Nhà thơ Do Jong-hwan, cũng như bao người dân Hàn Quốc cùng thế hệ ông đã đi qua đêm đen để đến với bình minh, rồi trải qua một ngày với bao cung bậc của đời sống đương đại.
Và nắng chiều thường như vàng sậm hơn, tựa như cuộc đời một con người khi bước sang tuổi xế chiều, người ta thường sống bằng những suy tư cùng cảm xúc sâu lắng.
Đây là quãng thời gian giúp con người bình tĩnh nhìn lại những chặng đường mà mình đã đi qua, thấy được nhiều hơn ý nghĩa của đời sống, tích lũy thêm những năng lượng để tiếp tục hành trình.
Con người trong tập thơ “Ba đến năm giờ chiều” của Do Jong-hwan, qua bản dịch tiếng Việt của Lê Đăng Hoan đem đến cho bạn đọc nhiều điều khác biệt, bất ngờ và thú vị.
Đó là cái tôi rực sáng khi nhìn lại quá khứ, cộng hưởng với hiện tại và tương lai. Cái tôi kỳ lạ của cá thể sáng tạo ấy đang tiếp cho bạn đọc đương thời năng lượng, nhiệt huyết và cảm xúc mới để họ vững tin hơn đi tới những ước mơ cao đẹp của mình.
“Ba đến năm giờ chiều” cho chúng ta nhìn thấy số phận một con người cụ thể cũng như những thử thách mà người dân Hàn Quốc phải gánh chịu trong thế kỷ qua.
Những trận động đất làm đảo lộn cuộc sống, sự “xáo trộn” và “đứt gãy” các hệ giá trị văn hóa, kinh tế, chính trị..., những mùa Đông lạnh khủng khiếp đầy khắc nghiệt đến những linh hồn cũng không tìm được nơi nương náu trên thế gian này...
Bản thân nhà thơ lớn lên học hành, có thời gian phải sống trong lao tù bởi đã dũng cảm đấu tranh cho nền dân chủ, rồi hoạt động chính trị, lên đến chức Bộ trưởng, là Nghị sĩ Quốc hội của Đại Hàn dân quốc...
Nhưng hơn tất cả, thơ ông đã phản ánh đời sống của một công dân có trách nhiệm với đất nước mình, nặng lòng với dân tộc mình. Qua thơ ông, chúng ta nhìn thấy một dân tộc dũng cảm và kiên cường, đã vượt lên mọi khó khăn thử thách để cống hiến và kiến tạo.
Trong bài thơ “Cuộc chia tay sững sờ”, chúng ta không thấy một Do Jong-hwan yếm thế, bi lụy, mà ngược lại, ông luôn tin những điều tốt đẹp sẽ đến với mình, đến với cuộc đời này, tựa những lá ngân hạnh vừa rơi xuống hợp lại thành những nốt nhạc vang lên để nhớ thương người vợ đã quá cố của ông.
Và, ông tin rằng, nếu điệu nhạc ấy kết thúc, thì số phận trái ngang của ông cũng biến thành cảnh quan tươi đẹp. Hay trong bài thơ “Nhổ răng”, nhà thơ luôn tự nhủ, dù lá cây có bị sâu ăn, thủng mòn loang lổ thì những bông hoa tím vẫn nở rộ đẹp tươi theo mùa màng.
Tình yêu là ngọn lửa hun đúc lên sức mạnh trong thơ Do Jong-hwan, giúp ông biết yêu tha thiết những ngày nhạt nhẽo đơn côi bên những ngọn núi không tên trong vắng vẻ hoang liêu, nơi những bông hoa như vụt nở rồi nhanh chóng héo tàn... Ông cũng mong cho tất cả tình yêu trên thế gian dù bị tổn thương, nhưng tựa bông hoa của ban mai luôn nở bung mạnh mẽ.
Có những lúc nhà thơ đã tự thú mình phải mang một tâm hồn đầy thương tích. Nhưng ông biết nương tựa vào thiên nhiên, vào sự trường tồn mãnh liệt của thiên nhiên.
Ông ví con người sống bên nhau như những cái cây biết nương tựa vào nhau thành đại ngàn, bảo vệ nhau qua bão giông, thác lũ, làm cho mặt đất này mãi vững bền. Mỗi con người trong thơ của ông tựa chiếc lá trong rừng cây bạt ngàn kia luôn sáng lên lấp lánh bằng ánh diệp lục của riêng mình.
Do Jong-hwan là nhà thơ bênh vực những số phận bé mọn, bênh vực người nghèo, những phụ nữ từng bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tình dục trong chiến tranh trước đây, những người thua thiệt trong xã hội...
Nhà thơ Do Jong-hwan (trái) và dịch giả Lê Đăng Hoan. |
Ông cũng là nhà thơ song hành với lịch sử phát triển của đất nước Hàn Quốc, luôn trăn trở, suy tư với những biến cố của thời đại. Đó là sự cố nhà máy điện nguyên tử trên đảo Three Mile, thảm họa Chernobyl năm 1986, cùng sự cố nguyên tử ở Fukushima, Nhật Bản.
Tôi rất xúc động khi đọc bài thơ “Sông Ba” - con sông chảy qua thành phố Tuy Hòa của Việt Nam. Đó là cái nhìn cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh lịch sử vùng đất từng xảy ra chiến tranh tàn khốc này.
“Còn bây giờ nước sông trở thành bạn bè
cùng nghe chung tiếng nói”.
Dòng sông Ba chảy trong bài thơ của Do Jong-hwan đã kết nối con người với con người, xóa đi mọi hận thù, chia ly và nghèo đói. Câu thơ ấy cho bạn đọc cảm nhận được tấm lòng nhân hậu, bác ái của nhà thơ.
Trong bài thơ “Tượng Phật ở khắp nơi”, ông đã nói về sức mạnh và quyền lực của tình yêu:
“Khi đã yêu thì tất cả đều là Phật”.
Tình yêu chính là ánh sáng lan tỏa khắp tập thơ này, nó thắp sáng tâm hồn một nhà thơ nhân hậu, giàu lòng vị tha như Do Jong-hwan.
Thơ Do Jong-hwan được ánh xạ từ vẻ đẹp tâm hồn người Hàn, rất mực nhân hậu, chân thành và cởi mở; ánh xạ từ vẻ đẹp thiên nhiên những lúc giao mùa, từ phong tục tập quán, và, xa rộng hơn nữa, từ văn hóa độc đáo, giàu bản sắc Hàn Quốc.
“Dòng sông ôm vào lòng ánh nắng hoàng hôn
khi rơi xuống từ từ làm thân thể ta run lên nhè nhẹ”.
Đó là câu thơ tuyệt đẹp trong bài thơ “Dịu dàng”, một trong nhiều câu thơ đã mê hoặc, quyến rũ tôi, cho tôi chiêm ngắm vẻ đẹp tâm hồn của người Hàn có nhiều nét đẹp tương đồng với tâm hồn người Việt.
Tôi rất ấn tượng với những bài thơ có hình thức văn xuôi của Do Jong-hwan. Những bài thơ này tuôn chảy mạnh mẽ tựa một dòng thác rất mạnh. Ông đã tạo ra khoảng trống giữa các câu thơ, làm cho chúng phát sáng, giao thoa, kết thành một dòng chảy mạnh mẽ, cuốn người đọc đi theo cảm xúc và trí tưởng tượng bất ngờ của ông. Nổi bật là các bài thơ “Nghe hợp xướng của những người nô lệ Hebrew”, “Thong-yuong”, “Hoa nở muộn”, “Đất trời thay đổi”, “No More Fukushima”…
Thơ Do Jong-hwan giản dị, chiếm được cảm tình số đông bạn đọc Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều khuynh hướng thơ, bạn đọc cũng bị phân hóa theo từng khuynh hướng mà họ yêu thích.
Khi tập thơ “Ba đến năm giờ chiều” được NXB Hội Nhà văn Việt Nam phát hành năm 2022, rất nhiều bạn đọc đã tìm đọc tập thơ của Do Jong-hwan. Hầu như đa số đều cảm nhận được sự chân thành, gần gũi của tác giả qua tập thơ này. Chúng tôi đọc mỗi bài thơ của ông tựa một lần được nắm bàn tay ấm áp của một người bạn thân thiết đến từ Bắc Á.
Do Jong-hwan tự ví mình như “bông hoa nở muộn”, lá rụng sớm, sau đó dù có đơn côi, hoang vắng bao nhiêu đi nữa, “thì những ngày có nhau là những ngày chói sáng”.
Đây thực sự là câu thơ xuất thần, nó cho chúng ta nhìn thấy một tâm thế ung dung của thi sĩ, giống như một bông hoa tự tin tỏa hương thơm và bay đi xa. Ánh sáng tuyệt đẹp của bông hoa ấy đã làm thay đổi cuộc đời này, thay đổi cả thế giới.