Thế nhưng, nếu không tự tay chuẩn bị, chúng ta khó có được không khí tất bật, náo nức của những ngày cận Tết, vốn được coi như sợi dây gắn kết các thế hệ… Cùng với gia đình, nhiều trường học đã tái hiện không gian Tết xưa trong nỗ lực gìn giữ những nét đẹp của cội nguồn văn hóa dân tộc.
Bếp lửa giữa sân trường
Những ngày đông lạnh cuối năm, một góc của sân trường Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ấm áp và rộn ràng bởi tiếng nói cười ríu rít. Thỉnh thoảng lại có tiếng ồ lên thú vị của một vài bé khi nghe tiếng xèo của bột lúc đổ vào khuôn bánh: “Cô ơi, vui quá cô hì”. Cô Trần Phương Đông – Tổ trưởng tổ cấp dưỡng của nhà trường vùi thêm mấy củ khoai lang vào bếp than. Mùi khoai nướng quyện với mùi bánh xoài, mà người miền Trung quen gọi là bánh thuẫn, gợi nhớ không khí gia đình của những ngày giáp Tết.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh kể: Những ngày còn bé, chị em tôi thường ngồi chầu rìa xem người lớn trong gia đình, thường là bà và mẹ đổ bánh thuẫn. Thỉnh thoảng lại được “hưởng xái” những cái bánh có hình dáng không được đẹp. Tết vì vậy thường bắt đầu từ những chuẩn bị tất bật của người lớn. Giờ ở thành phố, rất ít gia đình tự tay làm bánh, mứt truyền thống. Vì vậy, nhà trường tái hiện phần nào không khí Tết cổ truyền thông qua các hoạt động như đổ bánh thuẫn, gói, nấu bánh chưng...
Không khí Tết tưởng như có thể “sờ nắm” được trong buổi học cuối cùng trước khi HS Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tà Long (xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) về nhà đón Tết Nguyên đán. Trên khoảng sân của khu nội trú, các bếp lửa đỏ hồng được nhen lên. Mỗi bếp đều có một giáo viên hướng dẫn cho HS làm những món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. Mùi thơm của mứt gừng, lá dong, lá chuối tươi xanh… quyện vào nhau thơm nức, nồng nàn. Những bàn tay HS lóng ngóng, vụng về “bắt” miếng mứt gừng cho thẳng, không bị gập. Tiếng HS hỏi thầy giáo cách trang trí cây nêu…
Đêm hôm đó, bên nếp lửa canh nồi bánh chưng, bánh tét, thầy cô giáo kể cho HS phong tục của ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Những ký ức Tết xưa của thầy cô giáo cũng được khơi gợi, chia sẻ trong những câu chuyện không đầu không cuối trong khi chờ bánh chín. Khoảng cách thế hệ được rút ngắn lại từ những câu chuyện kể về những ngày tháng đi học của chính thầy cô giáo… Tất cả rồi sẽ trở thành ký ức đẹp đẽ trong lòng mỗi HS sau này khi nhớ về thời hoa niên đầy mơ mộng.
Em Hồ Thị Mê, HS lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tà Long nói: Lần đầu tiên em tự tay làm bánh chưng, bánh tét và cả mứt gừng; biết được những món ăn truyền thống để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Ở nhà, em chỉ được mẹ em bày cho làm bánh dày, bánh peng để cúng Tết lúa mới của đồng bào.
Sau những chuẩn bị chu đáo của HS và GV, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tà Long sẽ đón phụ huynh từ các bản làng về chung vui trong Ngày hội Vui Tết cổ truyền. Thầy Hoàng Đình Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là năm thứ 2 hoạt động “Vui Tết cổ truyền” được tổ chức cho HS nhằm giúp các em hiểu được ý nghĩa của Tết dân tộc.
Hương Tết nồng nàn
Năm nào nhà chị Phan Thị Thủy (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng tổ chức gói bánh chưng vào ngày 28 Tết. Con cháu tập trung đông đủ tại nhà ông bà, chia nhau công việc rửa lá rồi phơi, vo gạo nếp, chia thịt… Những câu chuyện đã qua trong năm được các thành viên chia sẻ bên bếp lửa canh nồi bánh. Rồi những dự định, kế hoạch trong năm mới cũng được giãi bày.
Nếp nấu bánh chưng, bánh tét để con cái trong nhà biết đến ý nghĩa khi tự tay làm những món ngày Tết cũng như “thấm” hương vị, không khí Tết truyền thống được gia đình chị Nguyễn Thị Hải Phước (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) duy trì đều đặn. Dù để chuẩn bị cho nồi bánh chưng, việc khó khăn nhất với chị Phước, không phải là công đoạn mua lá, chuẩn bị nếp hay kiếm củi, nhóm than, mà là đi “vận động, thuyết phục” hàng xóm để được đỏ lửa.
Chị Phước kể vui: Thuyết phục cũng mệt thật, vì nhà nào cũng sợ khói, bụi, lo cháy nổ. Nhưng khi bếp lửa bắt đầu bập bùng, trẻ con, người lớn đều ghé vào góp chuyện. Ai cũng háo hức với nồi bánh Tết, nhất là những cụ già, cũng phải lui tới vài ba lần, nhắc nhở châm thêm nước, canh lửa để lúc nào thì bớt củi để cho bánh chín đều mà không bị “lại gạo”. Những khó chịu khi đi “thuyết phục” vì vậy cũng tan biến. Màu Tết, mùi Tết, vì vậy có lạt phai hay nồng đượm, là từ những nỗ lực của mỗi người trong gìn giữ cùng tâm thế chuẩn bị đón Tết.