Bài viết này là một cách cảm nhận về bài thơ nói trên. Xin được chia sẻ cùng quý thầy cô đồng nghiệp, quý phụ huynh và các em học sinh yêu thơ!
Có bài thơ trở thành tuyệt phẩm, biệt phẩm nhờ những câu thơ hay, có bài thơ đã thơ ngay từ nhan đề. “Nắng đã hanh rồi” là một trong những bài thơ đẫm chất thơ ngay từ nhan đề, từ câu thơ được nhớ sau lần đọc đầu tiên như thế.
Nắng đã vàng hanh như phấn bay
Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày
Trước sân mây trắng về đông lắm
Em ở xa nhà, em có hay.
Em có hình dung những mái tranh
Nắng lên khói ủ mộng yên lành
Vườn sau tre mía xôn xao lá
Anh chẳng là cây cũng trĩu cành
Em có cùng anh lên núi không
Có nghe thầm thĩ tiếng rừng thông
Nắng chiều ngả bóng thông in đất
Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong
Xuân sắp sang rồi, xuân sắp qua
Một năm năm tới, lại năm qua
Mà sao nắng cứ như tơ ấy
Rung tự trời cao xuống ngõ xa.
Nắng đã hanh rồi!
Nếu ví bài thơ như đứa con của cha mẹ thì nhan đề như tên con. Tên con là món quà đầu tiên mẹ cha dành tặng con yêu. Vũ Quần Phương vận vào “con” mình nghiệp “thi sĩ” – Nắng đã hanh rồi!
Nắng đã hanh rồi – tự nhan đề đã thơ. Câu thơ tựa bàn tay ai đó níu người đọc dừng lại để ngâm nga đôi ba dòng thơ đẹp: “Anh chẳng là cây cũng trĩu cành”, “Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong”. Ngâm nga câu thơ hay đến nao lòng rồi tự hỏi: Hay là câu thơ này viết cho riêng mình?
Cái hay của câu thơ không chỉ nhờ hình ảnh đẹp, ngôn từ giàu sức gợi mà còn ở xúc cảm dạt dào, bỏng cháy tựa nỗi nhớ em sưởi ấm được cả, không chỉ trái tim “khổng lồ” của anh mà còn sưởi ấm được cả mùa Đông giá lạnh. Để rồi thốt lên: Chỉ có thể là tình yêu. Tình yêu thiên nhiên, tình yêu em chính là suối nguồn, là dưỡng chất để thăng hoa những câu thơ như những lời kinh cầu.
Không gian trong bài thơ là ngày cuối Đông miền Bắc nơi miền quê có sông nhỏ, núi đồi và những mái nhà tranh dân giã. Mùa Đông xứ Bắc gắn với mưa phùn, giá lạnh, trời âm u, ngày ngắn, ẩm ướt… kéo dài. Vào mùa Đông nơi đây, ánh nắng trở thành “mơ ước”, thành hạnh phúc.
Nhan đề bài thơ “Nắng đã hanh rồi” nghĩa là nắng đã lên rồi, như tiếng reo vui hạnh phúc bất ngờ, tựa món quà của ông già Noel dành cho em thơ. Từ “hanh” hay hơn từ “lên” vì nó vừa nói lên niềm vui khi có nắng lại vừa diễn tả đặc trưng của nắng: Nắng lạnh. Cuối Đông vẫn lạnh, nhờ nắng lên mà bớt lạnh, ấm lên.
Và nắng cuối Đông báo như sứ giả kéo mùa Xuân về. Vậy nắng hanh là nắng ấm, ngược lại với nắng Hạ gay gắt bỏng cháy. Tên bài thơ hơn cả một cái tên đã là một bài thơ tí hon. Âm “ôi” trong từ “rồi” cuối nhan đề vang mãi, reo mãi, vui mãi trong lòng anh từ khi nhìn thấy nắng, từ khi nghĩ về em.
Nhà thơ Vũ Quần Phương. Ảnh: TTXVN |
Anh chẳng là cây cũng trĩu cành!
Hai khổ thơ đầu vẽ lên bằng ngôn từ khu vườn ngợp nắng. Nắng trong mắt thi nhân đẹp “vàng hanh như phấn bay” gợi vẻ đẹp nên thơ. Nắng như dệt không gian vàng ánh, mỏng manh như tấm lưới dịu dàng óng ánh chiếu rọi, đan cài, giăng mắc khắp không gian khiến người ta muốn xắn tay áo lên, cởi hết áo ra để nắng sưởi lên da mình. Ấm áp là cảm giác khi trời rắc phấn nắng vàng khắp nẻo.
Nếu đầu Đông lạnh lẽo đàn sếu rời đi, cuối Đông ấm áp nó đã trở về bên sông nhỏ quê hương mình. Sếu kêu, mây trắng trên trời, nắng rắc phấn vàng ánh… tất cả được tơ trời sưởi ấm. Nhà thơ cảm nhận khúc giao mùa bằng thị giác và thính giác, bằng cả tâm hồn nhạy cảm trước khoảnh khắc giao thoa, nối tiếp của mùa gọi mùa. Như một lẽ thường, trái tim người trước khắc giao mùa ấy, nhớ về thân thương ngào ngọt nhất – Em – mùa Xuân của tuổi xuân anh, của đời anh.
“Em ở xa nhà, em có hay”. Câu hỏi tu từ khắc khoải nỗi nhớ và hy vọng. Nhớ em và ước gì em ở đây, lúc này. Nhớ em và hy vọng em trở về bên anh, ngày mai để trong mùa Xuân anh anh được là anh. Dường anh chỉ là anh trọn vẹn khi có em?
Khổ thơ thứ hai gợi lên mái nhà tranh đơn sơ, yên bình, tre mía xôn xao trong gió, trong nắng. Còn lòng anh thì… “Anh chẳng là cây cũng trĩu cành”. Anh ẩn mình trong cây xanh quả ngọt để thổ lộ nỗi niềm nhung nhớ khôn khuây. Nỗi nhớ trong tình yêu là đề tài quen thuộc trong thơ ca. Nếu trong thơ Hồng Thanh Quang, có lời yêu say đắm:
“Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” thì nhân vật trữ tình xưng “anh” trong bài thơ Nắng đã hanh rồi cũng nhớ em đến “trĩu cành” mà quả ấy là tim anh, là quả tim. Ôi tim anh sắp r-ụ-ng-ng-g! Nhưng lời thơ vẫn dịu, vẫn nhẹ tựa tơ. Điều này làm nên vẻ đẹp riêng cho bài thơ khi viết về nỗi nhớ, về khúc giao mùa hay vũ điệu vũ trụ, của trái tim.
Đọc thơ đôi khi để liên tưởng, để kết nối. Câu thơ “Anh chẳng là cây cũng trĩu cành” như có lực hút. Hình dung anh như cây cam nhỏ trong mảnh vườn nhỏ. Chùm từng chùm cam mọng nước, cành nhỏ uốn cong như chạm đất. Từ “trĩu” càng làm cho mọi cành cam trong cây cam đều trĩu nặng sum suê như thế.
Đó là một ẩn dụ về nỗi nhớ trong tình yêu. Nỗi nhớ vô hình được nhà thơ cụ thể hóa qua từ “trĩu”, câu thơ giàu sức gợi. Bao yêu thương trừu tượng hóa hữu hình. Nếu nỗi nhớ là ngôn ngữ chính của yêu xa thì anh đang quá yêu, hơn cả yêu. Yêu đến trĩu nặng tâm tư, muốn nổ tung mình thành trăm mảnh như quả bóng bay căng hơi.
Ảnh minh họa: INT |
Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong?
Nếu khổ thơ thứ nhất thi nhân đã mở ra khoảnh khắc giao mùa với mây trắng, nắng vàng đầy ẩn ý: Sau mây trắng trong nắng vàng là tình anh trong sáng, vô vàn như nắng như mây. Đến khổ thơ thứ hai tác giả đã cụ thể hóa hai khu vườn ấy – vườn thiên nhiên và vườn trái tim bé bỏng của anh. Hai khu vườn đều dành cho em. Vườn thiên nhiên quê hương là “những mái tranh” được “nắng lên khói ủ”, là góc vườn có “tre mía xôn xao lá”.
Hình ảnh tre mía như reo hò, rộn rã, xôm tụ qua từ “xôn xao”. Từ láy gợi hình gợi lá trong vườn rung rinh trong gió mát, nắng ấm như múa và hát tựa anh muốn nói với em, ngắm nhìn em, hát em nghe… dù em không ở bên thì anh vẫn cảm thấy em ngay đây, trong lá hoa và cỏ cây quanh mình. Những chiếc lá chạm vào anh hay dịu dàng em? Là anh cảm thấy em, là anh mơ về em, là anh hi vọng em.
Ba khổ thơ đầu gợi bức tranh thôn quê đẹp, bình yên. Càng thanh bình hơn khi mùa này rừng thông trút lớp sương mù u tịch, còn lại cành non nhú nõn nà trên triền núi. Anh ước gì em ở đây để nhìn thấy núi mùa Xuân, cây đang đâm chồi vào buổi chiều tươi đẹp này. Cây thông trong nắng chiều đổ bóng xuống nhìn như cha con, hay đôi bạn, hay đôi tình nhân tựa cây thông tình. Chỉ có anh là cô đơn. Ước gì em....
Câu hỏi tu từ “Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong” như một lời thú nhận. Rằng anh đã thua. Muốn kìm nén, muốn làm chủ xúc cảm, muốn hòa vào núi đồi, mái tranh, cây trái để vơi bớt nhung nhớ. Nhưng anh không làm được. Anh c-ầ-n em. Không vơi được, không gì khỏa lấp được nhung nhớ này. Yêu xa sẽ có lúc người ta muốn từ bỏ cả thế giới, chỉ cần người đó: Nhìn thấy, lắng nghe, chạm vào. Khoảng cách là phép thử của tình yêu hay là minh chứng của tình yêu? Dù là phép thử hay là minh chứng thì sự thật không thay đổi được là càng xa em anh càng nhớ thương em. Ước gì…
Sau khắc vỡ òa tự thú lòng mình “Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong”, chàng trai đang yêu tự trấn an con tim loạn nhịp của mình để cân bằng cuộc sống: “Xuân sắp sang rồi, xuân sắp qua/ Một năm năm tới, lại năm qua/ Mà sao nắng cứ như tơ ấy/ Rung tự trời cao xuống ngõ xa”. Thi nhân dựa vào xuân ấm, vào khắc giao mùa tinh khôi, vào nắng đẹp để vơi đi nỗi vọng về em. Dường như anh chấp nhận xa em, nhưng chỉ là lí trí. Trái tim tự nó phản bội lại lí trí.
Thơ là nhạc lòng, là thanh âm của âm câm. Đôi khi tình yêu vô hình trong tâm hồn con người thăng hoa thành nghệ thuật, thành nhạc, họa. Ta thấy nhạc trong Nắng đã hanh rồi nhờ niềm reo vui náo nức đón nắng dịp cuối Đông của nhân vật trữ tình, ta thấy họa trong mảnh vườn đầy sắc màu hương cây trái thơm thảo và ta thấy thơ trong nỗi niềm, xúc cảm của thi sĩ.
Vũ Quần Phương – theo Trần Đăng Khoa là nhà thơ: “có tài, rất có tài nhưng gần như bị khuất lấp trong đám đông”. Thi nhân chọn đi lối riêng chọn góc bình yên của tâm hồn. Bài thơ này cũng là một trong những góc bình yên như thế. Yêu đấy, xa đấy, nhớ đấy, thương đầy đấy nhưng vẫn an nhiên giữa bộn núi, bộn tre mía, bộn thông trên núi. Tất cả đều được cân bằng bằng phong thái sống dung dị và chiêm nghiệm nội tâm. Cảm ơn nhà thơ cho người yêu thơ được reo vui trong nắng vàng mùa Đông xứ Bắc.
Nhà thơ Vũ Quần Phương tên thật là Vũ Ngọc Chúc. Trước khi chuyển sang làm thơ, nhà phê bình văn học ông từng tốt nghiệp Đại học Y khoa và có thời gian 7 năm công tác ở lĩnh vực y tế. Ông từng giữ các vị trí Trưởng ban Biên tập Chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam; Trưởng ban Biên tập Văn học hiện đại của Nhà xuất bản Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;... Nhà thơ Vũ Quần Phương là Đại biểu Quốc hội khóa IX, năm 2007 ông được tặng thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.