Campuchia tiếp tục siết chặt kỉ luật trường thi

GD&TĐ - Sau 2 năm thực hiện các biện pháp mạnh tay làm trong sạch môi trường thi tốt nghiệp THPT, Campuchia tiếp tục triển khai lượng cán bộ coi thi lớn bảo đảm giữ nghiêm túc kì thi 2016.

Campuchia tiếp tục siết chặt kỉ luật trường thi

Cuộc cách mạng trong thi cử

Nữ sinh Lay Malenpunareay nhớ lại cảm giác mừng vui khôn tả khi đỗ tốt nghiệp THPT 2015. Để có được kết quả đó, trước kì thi nhiều tháng, cô bé thường xuyên học tới 11 giờ đêm, rồi 5 giờ sáng dậy học tiếp. Malenpunareay thỉnh thoảng nghe nhạc để giảm căng thẳng. “Tôi sợ không được điểm tốt nhưng khi biết kết quả đạt điểm B, tôi sung sướng như phát điên” – cô nữ sinh Trường THPT Bak Touk, tại Phnôm Pênh, chia sẻ sau khi kết quả được công bố trên loa phóng thanh.

Với 83.341 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2015, Malenpunareay nằm trong số 46.560 thí sinh, chiếm 55,87%, đỗ tốt nghiệp – điều kiện để được tuyển vào một trường đại học công lập.

Sau khi Bộ Giáo dục thực hiện các cải cách từ năm 2014 nhằm loại bỏ gian lận và hối lộ mà lan tràn trong các kì thi trước đó, tỉ lệ tốt nghiệp đã giảm còn 40,67%. Tỉ lệ trên là đã được “chỉnh sửa” từ tỉ lệ đỗ ban đầu 25,7% - thấp nhất kể từ năm 1994.

Năm 2015, chỉ có 108 thí sinh có điểm A – tức hoàn thành bài thi từ 90% trở lên; 1.085 thí sinh đạt điểm B; 3.292 thí sinh đạt điểm C; 6.093 thí sinh đạt điểm D và 35.982 thí sinh đạt điểm E – điểm tối thiểu để có thể tốt nghiệp.

Man Kota, cũng là học sinh Trường Bak Touk, có điểm đỗ cao nhất trên toàn quốc năm 2015 (đạt 100%), nhận xét đề thi dễ hơn năm trước đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron giải thích rằng tỉ lệ đỗ của năm 2015 cao hơn năm 2014 là do học sinh lớp 12 đã nỗ lực học tập chứ không phải do giảm độ khó đề thi. “Chúng tôi không hạ thấp chuẩn kiến thức, chúng tôi chỉ nhận thấy học sinh học chăm hơn”.

Duy trì bảo đảm trong sạch thi cử

Nhưng không phải cứ học hành chăm chỉ là bảo đảm đỗ tốt nghiệp. Một số nữ sinh thi trượt tỏ thái độ bức xúc trên mạng xã hội. “Một số thí sinh không lao vào học như tôi mà vẫn có kết quả cao hơn” – một nữ sinh ám chỉ điểm số không công bằng trên mạng xã hội Facebook.

Để bảo đảm sự nghiêm túc của kì thi năm nay, Campuchia triển khai 1.570 cảnh sát tại các địa điểm thi tốt nghiệp THPT trên cả nước diễn ra vào đầu tuần này – một nỗ lực triệt phá nạn hối lộ và tham nhũng trong hệ thống giáo dục.

Tại các điểm thi ở thủ đô Phnôm Pênh, rất đông giám thị được điều động ngăn chặn thí sinh mang “phao thi” và thiết bị di động vào phòng thi. “Chúng tôi làm tất cả những điều này để bảo đảm sự minh bạch và chất lượng trong hệ thống giáo dục” – phát ngôn viên Bộ Giáo dục, Ros Salin, nói.

Trong những năm trước đây, phổ biến tình trạng học sinh mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi rồi hối lộ cho giám thị coi thi để gian lận thi cử. San Chey, Giám đốc điều hành Mạng lưới liên kết trách nhiệm xã hội Campuchia, nhấn mạnh, gian lận thi cử đã ăn sâu trong hệ thống GD Campuchia. “Trước đây, hối lộ trong thi cử và rò rỉ đề thi diễn ra công khai, khiến cho tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao” – San Chey nói.

Gần 25.000 cán bộ giáo dục được điều động trong kì thi năm nay – có khoảng hơn 93.000 thí sinh dự thi. “Tôi kêu gọi tất cả học sinh học tập chăm chỉ cho kì thi và không mang bất cứ tài liệu hoặc thiết bị điện tử nào vào phòng thi” – Bộ trưởng Hang Chuon Naron phát biểu trên truyền hình – “Nếu vi phạm, bạn sẽ bị đánh trượt ngay lập tức”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ