Thách thức lớn trong chuyển đổi số với giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần bảo đảm tính linh hoạt để thích ứng với việc cung cấp kỹ năng cho người học.

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên trong bối cảnh mới cần thay đổi để phù hợp. Ảnh minh họa
Phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên trong bối cảnh mới cần thay đổi để phù hợp. Ảnh minh họa

Đặc biệt, cần phải có sự tham gia của các bên liên quan đến thị trường lao động trong đào tạo.

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên

TS Phạm Thị Hoàn, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, kỹ năng nghề nghiệp được xem như tài sản có được của mỗi con người sau quá trình định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề và sự thích ứng với nghề. Phát triển kỹ năng nghề nghiệp là điều vô cùng có ý nghĩa và cần thiết với mỗi người trẻ để có được sự thành công trong cuộc đời. Đó cũng là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm sự thịnh vượng và an ninh của một quốc gia.

TS Phạm Thị Hoàn cũng cho biết thêm, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng hơn những vấn đề mà thanh niên vốn phải đối mặt. Sự cô lập và căng thẳng xã hội kéo dài dự kiến sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về sức khỏe tinh thần ở thanh niên.

Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp của thanh niên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục leo thang. Trên khắp thế giới, hơn bốn trong số mười thanh niên đã làm việc trong các lĩnh vực khó khăn khi khủng hoảng bắt đầu. Gần 77% nhóm này làm việc phi chính thức.

Điều này đặt ra yêu cầu các quốc gia phải xây dựng các chính sách mới để giải quyết khả năng gia tăng tình trạng thất nghiệp của thanh niên và sự chuyển đổi kéo dài giữa giáo dục và thế giới việc làm. Việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên nhằm hỗ trợ họ thích ứng với những yêu cầu mới trong bối cảnh mới cũng là bài toán đặt ra cho mỗi quốc gia.

Viện trưởng Phạm Thị Hoàn cho hay, một số dự án gần đây như “Chuyển đổi số và tương lai việc làm” và “Thay đổi bản chất và vai trò của GDNN ở châu Âu” đã phân tích các tác nhân và ảnh hưởng của chuyển đổi số đến công việc và việc làm. Từ đó, đưa ra những hàm ý chính sách về tương lai đào tạo nghề ở châu Âu.

Những báo cáo này chỉ ra những thách thức lớn của GDNN trong thời đại chuyển đổi số. Nó bao gồm việc bảo đảm hệ thống có thể thích ứng với những thay đổi công nghệ và đáp ứng nhu cầu về các kỹ năng mới cho những công việc mới. Đồng thời, bảo đảm rằng, những người được tuyển trong các trường nghề có các kiến thức kỹ thuật và có thể tiếp cận công nghệ mới nhất. Từ đó, việc đào tạo có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành.

“GDNN phải tận dụng những cơ hội của thời đại chuyển đổi số để nâng cao khả năng tiếp cận và cung cấp các dịch vụ đào tạo”, TS Phạm Thị Hoàn nhấn mạnh.

Tiến bộ công nghệ nhanh chóng đã và đang tiếp tục có những tác động đáng kể đối với GDNN. Do đó cần những chính sách phát triển phù hợp với bối cảnh mới. Trước hết, cần phải hiểu và lường trước những thay đổi để xây dựng, thiết kế các hệ thống GDNN. Nói rộng hơn là các chính sách phát triển kỹ năng hiệu quả, thích ứng với những thay đổi.

Bên cạnh đó, GDNN cần bảo đảm tính linh hoạt để thích ứng với việc cung cấp kỹ năng. Đặc biệt cần phải có sự tham gia của các bên liên quan đến thị trường lao động. Mục đích để bảo đảm sự phù hợp giữa cung và cầu.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Ngoài ra, trên toàn cầu, các yêu cầu về kỹ năng và trình độ được yêu cầu cho việc làm đang tăng lên. Điều này phản ánh nhu cầu không chỉ về một lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng hơn mà còn có thể thích ứng nhanh chóng với các công nghệ mới xuất hiện trong quá trình học tập không ngừng của họ.

GDNN cần phải có sự khớp nối

Một trong những vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với việc phát triển GDNN là phải luôn luôn gắn liền với thị trường lao động và việc làm. Cùng với đó là mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả trong phạm vi toàn quốc và vùng miền, địa phương.

Quá trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bao gồm cả đào tạo ban đầu và đào tạo tiếp tục, nhưng lại được chuẩn bị từ giáo dục phổ thông. Nó không chỉ diễn ra trong nhà trường, kể cả trong trường phổ thông, mà còn tiếp tục trong suốt cuộc đời làm việc của người lao động. Do vậy, hệ thống GDNN cần phải có sự liên thông, khớp nối giữa các cấp bậc học, các trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thêm nữa, rất khó để đào tạo bao quát hết được các ngành nghề mà nhu cầu sử dụng lao động cần đến. Trên thực tế, có những ngành nghề được đào tạo chính quy tại các cơ sở GDNN. Một số không ít ngành nghề được đào tạo thông qua các hình thức không chính quy và phi chính quy khác nhau tại chỗ làm việc.

Do vậy, việc tham gia tích cực của bên sử dụng lao động và doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi nhiều việc làm có sự thay đổi về bản chất, tính chất.

Từ những yêu cầu trên đặt ra yêu cầu lớn cho GDNN phải có những thay đổi cả về nội dung đào tạo và phương thức đào tạo. Mục đích để thích ứng với những yêu cầu mới trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Do vậy, việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên trong bối cảnh mới cũng đòi hỏi thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Theo một nghiên cứu của Deloitte, các kỹ năng mà thanh niên cần có trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm sự sẵn sàng làm việc, kỹ năng mềm, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng khởi nghiệp.

“Ngoài bốn loại kỹ năng trên, đẩy mạnh học tập liên tục và suốt đời để giúp thanh niên thích nghi và tham gia vào bối cảnh công việc đang thay đổi ngày càng được chú trọng. Bốn loại kỹ năng kết hợp với nhau có thể cung cấp nền tảng cho việc học tập suốt đời và các kỹ năng cần thiết cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các kỹ năng này có thể có được từ nhiều phương thức đào tạo khác nhau như làm việc nhóm, trải nghiệm, ứng dụng thực tế...”, TS Phạm Thị Hoàn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ