Cảm hứng lịch sử trong văn học mạng. Bài cuối: Một sự tiếp nối cần khích lệ

GD&TĐ - Trò chuyện với Báo GD&TĐ, PGS.TS Vũ Nho cho rằng, đây là sự tiếp nối dòng chảy trong văn mạch dân tộc cần được khích lệ.

Người trẻ lấy cảm hứng lịch sử để sáng tác là rất đáng khuyến khích. Ảnh: Hồng Anh.
Người trẻ lấy cảm hứng lịch sử để sáng tác là rất đáng khuyến khích. Ảnh: Hồng Anh.

>>> Cảm hứng lịch sử trong văn học mạng. Bài 2: Giới hạn nào cho người viết?

>>> Cảm hứng lịch sử trong văn học mạng. Bài 1: Đậm dấu ấn cá nhân

Là người quan tâm đến sáng tác lấy cảm hứng từ lịch sử của các cây bút trẻ, trò chuyện với Báo GD&TĐ, PGS.TS Vũ Nho cho rằng, đây là sự tiếp nối dòng chảy trong văn mạch dân tộc cần được khích lệ.

- Ông thấy sao khi thời gian gần đây xuất hiện một số tác giả trẻ lấy cảm hứng lịch sử để sáng tác?

PGS.TS Vũ Nho: Tôi thấy rất vui. Chúng ta biết nhà có gia phả, họ hàng có tộc phả, nước có Quốc sử. Những ghi chép không thể thiếu của một nhà, một họ và mỗi quốc gia. Triều đại nào cũng có “Quốc sử quán” chuyên ghi chép lịch sử. Bác Hồ đã từng dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Hiểu biết lịch sử vô cùng quan trọng. Người trẻ lấy cảm hứng lịch sử để viết văn thơ, trong đó có tiểu thuyết lịch sử là rất đáng khuyến khích. Cũng cần phải nói rằng khái niệm “nhà văn trẻ” chỉ là khái niệm tương đối, chỉ lớp nhà văn trẻ hơn các bậc đàn anh, đàn chị mà thôi. Và lịch sử cũng vậy. Có lịch sử rất xa và lịch sử khá gần.

- Đánh giá của ông về chất lượng của các tác phẩm văn học ấy? Có thể gọi đó là trào lưu mới trong đời sống văn học Việt Nam hay không, thưa ông?

Tôi đọc Sương Nguyệt Minh, Phùng Văn Khai, Đỗ Bích Thúy, Uông Triều, Phạm Vân Anh… tôi thấy họ viết hay, được độc giả ghi nhận. Tôi cũng đọc 2 tác giả trẻ tuổi hơn là Lục Hường với 2 cuốn “Nguyên khí ngàn đời”, “Tri kỉ vượt thời gian” về triều Mạc và Thương Hà (SN 1981) với cuốn “Vùng biên không yên tĩnh”, thấy họ có cách tiếp cận, xử lí đề tài rất thông minh và lối viết mới mẻ, cuốn hút.

Tôi không nghĩ rằng nên gọi đó là trào lưu mới trong đời sống văn học dân tộc. Lí do là từ trước, các nhà văn Việt Nam luôn quan tâm đến đề tài lịch sử. Những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Chu Thiên, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân, Trần Thùy Mai, Nguyễn Huy Thiệp… đã có thành tựu. Đây chỉ là sự tiếp nối dòng chảy trong văn mạch dân tộc.

PGS.TS Vũ Nho.

PGS.TS Vũ Nho.

- Lý giải của ông về việc độc giả trẻ khá quan tâm đến những tác phẩm văn học này?

Đơn giản là có cầu thì có cung. Có bạn đọc cả già lẫn trẻ quan tâm, muốn khám phá nhân vật, sự kiện, triều đại lịch sử… Vì vậy, các nhà văn viết để đáp ứng.

Thật ra khó có thể nói người trẻ thờ ơ hay không quan tâm đến lịch sử. Hiện tượng học sinh reo hò, vứt tài liệu ôn thi môn Lịch sử trước đây chỉ chứng tỏ việc dạy và học môn này bất cập trong nhà trường, hoàn toàn không phải là căn cứ để nói rằng giới trẻ lạnh nhạt hay thờ ơ với lịch sử.

- Theo ông, vì sao vẫn còn đó những lo lắng, hồ nghi rằng người trẻ chưa thể nắm chắc, thấu hiểu về lịch sử để vận dụng trong sáng tác?

Các cụ ta xưa có dạy: “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Điều đó chỉ còn đúng một nửa mà thôi. Lớp trẻ bây giờ được chăm sóc, học hành bài bản, tiếp cận với các thành tựu khoa học sớm, nên KHÔN sớm. Tất nhiên, vẫn có người lo lắng, đánh giá thấp lớp trẻ. Riêng tôi vẫn tin vào những người trẻ. Họ sẽ vượt cha anh!

- Tác giả trẻ cần có sự đầu tư và trách nhiệm gì trước những đứa con tinh thần của mình, thưa ông?

Viết cho hay, cho hấp dẫn. Viết để cho không chỉ người trẻ, mà mọi tầng lớp quan tâm đến lịch sử là trách nhiệm vẻ vang của người cầm bút. Nhà văn trẻ cần tự trang bị cho mình những điều kiện tốt nhất để thực hiện sứ mệnh của mình.

Đồng thời xã hội, cụ thể là các tổ chức nghề nghiệp, nhà doanh nghiệp cũng cần phát hiện, nâng đỡ và tạo điều kiện cho những nhà văn trẻ đã, đang, sẽ xuất hiện trên văn đàn.

- Theo ông, trách nhiệm của kiểm duyệt xuất bản đối với dòng sáng tác này là gì?

Theo tôi, các cơ quan quản lí cần khuyến khích nhà văn trẻ, đặt hàng cho họ, tổ chức trại viết, giúp in ấn, phát hành những đứa con tinh thần đó. Nếu họ có những lệch lạc thì cần sớm phát hiện, uốn nắn, giúp đỡ trên tinh thần bao dung, rộng lượng. Được như thế sẽ khuyến khích các nhà văn trẻ phục vụ tốt nhất cho bạn đọc, cho nhân dân, cho đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

TS Diêu Thị Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Hãy viết đi, đừng e ngại!

Các tác giả trẻ quan tâm đến lịch sử là một điều rất đáng mừng. Bởi vì, lịch sử luôn gắn liền với quốc gia dân tộc, với văn hóa.

Chúng ta đang lo lắng vì giới trẻ lãng quên lịch sử, lãng quên quá khứ, thì việc làm sống lại lịch sử, là một điều nên ủng hộ. Bên cạnh đó, lịch sử cũng là một chất liệu tuyệt vời của văn chương, tôi ủng hộ những sáng tác nhân văn và tiến bộ.

Nếu là những sáng tác có giá trị tích cực, thì sẽ có những tác động tích cực, ví như giúp giới trẻ hiểu biết hơn về lịch sử, về quá khứ, từ đó nhận diện rõ hơn về chính mình và hiện tại. Từ việc biết, hiểu, cũng có thể dẫn đến yêu và trân trọng lịch sử, quá khứ và những giá trị truyền thống của đất nước.

Ở khía cạnh tiếp nhận tác phẩm văn chương, nếu độc giả hiểu được bản chất của nó sẽ có thái độ, tư duy và năng lực tiếp nhận phong phú, đúng đắn hơn. Bên cạnh đó, việc bồi đắp các giá trị bền vững như tinh thần nhân văn, tư tưởng tiến bộ, tôn trọng sự khác biệt là để bạn có thể trở thành một độc giả tốt.

Lịch sử và văn chương là hai lĩnh vực khác nhau. Lịch sử hướng đến sự thật; văn chương là sáng tạo nghệ thuật - là có hư cấu. Đối tượng của lịch sử là sự kiện và nhân vật trong mối liên quan đến quốc gia dân tộc; đối tượng của văn chương là sự kiện và con người nhưng trong mối liên quan đến thân phận, suy tư, thế giới tinh thần và nó mang tính chủ quan.

Đó là một sáng tạo. Vì vậy, đương nhiên sáng tác dựa trên chất liệu lịch sử có những ràng buộc nhất định, nhưng nhà văn vẫn có quyền hư cấu, sáng tạo và trình bày suy tư của mình. Nói cho cùng, không có gì là chính xác tuyệt đối, nhất là những cái đã xa rời chúng ta.

Hãy viết đi, đừng e ngại. Chỉ cần bạn có một lý tưởng tốt đẹp cho con người và đất nước này, thì bạn đã có ánh sáng soi đường.

Hồng Anh (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ