Sau ngày cưới, em cấp tốc vạch kế hoạch quản lý tài chính gia đình thật chặt chẽ. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất quản chồng. Kinh nghiệm này không phải của em mà do mấy con bạn đành hanh đỏ mỏ truyền đạt.
Đàn ông trong sạch thì trong túi phải không có tiền. Các cụ từ thời nguyên thủy đã dạy bí kíp này rất cẩn thận. Chồng em lại lương cao cộng với thưởng nữa chứ, nếu không quản thì gái sẽ xơi mất quá nửa cũng nên.
Một hôm đẹp trời, em làm một mâm rượu thịnh soạn mời ông sếp của chồng tới nhậu một trận tơi bời khỏi lửa. Nhậu xong em còn biếu sếp 3 con gà mái ghẹ (sếp chỉ thích gà mái ghẹ) và yêu cầu: Sếp cho phép em được nhận mọi khoản tiền của chồng ở công ty, tiền lương, tiền thưởng, tiền ăn ca, tiền quà nhân các ngày lễ tết… Sếp gật đầu cái rụp. Em thấy vui quá xá.
Thế là yên tâm một việc lớn. Kể từ nay em đã có cái gậy quyền lực quản chồng rùi, đàn ông không xu dính túi thì chó nó theo!
Chỉ cần có vài chục nghìn trong túi thôi là anh ta có thể mời gái đi uống nước mía hay ăn bánh rán rồi, nguy hiểm phết.
Việc thứ 2 cần kiểm soát là đi đám xá, thăm nom người ốm đau trong làng, đây là một việc quan trọng không thể bỏ qua. Làng Tó này có tới 3 nghìn gia đình với trên 10 nghìn khẩu nên liên tục có người ốm đau, tai nạn…
Theo quy chế gia đình, chồng chỉ cần thông báo có việc thăm hỏi là em phải đưa tiền cho anh ta đi.
Một hôm chồng em báo cáo: Cụ Trần Thanh Dê 95 tuổi ở xóm Tỏi ốm liệt giường, đang thở hắt ra…
Em làm ngay cái phong bì 200 ngàn cho chồng tới thăm. Hầu như ngày nào chồng cũng thông báo có vụ việc cần phải thăm.
Một năm có 365 ngày thì em phải chi tiền cho chồng đi 364 vụ việc, chỉ có 1 ngày là không có việc gì thôi.
Không hiểu sao càng ngày anh ta càng chăm đi thăm người ốm đau, tai nạn,
Một lần con bạn nhắn tin: "Chồng mày gồi với gái ở quán chè bưởi đầu làng!"
Em giật mình vì không biết anh ta lấy tiền đâu cho gái ăn chè.
Em vội vàng đi kiểm tra các phong bì đám xá thì phát hiện chồng rút ruột mất một nửa.
Em đang nghĩ cách trừng trị chồng thì nhận được thông báo của trưởng thôn: Gia đình anh chị được nhận bằng khen vì tích cực chia sẻ thăm nom người ốm đau trong làng.
Đây là vinh dự quá lớn, nhờ chồng mới có được. Em ngồi suy ngẫm một mình: Chồng yêu ơi, cứ chịu khó đi thăm nom bà con trong làng là được, em sẽ làm phong bì gấp đôi tiền cho anh thoải mái bớt xén!