Cái khó "bó" hay "ló" cái khôn?

Cái khó "bó" hay "ló" cái khôn?

(GD&TĐ) - Trong phiên chất vấn vừa qua tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã phải trả lời nhiều câu hỏi khá hóc búa của các đại biểu, trong đó có câu hỏi về việc liệu đến năm 2020 du lịch Việt Nam có ngang tầm các quốc gia khác không? Quả thật ở nước ta hiện nay, những câu hỏi như thế này thuộc loại… “câu hỏi khó” và chỉ riêng một vị Bộ trưởng của một Bộ thì không thể trả lời chắc chắc và quả quyết được.

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Cho nên, các đại biểu cũng đành chia sẻ với cách trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rằng: Tiềm năng du lịch Việt Nam tuy lớn, nhưng để tiềm năng trở thành hiện thực là cả một quá trình cần phải phấn đấu, cần có sự phối hợp giữa nhiều bộ ngành, địa phương. Và cũng theo Bộ trưởng, phải “liệu cơm gắp mắm”, đề ra chỉ tiêu quá cụ thể mà không đạt thì cũng không nên.

Dân gian xưa có câu “cái khó bó cái khôn”. Thời kỳ đổi mới, phát triển năng động, tục ngữ hiện đại xuất hiện câu “cái khó ló cái khôn”.  Người cho rằng đã khó thì dù nhiều ý tưởng hay nhưng không có ngân sách đảm bảo thì không thực hiện được; người thì cho rằng, chính cái khó mới nâng tầm trí tuệ, buộc con người ta phải nghĩ ra nhiều cách làm mới để vượt khó. Ngẫm kỹ thấy cách lập luận nào cũng đúng cả.

Những năm vừa qua, mặc dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ngành Du lịch và nhiều địa phương đã có nhiều cố gắng làm “ló cái khôn” để đem lại nguồn lợi cho đất nước. Rất nhiều sáng kiến trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch trên khắp các địa bàn, từ vùng núi, ven biển đến làng quê đã thành quen thuộc với những thương hiệu du lịch như Lễ hội du lịch, Điểm đến du lịch, Du lịch sinh thái, Du lịch làng quê, Con đường di sản, Lễ hội pháo hoa quốc tế v.v…và v.v…

Ngay tại phiên chất vấn, Bộ trưởng VH, TT & DL cũng cho biết, ngành đã thu hút khoảng 10 tỷ USD với gần 1.000 dự án đầu tư vào du lịch, trong đó có dự án đầu tư làm khách sạn đến 1 tỷ đô la. Không những tăng doanh thu ngoại tệ, du lịch còn giải quyết việc làm cho 1,4 triệu lao động.

Cố gắng là vậy nhưng trên thực tế cũng chưa thấm vào đâu so với tiềm năng chúng ta đang có và so với nhu cầu của khách nội địa cũng như quốc tế ngày càng tăng cao, những người coi Việt Nam như một khám phá mới.

Đi một số nước quanh ta mới thấy rõ, quả thật cái khó nó đang “bó” cái khôn như thế nào. Những nước phát triển, tiền của xông xênh hơn ta, tuy tiềm năng du lịch có thể không bằng ta nhưng họ có tiềm lực để biến những cảnh quan thiên nhiên bình thường thành những sản phẩm du lịch giá trị cao nhờ những công trình nhân tạo phụ họa cho cảnh quan thiên nhiên.

Rất nhiều nơi, khi những người có trách nhiệm đến đó để khảo sát tìm cách khai thác du lịch, ai cũng xuýt xoa khen ngợi, nhưng ai cũng chung một mong ước “giá như”. Giá như mở rộng chỗ này thêm một tý. Giá như làm thêm một cây cầu treo bằng mây qua con suối kia thì thật tuyêt. Giá như… Nghĩa là cần có kinh phí đích đáng để có thêm những công trình phụ trợ, làm tôn thêm vẻ đẹp của thiên nhiên, đồng thời tạo nên một không gian thoáng đãng, dễ tiếp cận vẻ đẹp ấy, để nơi ấy có thể trở thành một sản phẩm du lịch có giá trị, thì ai cũng vấp phải câu hỏi… “đầu tiên”.

Nếu xem du lịch thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn kéo theo nhiều lĩnh vực khác thì cũng phải đầu tư theo hướng ưu tiên đột phá, để, những phiên chất vấn tiếp theo, vị “tư lệnh ngành” có thể tự tin giải đáp những “câu hỏi khó” của các vị đại biểu quốc hội.

Hương Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ