Cấm quà biếu sếp

GD&TĐ - Cứ mỗi cuối năm, Ban Bí thư, Chính phủ lại ra chỉ thị về cấm biếu xén quà Tết cho lãnh đạo. Việc tặng quà Tết trong xã hội đã bị biến tướng xấu xí ở nhiều nơi. Cơ quan lớn quà lớn, cơ quan bé quà bé. Đến khi nào văn hóa quà Tết mới trở lại đúng nghĩa là một nét văn hóa?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đến hẹn lại lên, cuối năm chỗ nào cũng tắc đường. Và trong vô số nguyên nhân thì người ta liệt kê việc đi biếu quà sếp lúc năm hết Tết đến. Cấp cơ quan, cấp bộ ngành, rồi địa phương lên biếu quà Trung ương, bao nhiêu năm nay đã thành phong trào, thành cái lệ xấu xí.

Quà cho sếp thế nào là đủ? “Mức trần” chắc là phụ thuộc vào cấp nào, lợi ích đem lại cho nhau ra sao, chứ khái niệm “quà Tết” giờ chắc ở nhiều nơi không còn đồng nghĩa với sự chân thành nữa.

Trong chỉ thị của Ban Bí thư hôm 20/12 về tổ chức Tết 2020 có yêu cầu về việc thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, không tổ chức đi thăm, chúc Tết, biếu tặng quà Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Điều đó cũng giống như sự thừa nhận quà Tết đã thành vấn nạn và đã biến tướng tới các cấp rất cao rồi.

Quà biếu, ngày xưa là tiền Việt thì đã thành ngoại tệ mạnh, xưa đựng trong phong bì hay chuyển qua tài khoản của sếp và người thân của sếp, thì rồi được ngụy trang trong bó hoa, thùng hoa quả.

Người dân bình thường có thể chỉ nghe đến quà vài nghìn “đô”, chứ trăm nghìn “đô”, triệu “đô” thì quá xa lại với cuộc sống của họ. Nếu không có các vụ xét xử đại án làm lộ ra nhiều vị quan chức nhận hối lộ gần đây, cảnh tượng ngoại tệ mạnh chất đầy vali, thùng các tông để biếu sếp thật khó hình dung.

Những gì người ta đồn đại râm ran, hóa ra là chuyện thật, đã được cơ quan điều tra xác định. Dù đó không phải quà Tết, nhưng nó không khỏi khiến người ta kinh sợ về mức trần có thể sau mỗi vụ làm ăn, mua bán chức tước lợi ích.

Rồi ngay cả trong nhiều cơ quan cũng vậy. Không ít nơi cuối năm nhân viên lại đau đầu thì thào với nhau biếu sếp cái gì. Có nơi nhân viên xếp hàng tặng quà cho sếp, ban nọ nhìn ban kia, người mới nhìn người cũ.

Không tặng thì biết đâu lại bị trù dập, soi mói… Tình trạng này thường xảy ra trong cơ quan Nhà nước chứ ít thấy ở các đơn vị tư nhân và có lẽ không có ở các công ty tổ chức nước ngoài.

Quà Tết cuối cùng không còn là để thể hiện sự biết ơn, ghi nhận, trân trọng nhau nữa. Món quà là sự đổi chác, mua bán, kèm cả sự sợ hãi, coi thường.

Ở nhiều nước, phong tục tặng quà nhau dịp lễ Tết vốn rất bình thường. Những món quà nhỏ xinh mang đúng nghĩa lưu niệm, quý mến, có lẽ vì họ có luật pháp nghiêm khắc, cơ chế giám sát minh bạch.

Họ có quy định cụ thể về việc người đứng đầu các cơ quan chính quyền hay tổ chức, công ty không được nhận quà tặng có giá trị vượt quá một mức tiền nào đó, có khi chỉ vài trăm USD, nếu cao hơn sẽ bị coi là nhận hối lộ. Và cuối năm, họ có trách nhiệm phải kê khai những món quà được tặng trong năm qua, món nào sung công, món nào có thể giữ cho cá nhân…

À mà thôi, đó là chuyện nhà người ta. Còn nhà mình, mấy năm gần đây có chỉ thị từ cấp cao như thế, thì có những ghi nhận việc biếu quà Tết đã giảm.

Nhất là cuộc đấu tranh “củi lửa” hiện giờ cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc. Hy vọng rồi rằng, nhận thức về quà tặng trở lại thành sự văn minh, văn hóa vốn có. Và sao lại không phải là việc sếp biếu tặng quà nhân viên mỗi dịp Tết đến xuân về?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.