Cải thiện trình độ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển

Cải thiện trình độ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển
Những công dân toàn cầu trong tương lai (HS Trường Trần Quốc Toản, ngôi trường có phong trào học tiếng Anh tăng cường mạnh nhất Thừa Thiên Huế)
Những công dân toàn cầu trong tương lai (HS Trường Trần Quốc Toản, ngôi trường có phong trào học tiếng Anh tăng cường mạnh nhất Thừa Thiên Huế)

(GD&TĐ) - Để đạt được mục tiêu đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là tiếng Anh theo đúng chuẩn quốc tế với đầy đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; Thừa Thiên Huế, một địa phương có truyền thống hiếu học và giàu tiềm năng du lịch đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

Nhân sự kiện 100 năm tiếng Anh Cambridge, Đại học Cambridge ghé thăm lãnh đạo tỉnh và Huế, Báo Giáo dục và Thời đại có dịp phỏng vấn ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.  

Ngày nay ai cũng hiểu rằng, tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng và thực trạng của việc sử dụng tiếng Anh tại Thừa Thiên Huế?

Ông Ngô Hoà: Như chúng ta đã biết, hiện nay tiếng Anh là một ngôn ngữ phổ biến và thông dụng trên quốc tế; là một phương tiện để học tập nghiên cứu, nâng cao trình độ, kết nối bạn bè, giao tiếp.

Ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng được quan tâm sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây tại Thừa Thiên Huế, đặc biệt Huế - một điểm đến du lịch quan trọng của Việt Nam; Qua các kỳ Festival, Huế đón được nhiều du khách đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hàng năm Huế đón trên triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Vì vậy, tiếng Anh là công cụ giao tiếp rất quan trọng, cần thiết đối với người dân Huế. Huế có Đại học Ngoại ngữ, các trung tâm ngoại ngữ đẳng cấp hướng đến chuẩn quốc tế; cùng với sự triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển ngoại ngữ ở các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc gia theo Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đang đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ cơ bản, đáp ứng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Tuy nhiên, quan tâm đến sử dụng ngoại ngữ đối tượng chưa rộng, chưa thường xuyên, kỹ năng chưa thành thạo là những hạn chế mà chúng tôi thực sự rất quan tâm.

f
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp bà Angela, GĐ điều hành Khảo thí tiếng Anh Cambridge Đông Nam Á tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Vậy theo ông, việc cải thiện thực trạng, để tiếng Anh trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong giao tiếp nên bắt đầu từ đâu?

Ông Ngô Hoà: Tất nhiên là phải bắt đầu từ nhà trường, nhà trường phải dạy ngoại ngữ trên mục tiêu là để thực hành, để sống, để làm việc, giao tiếp chứ không phải để biết; Muốn vậy nhà trường phải đổi mới cách dạy, cách thi; Dạy phải nhằm vào phát triển 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) chứ không phải tập trung nhiều cho kiến thức - luận ngôn ngữ như hiện nay.

Thi cử cũng phải thi tất cả các kỹ năng, đảm bảo kỹ năng nghe nói. Tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, nếu thay đổi cách thi, thì sẽ thay đổi cách dạy, cách học, có thi nói, thi nghe thì học sinh sẽ nghe, nói tốt hơn, việc dạy và học ngoại ngữ sẽ mang lại hiệu quả hơn. 

Theo tôi biết, TPHCM và một số tỉnh khác ... khi triển khai Đề án 2020 vào các trường học , đã mời giáo viên nước ngoài giảng dạy mỗi tuần từ 5 - 7 tiết, thậm chí 9 tiết / tuần ). Vậy tỉnh TT Huế đã triển khai Đề án như thế nào?

Ông Ngô Hoà: Cha ông mình đã nói "liệu cơm gắp mắm", Thừa Thiên Huế có học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành phố để xây dựng cho mình một lộ trình, cách đi riêng. Chúng tôi chủ trương phát triển đa ngôn ngữ trong các nhà trường (hiện nay các trường trung học dạy tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật).

Tuy nhiên, về môn học tự chọn thì nên ưu tiên môn tiếng Anh. Dạy và học cho có chất lượng, không học phong trào, nếu khó khăn thì phải tìm mọi cách để tháo gỡ, không cứng nhắc, vận động Nhà nước và nhân dân cùng làm…

Bên cạnh chỉ đạo đại trà cho các huyện, thị, chúng tôi tập trung phát triển mũi nhọn nâng cao thông qua việc học tăng cường cho các trường ở thành phố, những trường dân có điều kiện mở rộng diện trường thí điểm chương trình tiếng Anh mới của Bộ GD&ĐT cùng với việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngôn ngữ cho giáo viên các trường phổ thông, chúng tôi tích cực tranh thủ đội ngũ giáo viên tình nguyện viên của các nước bản địa kết hợp giáo viên của các trung tâm Anh ngữ quốc tế với sự tham gia giảng dạy của các giáo viên nước ngoài để giảng dạy cho học sinh. 

Thưa ông, lộ trình thực hiện Đề án 2020,  tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bao nhiêu trường Tiểu học tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường theo khung chuẩn châu Âu? Dự kiến đến năm 2020, các trường trong tỉnh sẽ đạt  bao nhiêu phần trăm theo chuẩn mà Bộ GD&ĐT quy định?

Ông Ngô Hòa: Hiện tại, Thừa Thiên Huế đã có 3 trường tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường, đạt tỉ lệ 16,5%. Theo lộ trình, dự kiến tới năm 2020 sẽ có 100% học sinh lớp 3, 70% học sinh lớp 5, 90% học sinh lớp 6, 40% học sinh lớp 9, 50% HS lớp 10, 20% học sinh lớp 12 học tiếng Anh tăng cường theo khung chuẩn châu Âu.  

Lãnh đạo tỉnh tích cực chỉ đạo Sở GD&ĐT trong việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng tỉnh xứng tầm là một trung tâm văn hóa, du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, trung tâm khoa học công nghệ cao trong bước đường xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

Còn hơn một năm nữa, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư , vốn và lao động có tay nghề sẽ ra đời . Vậy tỉnh TT Huế đã chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào để sẵn sàng hội nhập ASEAN? 

Ông Ngô Hòa: Đúng là câu hỏi nóng… Tôi có đọc một loạt bài trên báo chí nói nhiều về vấn đề này. Cả nước từ Trung ương đến địa phương lãnh đạo các cấp đang từng ngày suy nghĩ tìm các giải pháp sẵn sàng cho hội nhập (AEC). Bằng hành động thực tiễn, tỉnh sẽ xem xét sự việc này, là ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp cho các ngành nghề mà xã hội đang cần. Tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị giáo dục sẵn sàng đào tạo công dân toàn cầu. 

Sự kiện Đại học Cambridge ghé thăm lãnh đạo tỉnh và Huế là một tín hiệu tốt về hợp tác giáo dục. Vậy tỉnh đã có dự kiến gì trong tương lai, thưa ông?

Ông Ngô Hòa: Tỉnh hoan nghênh và tiếp Đoàn đại biểu cao cấp khảo thí tiếng Anh của Đại học Cambridge (Vương Quốc Anh) ghé thăm và tham gia nói chuyện với lãnh đạo ngành giáo dục, các sinh viên, học sinh trong địa bàn tỉnh. 

Tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&DT kết hợp với Trung tâm tiếng Anh Cambridge – Huế, đơn vị đại diện của Cambridge Đông Nam Á tích cực triển khai mạnh mẽ chương trình tiếng Anh trong tỉnh, phải chỉ đạo tích cực các trường học trong việc dạy - học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế và đề  nghị Cambridge hỗ trợ tích cực trong việc bồi dưỡng Phương pháp giảng dạy cho các giáo viên trên địa bàn tỉnh. 

Chúng tôi tin tưởng rằng, việc các đơn vị giáo dục trên địa bàn Thừa Thiên Huế nghiên cứu và sẵn sàng cho đào tạo công dân toàn cầu sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và phát triển; Tiếp tục xây dựng và khẳng định Huế là trung tâm giáo dục của cả nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.