Theo báo cáo của Save the Children cho thấy trên thế giới hiện có khoảng 400 triệu trẻ em đang đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử bởi giới tính, dân tộc, tôn giáo, khuyết tật, hay nơi cư trú.
Chiến dịch Every Last Child kêu gọi các gia đình cũng như các nhà hoạch định chính sách ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế loại bỏ những rào cản khiến trẻ em không thể tiếp cận các dịch vụ cần thiết đối với sự sống cũng như dinh dưỡng, giáo dục của trẻ.
Tại Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi các biện pháp nhằm đảm bảo trẻ em dân tộc thiểu số, một trong những nhóm trẻ thiệt thòi nhất trong cả nước, có nguồn dinh dưỡng và khả năng tiếp cận giáo dục tốt hơn.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và đạt nhiều tiến bộ ấn tượng trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em, tuy nhiên trẻ em dân tộc thiểu số vẫn đang đối mặt với khoảng cách lớn về dinh dưỡng và giáo dục so với những trẻ em khác.
Ông Gunnar Andersen - Giám đốc Quốc gia Save the Children tại Việt Nam - cho biết: Chúng tôi khuyến nghị chính phủ đảm bảo sự phát triển kinh tế đồng đều, giảm sự chênh lệch kinh tế giữa các vùng miền và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc khuyến nghị chính phủ đảm bảo sự phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, Save the Children khuyến nghị các ngành liên quan có biện pháp hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số.
Về dinh dưỡng, tổ chức kêu gọi xây dựng chương trình dinh dưỡng với nội dung sát với tình hình địa phương, cũng như đẩy mạnh việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Về giáo dục, Save the Children cũng khuyến nghị đưa phương pháp giảng dạy dựa trên tiếng mẹ đẻ và đa ngôn ngữ vào chương trình học tại các trường sư phạm, nhằm chuẩn bị kỹ năng cho các giáo viên tương lai.