Cảm thụ văn học:

Cảm hứng miền núi qua một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn mới

GD&TĐ - Cảm hứng miền núi trong chương trình Ngữ văn phổ thông đã được các nhà soạn sách giáo khoa (SGK) quan tâm từ nhiều năm trước đây.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Đồng thời được thể hiện rõ qua việc giới thiệu những tác phẩm về đề tài miền núi từ văn học dân gian đến văn học viết.

Đó là truyện thơ Tiễn dặn người yêu (dân tộc Thái), Sử thi Đẻ đất đẻ nước (dân tộc Mường), Đăm Săn (dân tộc Ê đê), rồi đến các tác phẩm của các nhà thơ dân tộc như Nông Quốc Chấn, Y Phương hay những nhà văn miền xuôi có sáng tác về miền núi như Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng…

Kế thừa những thành tựu đó, SGK Ngữ văn theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục giới thiệu được những sáng tác của các nhà văn, nhà thơ miền núi với những tác phẩm lấy cảm hứng từ miền núi gắn với nền văn học đương đại đang diễn ra vô cùng phong phú. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi xin được giới thiệu một số bài thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số trong SGK Ngữ văn mới (theo Chương trình GDPT 2018).

1.

Nhà thơ Mai Liễu (1949 - 2020): Là nhà thơ dân tộc Tày, tên thật là Ma Văn Liễu, sinh tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Mai Liễu nổi tiếng với những vần thơ thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt là những vần thơ về cuộc sống, văn hóa phong tục của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới.

Với khoảng 50 năm sáng tác, ông đã để lại các tập thơ đã xuất bản như: “Suối làng” (1994), “Mây vẫn bay về núi” (1995), “Lời then ai buộc” (1996), “Tìm tuổi” (1998), “Giấc mơ của núi” (2001), “Đầu nguồn mây trắng” (2004), “Bếp lửa nhà sàn” (2005), “Núi vẫn còn mưa” (2013), tuyển tập “Thơ Mai Liễu” cùng nhiều bài viết khác.

Bài thơ Nếu mai em về Chiêm Hóa (in trong tập Thơ Mai Liễu) được nhà thơ sáng tác năm 1995, được đưa vào SGK Ngữ văn 8 (bộ Cánh diều) là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của ông. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ với cảnh săc thiên nhiên mùa Xuân cùng con người và những phong tục tập quán, những nét đẹp trong lễ hội mùa Xuân ở vùng quê Chiêm Hóa thân thương, qua đó nhà thơ bộc lộ tình yêu tha thiết với cảnh sắc và con người nơi đây.

Nhan đề bài thơ như một giả thiết đồng thời như lời mời gọi nhân vật trữ tình về với quê hương Chiêm Hóa, từ đó mạch cảm xúc tuôn trào với bao cung bậc. Trước hết là khung cảnh thiên nhiên mùa Xuân Chiêm Hóa hiện ra với mưa xuân lất phất, rét lộc, măng đang vào mùa, đôi bờ sông Gâm cát trắng, núi non xanh ngát một màu. Với cách dùng từ đầy sáng tạo (mưa tơ rét lộc) cùng biện pháp nhân hóa nhà thơ đã phác họa khung cảnh thiên nhiên mùa Xuân Chiêm Hóa đầy thơ mộng, căng tràn sự sống, ngút ngát màu xanh đem đến cho bài thơ sức hấp dẫn, quyến rũ và thúc giục sự trở về.

Nếu mai em về Chiêm Hóa

Cho ta gửi nỗi nhớ cùng

Tháng Giêng mưa tơ rét lộc

Em về vừa kịp mùa măng.

Sông Gâm đôi bờ cát trắng

Đá ngồi dưới bến trông nhau

Non Thần hình như trẻ lại

Xanh lên ngút ngát một màu.

Cùng với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng là vẻ đẹp con người Chiêm Hóa trong lễ hội mùa Xuân, nhà thơ khéo léo lấy cảnh đẹp mùa Xuân làm nền để tôn vẻ đẹp con người, các cô gái Tày, Dao duyên dáng, xúng xính trong sắc màu thổ cẩm, sắc chàm đặc trưng của cô gái Tày như cũng pha hương, vòng bạc lấp lánh, ngù hoa mơn mởn, nụ cười môi mọng… tất cả như rạng ngời trong buổi sớm mùa Xuân. Thiên nhiên và con người cùng trong vẻ đẹp hài hòa, tình tứ, quyến rũ, không cần tả nhiều mà vẫn gợi vẻ đẹp rất riêng của các thiếu nữ dân tộc vùng cao, vẻ đẹp ấy e mùa Xuân cũng lạc đường.

Phố đông cứ mải tìm nhau

Cô gái Dao nào cũng đẹp

Vòng bạc rung rinh cổ tay

Ngù hoa mơn mởn ngực đầy.

Con gái bản Tày duyên quá

Sắc chàm như cũng pha hương

Chỉ riêng nụ cười môi mọng

Mùa Xuân e cũng lạc đường.

Khổ kết bài thơ một lần nữa được điệp lại như một điệp khúc ngân vang mãi, về Chiêm Hóa vào dịp tháng Giêng với những lễ tết của đồng bào dân tộc, những trò chơi dân gian gắn kết cộng đồng, là trở về nguồn cội thân thương. Lời thơ như nhắc nhở mỗi người con xa quê không quên nguồn cội của mình và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống.

Chính nhà thơ Mai Liễu từng bày tỏ quan niệm của mình về thơ: “Làm thơ là tìm cho được cái riêng trong giọng tâm tình của mình. Hô hào là điều xa lạ với tôi. Thơ nhất thiết phải chân thành, giản dị, có cảm xúc và ý tưởng mở ra nhờ óc suy tưởng từ người đọc. Thơ tối kỵ sự đơn nghĩa, nông cạn, hời hợt và giả tạo”.

Nếu mai em về Chiêm Hóa

Đầu xuân đi hội lùng tùng

Quả còn chạm vai thì nhặt

Ngày lành duyên tốt mừng nhau.

Nếu mai em về Chiêm Hóa là bài thơ trữ tình đặc sắc của Mai Liễu, với cảm xúc chân thành, ngôn từ mộc mạc, giản dị, không nhiều dụng công về nghệ thuật nhưng vẫn để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của một nhà thơ gắn bó với quê hương.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

2.

Nhà thơ Lý Hữu Lương - dân tộc Dao, sinh năm 1988 tại Trấn Yên - Yên Bái, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã xuất bản: “Người đàn bà cõng trăng đỉnh Cô-san” (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2013); “Bình nguyên đỏ” (Trường ca, NXB Lao động, 2016); “Mùa biển lặng” (Bút ký, NXB Quân đội Nhân dân, 2020); “Yao” (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2021).

Nhà thơ Lý Hữu Lương từng đạt Giải thưởng Văn học, nghệ thuật, báo chí 5 năm (2014 - 2019) của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng tác giả trẻ lần I năm 2001 của Hội Nhà văn Việt Nam. Lý Hữu Lương là nhà thơ dân tộc có tuổi đời khá trẻ nhưng luôn trăn trở, nặng lòng với quê hương, luôn ý thức viết về nguồn cội, bản sắc, tâm hồn, văn hóa dân tộc mình.

Nhà thơ từng chia sẻ: “Tôi viết cho chính đồng bào Dao của tôi, trước những chân giá trị của tổ tiên, trước biến đổi to lớn về mọi mặt đời sống, văn hoá, tư tưởng để chúng tôi không bị mờ nhạt trước thời đại”. Bài thơ Chái bếp (in trong tập Yao) của nhà thơ Lý Hữu Lương được chọn đưa vào SGK Ngữ văn 8 (bộ Chân trời sáng tao), đây cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho điệu trữ tình thơ Lý Hữu Lương.

Nhan đề Chái bếp gợi ra bao xúc cảm cho người đọc, đó là không gian gần gũi, thân thuộc với bất cứ ai, hơn nữa chái bếp còn gợi bao kỷ niệm về tuổi thơ, về người thân, gợi sự sum họp gia đình, gợi sự trở về nguồn cội, gợi nỗi nhớ quê hương, bản quán của mình.

Chái bếp với đồng bào các dân tộc lại càng quan trọng, đó là không gian văn hóa gắn với bao bản sắc của đồng bào, nhà thơ chọn hình ảnh thân thuộc mà giàu giá trị văn hóa đó để giãi bày cảm xúc. Hai khổ thơ đầu nhà thơ bày tỏ khao khát trở về chái bếp nhà mình, trở về chái bếp là trở về những gì bình dị mà thân thương, nơi ấy còn lưu giữ bao hình ảnh, bao kỷ niệm của những tháng ngày đã qua.

Cảm xúc ấy như được trào dâng khi nhà thơ nhắc đến với ngọn khói cong, nồi cám đun dở của mẹ, cánh nỏ của cha, những đêm mưa nằng nặng, tất cả như dâng trào cảm xúc nhớ thương, gợi hình ảnh tảo tần, lam lũ vất vả của người mẹ, người cha. Với thủ pháp nhân hóa (ngọn khói ngủ, chái bếp nằm nghe, chái bếp thõng mình) tác giả đã tạo dựng hình ảnh một chái bếp vừa sinh động vừa gần gũi như một sinh thể ngộ nghĩnh:

Cho tôi về chái bếp nhà tôi

Ngọn khói cong ngủ rồi chưa dậy

Nồi cám bao năm mẹ đun dở

Chái bếp nằm nghe nằng nặng đêm

Chái bếp vườn nhà cha gọi tên

Cho cánh nỏ cong hình lưỡi hái

Cho tuổi mình là hoa là trái

Chái bếp thõng mình xình xịch mưa

Hai khổ thơ 3 và 4, tác giả tiếp tục điệp lại câu thơ Cho tôi về chái bếp của tôi để thêm một lần gợi nhắc về hình ảnh chái bếp cùng những kí ức thân thương. Đối với người Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số khác nói chung, chái bếp có vai trò hết sức quan trọng, đó không chỉ là nơi nấu nướng thức ăn hàng ngày mà còn chứa đựng bao giá trị văn hóa tinh thần của các dân tộc.

Căn bếp thường đỏ lửa suốt ngày đêm bởi nơi đó thần bếp ngự, tổ tiên về phù hộ con cháu, sưởi ấm trong tiết trời giá lạnh vùng cao, nơi trẻ con nô đùa, nơi tụ họp gia đình. Chái bếp thường được làm liền hồi nhà, nhà ba gian quá giang một chái, mái lợp bằng tranh, bằng lá cọ và có máng nước dẫn từ nguồn về để dùng. Bởi vậy, trở về chái bếp là trở về với bao giá trị tinh thần, nhà thơ đã nhắc lại những hình ảnh, những kỷ niệm thiêng liêng đó để giãi bày khao khát được trở về chái bếp, trở về với quê hương, nguồn cội:

Cho tôi về chái bếp của tôi

Nhà ba gian quá giang một chái

Có thần bếp ngụ trong than cùi

Có mặt người dợm nắng dợm sương

Có tiếng cười tiếng khóc trên nôi

Hồn người chờ thuyền về quê cũ

Chái nhà tôi bao lần vàng cọ

Nước đầu nguồn về máng rong chơi

Khổ kết bài thơ có tới 2/4 dòng thơ điệp lại câu thơ mở đầu bài thơ khiến cảm xúc như dâng trào, mỗi dòng thơ như một nốt láy, như một điệp khúc trong một bản nhạc du dương, êm đềm về quê hương, nguồn cội, về với chái bếp là về với những gì thân thương nhất, về với người mẹ thân yêu, với tiếng cười giòn của mẹ. Đó là niềm hạnh phúc nhất của người con xa mỗi dịp trở về, trở về chái bếp là trở về với bao giá trị tinh thần đã nuôi dưỡng tâm hồn nhân vật trữ tình:

Cho tôi về chái bếp nhà tôi

Củi lửa non đêm đầy sương giá

Tiếng ngô giòn tiếng mẹ giòn hơn

Cho tôi về chái bếp nhà tôi…

Chái bếp là bài thơ bảy chữ có kết cấu đơn giản mà chặt chẽ, ngôn từ mộc mạc mà lắng sâu, bài thơ thể hiện tình yêu gia đình, quê hương sâu nặng của nhà thơ trẻ dân tộc Dao. Bài thơ Chái bếp cùng những sáng tác khác của Lý Hữu Lương đã góp phần làm phong phú nền văn học đương đại của các dân tộc thiểu số.

3.

Nhà thơ Chu Thùy Liên, tên khai sinh là Chu Tá Nộ, dân tộc Hà Nhì, còn có các bút danh khác: Ha Ni, Thanh Thùy, Nang Bua Khưa. Chu Thùy Liên sinh năm 1966 tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Chu Thùy Liên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, các tác phẩm: Lửa Sàn Hoa, Tập thơ, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003, Thuyền đuôi én, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009, Truyện cổ Hà Nhì, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2002.

Thơ Chu Thùy Liên nhìn chung đều nhẹ nhàng, trong sáng, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc vùng cao Tây Bắc cũng như những đặc trưng của sắc tộc Hà Nhì. Bài thơ Mùa hoa mận được sáng tác vào tháng Chạp năm 2006, in trong tập Thuyền đuôi én, đây là bài thơ tiêu biểu cho bút pháp Chu Thùy Liên, bài thơ được đưa vào SGK Ngữ văn 10 (bộ Cánh diều).

Mùa hoa mận là một bài thơ có tuổi đời khá trẻ nhưng nhanh chóng được bạn đọc yêu thích bởi sự gần gũi, giản dị mà gợi bao đặc trưng miền núi Tây Bắc với hoa mận trắng muốt mỗi dịp xuân về, với những phong tục lễ tết quen thuộc của đồng bào các dân tộc, là nhà trình tường, là hương nếp nương, là bếp lửa hồng để gợi trong lòng mỗi người con đi xa háo hức trở về.

Bài thơ gồm ba khổ, mở đầu mỗi khổ thơ đều bằng Cành mận bung cánh muốt như một tín hiệu thẩm mỹ để nhà thơ bộc lộ cảm xúc của mình. Thời điểm cành mận nở hoa trắng muốt là lúc núi rừng Tây Bắc nhộn nhịp Tết đến xuân về, sự háo hức biểu hiện rõ nhất qua hình ảnh những đứa trẻ trên các bản làng, con trai chơi cù, con gái chuẩn bị khăn áo chơi xuân, những đứa trẻ háo hức với bóng bay. Tất cả gợi ra không khí vui tươi, rộn ràng cùng sự hồn nhiên, ngộ nghĩnh, đáng yêu của những đứa trẻ.

Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ

Đến khổ thơ thứ hai, khi cành mận bung cánh muốt cũng là lúc những người lớn trong bản khẩn trương, tất bật với những công việc của mình để đón Tết, mừng xuân. Mẹ chuẩn bị lá, gạo gói bánh, đồ xôi dâng cúng thần núi, thần rừng, tổ tiên cầu mong no ấm bình an, mùa màng tươi tốt, cha căng cánh nỏ cho hội thi bắn ngày xuân, các cụ già hối hả làm đu cho kịp chơi xuân.

Chỉ với ba câu thơ nhưng tác giả đã làm nổi bật sự nhộn nhịp, rộn ràng trong các gia đình cũng như bản làng. Mỗi người mỗi việc đều hối hả, khẩn trương nhưng cũng rạng ngời niềm vui của cuộc sống yên bình, no đủ, tất cả như đang hòa cùng sắc xuân trắng muốt nơi cành mận để đón một mùa Xuân mới ấm áp, vui tươi.

Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu

Khổ thơ kết bài tái hiện những ngôi nhà trình tường truyền thống của đồng bào dân tộc nhưng ngôi nhà ấy mùa Xuân cũng như được ủ nếp hương, đó là hương xôi bánh, hương men rượu, hương quả hoa rừng… trong lành, dịu ngọt. Cùng với đó là căn bếp với ngọn lửa hồng như nở hoa, tất cả gợi sự sum họp quây quần, đầm ấm khiến ai đi xa mà chẳng nhớ mong trở về. Mùa Xuân đất trời khiến cảm xúc của nhân vật trữ tình dâng trào, đó là những tình cảm về gia đình, về nguồn cội, về quê hương Đất nước.

Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp

Cho người đi xa nhớ lối trở về...

Với ngôn từ giản dị, hình ảnh giàu sức gợi, những biện pháp tu từ quen thuộc cùng thể thơ năm chữ nhưng bài thơ Mùa hoa mận vẫn để lại những dư vị lắng sâu trong lòng người đọc. Nhà thơ Chu Thùy Liên đã truyền cảm hứng đến cho người đọc những tình cảm thiêng liêng về quê hương, Đất nước. Đọc xong bài thơ nhưng những sắc màu vùng cao cứ lấp lánh mãi trong tâm trí người đọc.

Ba bài thơ nói trên của ba tác giả khác nhau, có hoàn cảnh sáng tác khác nhau, được viết theo các thể thơ khác nhau, mang sắc màu dân tộc khác nhau nhưng lại có rất nhiều điểm chung:

Cả ba bài thơ đều thể hiện cảm hứng về miền núi, tình yêu nguồn cội, các giá trị văn hóa dân tộc, quê hương, Đất nước, đều khao khát trở về; Ba bài thơ đều có cách thể hiện giản dị, ngôn từ mộc mạc gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của đồng bào các dân tộc vùng cao nhưng được lựa chọn, chắt lọc, giàu sức biểu cảm. Có thể nói đó là ba bài thơ đương đại có giá trị của các tác giả dân tộc thiểu số góp phần làm phong phú đời sống Văn học Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...