Giáo viên là người truyền cảm hứng cho học sinh yêu Lịch sử

GD&TĐ - Môn Lịch sử thường bị gắn “định kiến” là khô khan, nặng nề số liệu, sự kiện. Vì thế, giáo viên cần là người đầu tiên thay đổi phương pháp, cách kiểm tra, đánh giá để khơi dậy tình yêu Lịch sử cho học sinh.

Cô Hà Thị Thanh Nhàn - GV Lịch sử Trường THCS Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An trong tiết giảng trên lớp.
Cô Hà Thị Thanh Nhàn - GV Lịch sử Trường THCS Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An trong tiết giảng trên lớp.

Phát huy trách nhiệm, tâm huyết của giáo viên Lịch sử

Là ngôi trường vùng ven sông Lam, học sinh phần lớn là con em nông thôn khó khăn, nhưng nhiều năm nay, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thành Chương, Nghệ An) đều có những dấu ấn về chất lượng dạy học. Tại các kỳ thi, nhà trường luôn góp mặt nhiều học sinh đạt giải cao.

Theo lãnh đạo nhà trường, để có chất lượng dạy học nói chung, thì trước hết đội ngũ giáo viên cần tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức nâng cao năng lực bản thân. Chính giáo viên giữ đam mê, thì mới truyền cảm hướng được cho học trò.

Riêng môn Lịch sử, trường từng có học sinh là em Võ Thị Lam giành giải Nhất, thủ khoa toàn tỉnh năm học 2020-2021. Lam chia sẻ, trước đó, cũng như nhiều học sinh khác, em đã từng e ngại môn Lịch sử, bởi nghĩ rằng đây là môn học khô khan, nhiều số liệu và sự kiện phải ghi nhớ. Nhưng được sự dẫn dắt của cô giáo Trần Thị Lan Anh, đã giúp em từng bước vượt qua “mặc định” này.

Nữ sinh chia sẻ nhiều học sinh chủ quan khi cho rằng kiến thức trong sách giáo khoa không quan trọng, nhưng đây lại là điều cần thiết đầu tiên. Từ những kiến thức căn bản này, từng bài một em sẽ nâng cao theo từng chủ đề. Chẳng hạn, bài học về các nước Anh, Mỹ, Pháp em sẽ phân thành chủ đề nước tư bản, các nước Á, Phi, Mỹ la tinh sẽ phân thành chủ đề phong trào giải phóng dân tộc.

Ngoài ra, để nhớ và nắm chắc các sự kiện, em thường học theo sơ đồ tư duy. Muốn học Lịch sử tốt cần phải có đam mê và yêu thích với môn học này. Sau thành tích tại kỳ thi chọn HSG tỉnh, nữ sinh đang tiếp tục giữ sơ đồ tư duy này để ôn thi chuẩn bị cho mục tiêu vào đại học.

Cô Trần Thị Lan Anh và học sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Cô Trần Thị Lan Anh và học sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Cô Trần Thị Lan Anh – giáo viên bồi dưỡng môn Lịch sử, và cũng đã có hơn 10 năm trong nghề chia sẻ: Đối với bậc THPT, dạy học môn Lịch sử có những vất vả riêng, không chỉ đối với học sinh đại trà, mà cả những em mũi nhọn, đội tuyển thi tỉnh, thi trường. Bởi tâm lý các em muốn tập trung định hướng, phân ban ngay từ khi lớp 10 để chuẩn bị cho mục tiêu vào đại học. Vì vậy, với những môn khối khác, học sinh thường không dành nhiều thời gian, thậm chí học đối phó, chỉ cần đạt điểm trung bình.

Để kéo học sinh về với môn Lịch sử, cô Lan Anh đã dành nhiệt huyết, cảm xúc, đổi mới phương pháp dạy học để mỗi tiết Lịch sử trở nên sinh động, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Với những em học sinh giỏi, học theo khối C thì hướng dẫn các em học kiến thức cơ bản và từng bước đào sâu hơn. Giới thiệu thêm tài liệu để các em có nền kiến thức phong phú, đối chiếu so sánh giữa các thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Đồng thời cung cấp các đề thi để các em rèn luyện kỹ năng làm bài.

Đối với học sinh đại trà, cô Lan Anh cũng không đặt áp lực, mà thay vào đó hướng dẫn các em tìm hiểu, đọc lịch sử một cách nhẹ nhàng, thú vị. Cô cũng phối hợp với giáo viên trong tổ chuyên môn Khoa học xã hội để tiếp cận những đổi mới giáo dục, trau dồi chuyên môn.

Cũng theo cô Lan Anh, một điều quan trọng là thay đổi cách ra đề, kiểm tra đánh giá học sinh. Không nên nặng nề số liệu, kiến thức ghi nhớ, mà chỉ cần nhớ được những dấu mốc, sự kiện lịch sử quan trọng. Còn lại để các em có hiểu biết, nhận định, đánh giá được ý nghĩa những sự kiện, giai đoạn lịch sử. Như vậy sẽ khiến học sinh không e ngại, sợ Lịch sử nữa mà tiếp thu, học tập với tâm thế thoải mái hơn.

Không yêu cầu học sinh phải giỏi Lịch sử

Cô Hà Thị Thanh Nhàn là giáo viên đầu tiên của huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đây là niềm tự hào của ngành giáo dục vùng khó khăn này, nhưng cũng là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực, cống hiến của cô giáo Lịch sử.

Tốt nghiệp bằng ưu của ngôi trường đào tao giáo viên hàng đầu cả nước – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng cô chọn trở về quê hương Nghệ An, và lên công tác ở mảnh đất đặt Kilomet số 0 đường mòn Hồ Chí Minh.

Cô Hà Thị Thanh Nhàn luôn có cách động viên học sinh, để các em yêu thích Lịch sử dù không cần phải giỏi môn học này.
Cô Hà Thị Thanh Nhàn luôn có cách động viên học sinh, để các em yêu thích Lịch sử dù không cần phải giỏi môn học này.

Mặt bằng chung học sinh tại đây còn nhiều thiệt thòi, có nền tảng học lực không bằng vùng thuận lợi. Nhưng điều đó không làm giảm đi nhiệt huyết của cô giáo Lịch sử. Đây là môn học được đánh giá khó, khô khan, ít được học sinh yêu quý, nhưng ở đây, các em lại rất đam mê, yêu thích và học giỏi, là động lực lớn để cô quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất miền núi này.

Cô Nhàn tâm sự, Lịch sử vẫn được xem là môn phụ ở bậc THCS. Hoặc do không thường xuyên được chọn là môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nên việc đầu tư, quan tâm của học sinh với môn Lịch sử nói chung chưa nhiều. Thậm chí, khi cô lựa chọn đội tuyển thi HS giỏi huyện, tỉnh, nhiều phụ huynh “tính toán” không muốn con em mình theo Lịch sử. Thay vào đó, chọn những môn để có lợi trong thi vào lớp 10 sau này.

Đây là thực tế trong nhận thức của phụ huynh không chỉ tại Trường THCS Kỳ Sơn mà của nhiều trường học khác trên địa bàn toàn tỉnh mà không dễ gì thay đổi. Giáo viên phải chấp nhận để có hướng tiếp cận học sinh phù hợp. Ngoài dạy học trên lớp thì tích hợp lịch sử trong các môn học khác như Ngữ văn, GDCD, Địa lý. Tổ chức giáo dục về nguồn, trải nghiệm tại di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cách mạng...

Cô Nhàn đã làm được điều đặc biệt là thu hút vào đội tuyển học sinh giỏi sử vì đam mê dù định hướng không theo khối C. “Bên cạnh đó, nhiều học sinh vẫn theo cô, theo lịch sử chỉ do yêu thích, chứ chưa phải đã giỏi. Điều đó khiến tôi xúc động và cảm ơn học sinh của mình rất nhiều”, cô Nhàn chia sẻ.

Theo cô Nhàn, cô không yêu cầu học sinh phải giỏi Lịch sử, cũng không cần nhớ nhiều lịch sử. Ngay cả SGK cũng chỉ là tài liệu học tập, và không thể chứa đựng hết toàn bộ lịch sử trong đó. Nhưng các em có kiến thức cơ bản, biết yêu lịch sử, biết trân trọng quá khứ là đáng ghi nhận và khuyến khích.

Đối với giáo dục THCS, quan trọng là giáo viên truyền cảm hứng, tình yêu lịch sử, và phương pháp học tập, tìm hiểu kiến thức. Việc ghi nhớ, rồi quên, hoặc nhầm lẫn sự kiện là điều bình thường kể cả với học sinh giỏi. Nhưng có phương pháp và nền tảng nhận thức, sau này khi học lên lớp, bậc học cao hơn, gặp vấn đề liên quan đến lịch sử, các em sẽ biết tìm kiếm, tìm hiểu đúng kiến thức trong sách báo, nhiều nguồn tài liệu khác. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.