảnh hưởng đến những thí sinh khác.

Một kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã được áp dụng có hiệu quả là in và phát cẩm nang cho cán bộ coi thi như lúc nào thì phát đề thi, quy trình thu bài, vị trí ký của giám thị trong bài thi… để sử dụng trong suốt kỳ thi, tránh những sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của thí sinh. Trong tập huấn nghiệp vụ thi, các cán bộ, giáo viên làm công tác thi đều được nhắc đi nhắc lại phải tuân thủ và không được sáng tạo quy chế thi, không được đơn phương xử lý vấn đề phát sinh trong phòng thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.