Cầm đồ, sinh viên dễ thành... Chúa Chổm

Cầm đồ, sinh viên dễ thành... Chúa Chổm

(GD&TĐ) - Trên một số tuyến phố ở Hà Nội, như Đường Láng, Mai Dịch, Minh Khai… có thể dễ thấy rất nhiều cửa hiệu cầm đồ hoạt động nhộn nhịp. Khách hàng là sinh viên chiếm một phần đáng kể…

Lãi suất…trên trời

Có thể nói đến “cầm đồ” như là một loại hình kinh doanh tiềm ẩn sự phức tạp đến mức khó lường, không đơn thuần chỉ là việc thế chấp, cầm cố tài sản để vay tiền và trả lãi. Một trong nhiều biến tướng của nó là những hình thức tín dụng “đen” khi lãi suất được tính theo ngày, thì kể như tài sản đem cầm cố sẽ không có nhiều cơ hội quay về với chủ… Không phải ai cũng có thể dễ dàng và nhanh chóng vay ngân hàng, còn hiệu “cầm đồ” thì đáp ứng được ngay, thủ tục cũng rất đơn giản và nhanh chóng.

Tuy nhiên để đổi lại sự tiện lợi này, chủ hiệu cầm đồ sẽ có những điều khoản thỏa thuận “tương xứng” trong hợp đồng, đối với những “gói” vay giá trị nhỏ và ngắn ngày thì tỷ lệ lãi suất dao động từ 3.000 đồng lên tới 10.000 đồng/1 triệu/ngày, một số trường hợp còn có tỷ lệ thu lãi “khủng” hơn rất nhiều, kiểu như 9% cho 1 tuần, hay 15%, 20% cho 10 ngày,… tùy thuộc vào tình trạng tài sản và khả năng trả nợ của người đem tài sản đến cầm cố. Một số chủ hiệu cầm đồ thậm chí còn không cần thế chấp tài sản mà chỉ cần nắm rõ tên, tuổi, nhà cửa là cho vay ngay. Dĩ nhiên dễ dàng như vậy thì lãi suất chắc chắn là… trên trời. Với mức cho vay “cắt cổ” như vậy nên đã có rất nhiều “con nợ” lâm vào cảnh bần hàn, những vụ đòi nợ, xiết nợ kinh hoàng, gây bất ổn trật tự an ninh xã hội...

Nguyễn Văn Đạt, sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội cho biết: Vừa qua cậu “cắm” chiếc xe Wave để vay 6 triệu đồng, vì khó khăn nên khoảng hơn một tháng sau, gia đình mới lo được từng đó tiền để gửi lên, mất đứt gần 2 triệu tiền lãi. Trường hợp may mắn như Đạt được cho là không nhiều, một số sinh viên nhận xét, cắm xe đến 1 tháng thì kể như là mất rồi...

Hiệu cầm đồ trở thành nơi lui tới thường xuyên của nhiều SV
Hiệu cầm đồ trở thành nơi lui tới thường xuyên của nhiều SV
 

“Khách hàng quen thuộc”

Qua tìm hiểu, thì sinh viên thường là “khách hàng quen thuộc” của các cửa hiệu cầm đồ. Để phục vụ các “thượng đế” được chu đáo, hiệu cầm đồ được mở khá tập trung tại các khu vực có nhiều trường Đại học, Cao đẳng, chẳng hạn như chỉ riêng phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội đã có tới hơn 80 hiệu cầm đồ.

Dù đông như vậy nhưng xem ra các hiệu cầm đồ này đều “sống khỏe”, vì xung quanh địa bàn phường là các trường ĐH Ngoại Thương, ĐH GTVT, ĐH Luật, cách đó một chút là ĐH Quốc gia… Sinh viên thì thiếu tiền kinh niên, những tài sản như xe máy, điện thoại, laptop, máy ảnh… thậm chí bằng tốt nghiệp, đều được mang đi cầm cố trong thời gian chờ đợi tiền từ gia đình ở quê gửi lên.

Cũng không hiếm những sinh viên do ăn chơi đua đòi, còn mượn bạn bè, người thân xe máy, đồ dùng mang “nướng” vào cầm đồ, để rồi nợ nần lên đến cả trăm triệu. Gánh nặng tài chính đổ ập vào gia đình, hậu quả không thể một sớm một chiều khắc phục được.

Theo đánh giá của cơ quan công an, vài năm gần đây, số lượng cơ sở cầm đồ trên địa bàn Thủ đô có xu hướng gia tăng và tập trung tại một số tuyến phố, địa bàn nhất định. Hoạt động cầm đồ thường diễn biến phức tạp, trong khi công tác quản lý còn nhiều bất cập, chế tài xử lý vi phạm còn thấp, việc đăng ký loại hình kinh doanh này còn khá dễ dãi…

Từ thực tế này, cơ quan chức năng cũng đưa ra lời khuyến cáo đối với các sinh viên, cần hết sức cẩn trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi mang đồ đi cầm cố vay tiền chỉ để thỏa mãn nhu cầu chốc lát, mà có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt về sau.

Hạnh Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ